Ngăn chặn “rác tặc”
Môi trường - Ngày đăng : 09:35, 11/10/2017
Cùng với sự phát triển công nghiệp, trong những năm gần đây, nạn xả thải, đổ trộm rác công nghiệp có chiều hướng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Gần đây nhất, cơ quan chức năng thị xã Chí Linh đã phát hiện tại đoạn mương cụt giáp cụm công nghiệp Phả Lại (phường Phả Lại), một số đối tượng vận chuyển, chôn lấp rác thải công nghiệp trái phép. Cho đến khi bị bắt quả tang, các đối tượng đã đổ, san lấp rác thải trên diện tích mương hơn 1.000 m2, lượng rác đã đổ và chôn lấp là 3.168 m3. Trong đó có khoảng 1.900 m3 rác thải công nghiệp thông thường như cuộn túi nhựa, giày dép hỏng, vải, mút xốp… và 1.268 m3 đất và bùn. Các đối tượng chắc chắn đã đổ trộm rác thải trong một khoảng thời gian tương đối dài mới bị phát hiện bởi chúng ngụy trang cho bãi rác trái phép này bằng cách chăng bạt và xây dựng nhà tạm.
Nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, nhất là đổ trộm có hệ thống như vậy gây nguy hại nghiêm trọng tới môi trường nhưng những kẻ vi phạm vẫn cố tình thực hiện do lợi nhuận mang lại từ việc làm này khá lớn. Các cơ sở sản xuất thay vì đầu tư hệ thống xử lý rác thải đúng quy định với chi phí tốn kém thì chỉ mất một số tiền nhỏ để thuê người mang đi đổ. Những người nhận đổ trộm rác cũng không mất nhiều chi phí cho việc vận chuyển và san lấp trái phép. Chỉ có môi trường sống của chúng ta là phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu như hành vi xả thải ra môi trường tại chỗ của các nhà máy, người dân có thể dễ dàng phát hiện, cơ quan chức năng dễ quy trách nhiệm thì với nạn đổ trộm rác thải, việc xác định để xử lý đơn vị thuê chở rác khó khăn hơn nhiều. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ trên địa bàn tỉnh ta.
Để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ phương án xử lý rác thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nếu không có phương án xử lý rác rõ ràng, minh bạch, có thể kiểm tra, kiểm soát được thì dứt khoát không cho phép các nhà máy, cơ sở sản xuất đó hoạt động. Thường xuyên kiểm tra việc xử lý rác thải của các nhà máy, cơ sở không xử lý ngay tại nguồn mà thuê đơn vị trung gian xử lý. Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc, mức xử phạt đủ nặng để răn đe những đối tượng đang hoặc có ý định đổ trộm rác thải công nghiệp. Nếu việc đổ trộm rác thải chỉ bị xử phạt hành chính số tiền vài chục triệu đồng thì nhiều người vẫn vi phạm vì lợi nhuận họ có thể thu được từ việc làm phạm pháp này cao hơn nhiều.
Trong các vụ đổ trộm rác thải công nghiệp như vừa bị phát hiện ở Chí Linh, tiếp tay cho các đơn vị sản xuất là các cá nhân hám lợi đã tìm cách qua mắt cơ quan chức năng và người dân. Họ chỉ nghĩ đến cái lợi cá nhân trước mắt mà bất chấp những hậu quả lâu dài chung của cộng đồng. Có thể nói, ý thức giữ gìn môi trường sống chung của một bộ phận người dân hiện nay vẫn còn hạn chế. Không chỉ rác thải công nghiệp mà rác sinh hoạt cũng thường xuyên bị xả bừa bãi, không đúng nơi quy định. Báo Hải Dương thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về những bãi rác thải sinh hoạt tự phát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã. Khi xây dựng nhà cửa, người dân chưa quan tâm đến việc người mình thuê xử lý xác nhà cũ bằng cách nào nên tình trạng đổ trộm vật liệu xây dựng cũng thường diễn ra.
Vì vậy, về lâu dài, để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống chung của người dân. Mỗi cá nhân cần nhận thức sâu sắc rằng việc đổ rác bừa bãi, dù là rác sinh hoạt hay công nghiệp, và dù thực hiện ở bất cứ nơi đâu cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chung tới tất cả mọi người, trong đó có chính bản thân mình, người thân của mình. Nếu mỗi người đều có ý thức xả rác đúng quy định, tạo thành nét văn hóa chung trong cộng đồng thì việc nhận đổ trộm rác thải công nghiệp cũng sẽ bị hạn chế. Chính quyền và các cơ quan chức năng cũng cần lắp đặt đầy đủ hệ thống thùng rác tại các nơi công cộng, xây dựng các bãi rác tập trung, các nhà máy xử lý rác thải.
LAM ANH