"Học bán trú - những nỗi lo". Bài cuối: Quản lý thế nào?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:55, 26/09/2017
Đối với các trường, nhiệm vụ chính là dạy học còn việc trông nom, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu là thỏa thuận giữa phụ huynh và trường...
Trường Tiểu học xã Cao An (Cẩm Giàng) đã xây dựng được phòng ngủ riêng với đầy đủ giường nằm,
quạt điện, ti vi... đáp ứng nhu cầu học bán trú cho học sinh
Trong buổi gặp mặt phụ huynh đầu năm học mới, việc đầu tiên cô giáo Đặng Thị Xiêm, chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Bình Minh nhắc nhở, mong muốn sự hợp tác từ phía các phụ huynh chính là những việc liên quan đến học sinh bán trú. Theo cô Xiêm, những năm trước ở lớp cô chủ nhiệm từng xảy ra nhiều việc khá phức tạp như các con có anh chị cùng học bán trú ở trường, khi mâu thuẫn với bạn liền kéo anh chị đến "giải quyết". Các em còn nhỏ, đôi khi va vấp vào bạn gây ngã, chảy máu... Nhiều gia đình xót con, xót cháu nên phụ huynh cũng tự tìm các cháu mắc lỗi để mắng mỏ... gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ. Như thế để thấy công việc quản lý các cháu ở trường cả một ngày, từ dạy học đến chăm ăn, chăm ngủ, giải quyết mọi việc có liên quan, kể cả "khiếu kiện", xích mích... của trẻ nhỏ thật không đơn giản.
Đối với học sinh các lớp lớn hơn, nhiều khi các em không chịu ngủ trưa mà thường nghịch ngợm, trêu chọc lẫn nhau. Có em còn rủ nhau trốn ra cổng trường mua quà vặt, đồ chơi... Trong khi ngoài cổng trường có thể tồn tại không ít những mối lo như ma túy "tem" giấy, đồ chơi bạo lực... Anh P.V.T. ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) có con đang học lớp 4 kể: "Năm ngoái, có lần đi học về tôi thấy con có món đồ chơi lạ. Hỏi thì lúc đầu cháu bảo bạn cho nhưng căn vặn một lúc thì cháu mới khai là tự mua". Buổi trưa cậu bé này thường khó ngủ nên hay chuyện trò với một cậu bạn lớp bên. Thấy bạn có đồ chơi đẹp, cậu cũng muốn có. Được bạn mách nước, cậu đã về rút trộm tiền từ con lợn nhựa, hôm sau tranh thủ lúc trường mở cửa cho các học sinh không ăn bán trú ra về, cậu đã lẻn ra ngoài mua đồ chơi. "Cũng may đó chỉ là một con rô-bốt nhỏ chứ không phải thứ gì nguy hiểm. Nhưng sau lần đó mình cũng cảnh giác, quản lý con chặt chẽ hơn", anh T. nói.
Hiện nay, nhiều trường tổ chức ăn bán trú vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ. Công tác quản lý học sinh bán trú vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường không bố trí giáo viên trông nom, chăm sóc học sinh trong thời gian ngủ mà thuê người ngoài. Một số trường chỉ bố trí 1 giáo viên quản lý 2 - 3 lớp. Thời gian học sinh nghỉ trưa khá dài, thường từ 10 giờ 30 đến 14 giờ. Ngoài thời gian ngủ trưa, các em còn có nhu cầu vui chơi, giải trí nhẹ nhàng nhưng hầu hết phòng học thiếu các thiết bị nghe nhìn, sách báo, thiếu không gian để vui chơi.
Siết chặt quản lý
Để bảo đảm chất lượng học bán trú, mỗi địa phương lại có cách làm riêng. Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thị xã Chí Linh cho biết phòng yêu cầu các trường phải cử giáo viên ở lại trông nom học sinh. Không cho phép các trường ký hợp đồng với những đơn vị, cá nhân trông coi trẻ ở trường. "Chỉ có các cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm mới nắm được sĩ số ăn bán trú của lớp, nhớ mặt học sinh cũng như tình trạng của từng em để tiện theo dõi, chăm sóc", bà Thảo nói. Nếu thuê người khác tới trông nom, các cô giáo sẽ có thời gian nghỉ trưa, song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với học sinh. Bởi những người lạ không có kỹ năng sư phạm trong việc trông coi trẻ hoặc không nhớ mặt từng học sinh nên khó có thể kiểm soát được các em. Thậm chí có thể tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng trà trộn vào trường gây nguy hiểm cho các em...
Thầy giáo Phạm Quang Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nam Sách chia sẻ: "Để tổ chức tốt việc học bán trú, nhà trường chỉ nhận đủ số lượng học sinh có thể phục vụ được, không quá 350 trong tổng số 960 học sinh. Trường ưu tiên nhận toàn bộ học sinh lớp 1 và những em lớp khác có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường có khu ăn riêng và phòng ngủ riêng cho 150 em".
Huyện Nam Sách đang xây dựng đề án về việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Trong đó sẽ xây dựng vùng sản xuất rau, nơi cung cấp thịt, trứng sạch cho các nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất để các nhà trường có chỗ ăn ngủ riêng cho học sinh. Trong tổng số 19 trường tiểu học, 12trường đã có phòng ăn riêng, 9 trường có phòng ngủ riêng cho học sinh.
Năm học 2017 - 2018, Sở GDĐT xác định nâng cao chất lượng tổ chức học bán trú cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phấn đấu tỷ lệ học sinh tiểu học ăn bán trú đạt 32% (tăng 3% so với năm học trước). Sở GDĐT đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT khẳng định thời gian tới ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để việc tổ chức bán trú của các cơ sở giáo dục bảo đảm an toàn, hiệu quả. "Ngành kiên quyết không cho những trường chưa xây được tường bao, cổng trường tổ chức học bán trú. Học bán trú sẽ là một trong số những tiêu chí để đánh giá thi đua của các đơn vị", bà Tiến cho biết.
Một trong những giải pháp Sở GDĐT đưa ra để nâng cao chất lượng, bảo đảm khẩu phần, dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn của học sinh là phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam cung cấp miễn phí phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho các trường có tổ chức bán trú. Phần mềm cung cấp 120 thực đơn với hơn 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, khu vực.
Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí, dành quỹ đất xây dựng khu bán trú cho các trường. Để thời gian trước và sau giờ nghỉ giữa hai buổi học thực sự là khoảng thời gian bổ ích, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, năng lực, các trường cần cho học sinh tham gia thêm các hoạt động như đọc sách, sinh hoạt văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian...
TRUNG VŨ