Ngành y thực hiện lời hứa thay đổi từ dịch vụ đến giá cả

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:43, 30/09/2017

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y đã thay đổi cách ứng xử với người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thuốc...

bo-truong-y-te-nganh-y-thuc-hien-loi-hua-thay-doi-tu-dich-vu-den-gia-ca

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: QH

Chiều 29.9, báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian qua ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây là lời hứa của Bộ trưởng khi trả lời đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và Ngô Minh Tiến trong kỳ họp trước.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, phê duyệt kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Các cơ sở y tế tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ nhân viên, đặc biệt trong môi trường độc hại, nặng nhọc, căng thẳng, dễ sinh cáu gắt như khoa ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu…

Bộ Y tế cũng tích cực kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử bị người dân phản ánh. Lắp đặt hộp thư góp ý ở các cơ sở khám chữa bệnh và tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng. 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế tiếp nhận hơn 6.200 cuộc gọi qua đường dây nóng và giải quyết kịp thời các thắc mắc của người dân. 185 nhân viên y tế tại các cơ sở vi phạm quy định bị khiển trách, 68 trường hợp bị cắt thi đua, 13 người chuyển bộ phận khác. Một trường hợp bị cách chức, năm người nghỉ việc và khen thưởng 58 nhân viên.

Giảm giá thuốc biệt dược thông qua đàm phán

Thực hiện lời hứa khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) liên quan đến giá thuốc, vật tư, trang thiết bị, Bộ trưởng Y tế cho biết đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn một số loại vật tư kỹ thuật cao, sử dụng nhiều, có giá trị lớn nhằm thí điểm đấu thầu tập trung. Sau khi xây dựng danh mục, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng mặt hàng. 

Bộ cũng đang xây dựng phần mềm quản lý đấu thầu thuốc - hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế. Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng khẳng định: "Việc đấu thầu tập trung đã gần đến giai đoạn cuối, bắt đầu vận dụng đàm phán giá".

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung quy định về mua biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền thông qua đấu thầu rộng rãi. Để đảm bảo thuốc biệt dược gốc phục vụ nhu cầu điều trị, Bộ Y tế dự kiến thí điểm đàm phán giá thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Nếu đàm phán giá không thành công sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi với thuốc nhóm 1 đã có nhiều số đăng ký, đáp ứng nhu cầu điều trị.

Bộ Y tế giao cho Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đàm phán giá đối với các thuốc này theo lộ trình và kế hoạch thực hiện của Hội đồng đàm phán giá thuốc. Bộ trưởng kỳ vọng đàm phán giá sắp tới sẽ giúp tiết kiệm chi phí gói thầu thuốc biệt dược gốc.

"Thuốc gần hết bản quyền, trong đó thuốc biệt dược dứt khoát phải đàm phán giảm giá, có loại giảm 4%, có loại giảm nhiều hơn", Bộ trưởng Tiến khẳng định. Bà cho biết, đối với thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế quản lý giá thuốc theo nguyên tắc cạnh tranh trên cơ sở công khai minh bạch bằng hình thức kê khai, niêm yết giá. 

Nâng chất lượng y tế và bảo hiểm tuyến xã

Về lời hứa khi trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị nâng tỷ lệ kinh phí khám chữa bệnh cho trạm y tế tuyến xã, Bộ trưởng Tiến cho biết Bộ đã nỗ lực tăng số người đến khám ở y tế cơ sở thông qua việc tăng chi trả cho bệnh nhân. 

Người đứng đầu ngành y tế cho hay, trong tuần tới Bộ sẽ ban hành gói dịch vụ cơ bản chỉ áp dụng cho tuyến xã. Cụ thể, khi khám chữa bệnh thì thêm thuốc cho một số bệnh như huyết áp, tim mạch... để bệnh nhân không phải lên tuyến trên. Đồng thời tăng gói nâng cao sức khỏe dự phòng.

Theo bà Tiến, nếu nâng cấp cơ sở y tế tuyến xã chỉ qua cơ sở vật chất hoặc nhân sự thì người dân vẫn muốn lên tuyến trên để khám chữa bệnh. Nguyên nhân là do "ở dưới xã khám chỉ được cho có hai viên thuốc, lên tuyến huyện khám nhận một vốc thuốc, đi tuyến tỉnh thì một túi thuốc, đến bệnh viện trung ương thì nhiều thuốc hơn nữa. Như vậy thì làm sao người ta chịu khám ở trạm y tế xã?", Bộ trưởng Tiến đặt câu hỏi.

Bộ Y tế cho rằng nhiều bài toán tài chính đang đầu tư không hiệu quả. Quy định chi cho tuyến huyện, xã không quá 20%, trạm y tế xã tiền thuốc bảo hiểm y tế chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng, thì người bệnh không ai đến khám chữa bệnh cả. Phải quy định tiền thuốc bảo hiểm y tế là 200.000-300.000 đồng với gói thuốc giống như bệnh viện huyện thì bệnh nhân mới không lên tuyến trên nữa.

Trạm y tế xã cũng phải đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm cơ bản của người dân. Bộ Y tế sẽ tổ chức xe đến từng trạm y tế để thu mẫu xét nghiệm chuyển lên trung tâm y tế huyện, y tế dự phòng, sau đó trả kết quả về trạm y tế xã hoặc thông qua email.

"Bộ đang xây dựng mô hình mẫu ở Thái Bình. Chúng tôi đang mơ đến năm 2025 cơ bản có thể thực hiện được 80%", bộ trưởng Tiến nói.

Kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá Bộ trưởng Y tế đã rất nghiêm túc trong việc thực hiện lời hứa. Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi bày tỏ lo ngại trước tình trạng gần đây nhiều nhân viên y tế bị người nhà của bệnh nhân tấn công. Ông đề nghị "cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này".

Trong năm 2016, Bộ Y tế đã tổ chức 10 đoàn thanh tra về việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn. Trong đó tám đoàn thanh tra theo kế hoạch và hai đoàn thanh tra đột xuất. Kết quả phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở với tổng số tiền hơn 352 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã thanh kiểm tra về lĩnh vực dược tại Hà Nội, TP HCM, Cao Bằng, Thanh Hóa. 32 cơ sở được thanh kiểm tra, trong đó có 6 nhà thuốc bán lẻ, phát hiện và xử phạt 15 đơn vị với tổng số tiền 195 triệu đồng.


HOÀNG THÙY (Vnexpress)