Chọn đất cho cây
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:01, 25/09/2017
Để đạt hiệu quả lâu dài cần có sự phân bố cây trồng phù hợp với đặc điểm đất đai từng vùng.
Lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai sẽ tăng hiệu quả sản xuất
Đất nào, cây ấy
Gắn bó với nghề nông nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thoa ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) luôn trăn trở về việc lựa chọn các giống cây mang lại giá trị kinh tế cao. Trước kia, vài sào ruộng của gia đình chị thường để cấy lúa nhưng lợi nhuận thu được bấp bênh. Để tăng thu nhập, 5 năm trở lại đây, chị chuyển sang trồng nhiều rau màu rồi trồng cả cây dược liệu. Mặc dù vậy, kết quả đạt được không mấy khả quan.
Theo chị Thoa, phần vì thiếu kiến thức, phần vì cây không thích nghi với chất đất nên nhiều vụ cây vừa bén rễ thì sâu bệnh phát sinh dồn dập làm chị trở tay không kịp. Chị cũng tìm hiểu cách khắc phục và biết được trong nhiều lý do khiến cho cây kém phát triển thì có nguyên nhân bắt nguồn từ đất canh tác. Chỉ cần biết đất thiếu thành phần, yếu tố nào để bổ sung vào là cây có thể sinh trưởng tốt. Song do không nắm rõ được tình trạng đất nên gia đình chị thường cải tạo đất theo kinh nghiệm, thói quen. Có những lúc bón phân không hợp lý, khi thì thừa đạm, lúc lại thừa lân nên hiệu quả không cao. Chị Thoa thừa nhận: “Cách sản xuất theo may rủi sẽ không thể tạo ra sản phẩm chất lượng nên khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị thương lái ép giá. Hiện tại, tôi cũng đang loay hoay không biết gắn bó lâu dài với loại cây nào”.
|
Bình Giang là huyện có truyền thống thâm canh lúa chất lượng cao của tỉnh với nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm cho diện mạo đồng ruộng thay đổi, không còn độc canh cây lúa. Tuy mới chỉ xuất hiện rải rác vài mô hình trồng cam, bưởi, ổi, nhãn nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tích cực trong bức tranh nông nghiệp của huyện. Song ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vẫn tỏ ra lo ngại. Theo ông Luyện, hiện chưa thể đánh giá được mô hình nào thành công hay thất bại, do mới ở giai đoạn đầu. Muốn phát triển trồng trọt, tìm ra được loại cây đặc trưng của từng vùng, phải có nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Lấy minh chứng về thực tế sản xuất vụ đông của huyện, ông Luyện cho biết: “Vụ đông của huyện luôn đuối sức so với các nơi khác. Để vực dậy vụ đông, phòng chuyên môn của huyện tích cực đi học hỏi mô hình sản xuất ở nhiều vùng về áp dụng tại địa phương. Huyện thí điểm xây dựng vùng trồng hành, tỏi - cây vụ đông chủ lực của tỉnh nhưng kết quả lại không như mong muốn. Cây chỉ cho năng suất cao trong vụ đầu, còn những vụ sau thì kém hẳn. Thử nghiệm nhiều lần không thấy hiệu quả, chúng tôi cho rằng điều kiện đất đai không phù hợp với đặc tính của cây. Vì vậy, những năm gần đây, huyện khuyến khích nông dân trồng bầu bí và các loại rau màu trong vụ đông”.
Sẽ có bản đồ thổ nhưỡng
Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng sẽ giúp các địa phương lựa chọn được cây trồng chủ lực. Trong ảnh: Cam
là một trong những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao tại thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn
Theo các tài liệu thổ nhưỡng hiện có, đất đai của Hải Dương gồm 2 nhóm chính. Nhóm đất đồng bằng được hình thành chủ yếu do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Thái Bình xen kẽ phần nhỏ phù sa sông Hồng rộng 147.900 ha, chiếm 88,97% diện tích đất tự nhiên trong tỉnh. Nhóm đất này tương đối màu mỡ, là cơ sở để phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc với nhiều loại sản phẩm phong phú như cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp và cây ăn quả. Đất phù sa sông Hồng thường có màu nâu tươi, kết cấu tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, đất trung tính, ít chua, địa hình nghiêng dần từ phía sông vào nội đồng. Các yếu tố dinh dưỡng từ trung bình đến tốt. Còn đất phù sa hệ thống sông Thái Bình đa số có màu nâu nhạt hoặc hơi xám. Thành phần cơ giới thường từ trung bình đến thịt nặng, địa hình lồi lõm, phức tạp, có hướng nghiêng dần về phía hạ lưu. Đất loại này thường chua, nghèo lân và kali, các yếu tố dinh dưỡng từ nghèo đến trung bình. Nhóm đất đồi núi có diện tích 18.320 ha, chiếm 11,03% diện tích tự nhiên trong tỉnh, phân bố tại thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn.
Mặc dù có đánh giá tổng quan nhưng hiện nay vẫn chưa có phân tích cụ thể, chi tiết về hiện trạng đất đai đối với từng địa phương, đưa ra nhận định về loại cây trồng thích hợp. Để khắc phục tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả, thiếu hợp lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Hải Dương”. Đề tài sẽ xác định được mức độ thích hợp đất đai của từng loại cây trồng, từ đó đề xuất hướng khai thác lợi thế cũng như hạn chế yếu tố bất lợi của đất đai trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng tinh thần, mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh đề ra.
Hiện nay, người dân vẫn còn sản xuất tự phát, theo phong trào mà không quan tâm tới điều kiện canh tác. Trong khi đó, một loại cây có thể là thế mạnh của vùng này nhưng lại là điểm yếu tại vùng khác. Việc xây dựng bản đồ thổ nhưỡng là thực sự cần thiết nhằm tạo cơ sở để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
DŨNG CƯỜNG