Khi phụ nữ làm thợ xây
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:45, 20/10/2017
Chị Nhi trát tường chẳng thua kém đàn ông
Những ngày này, tại một công trình đang thi công trong khuôn viên Trường Chính trị tỉnh ở TP Hải Dương, nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến 2 phụ nữ nhoay nhoáy xây, trát chẳng kém những người đàn ông có nghề. Đó là chị Nguyễn Thị Nhi quê ở thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) và chị Vũ Thị Thoan ở thôn Cương Xá, xã Tân Hưng (TP Hải Dương).
Sau mỗi lần các chị gọi vữa, một vài thợ phụ nhanh chóng xách những xô vữa tới, đổ ụp lên mảnh bao xác rắn lót phía dưới. Chị Thoan nheo một mắt, nghiêng nghiêng đầu ngắm viên gạch vừa đặt xem có thẳng với hàng dây đã được căng từ 2 góc tường trước đó hay không. Rồi chị cầm dao xây gõ gõ lên mặt hòn gạch sao cho cạnh phía trên hòn gạch thẳng với dây xây. Còn chị Nhi, trên giàn giáo cao vút tận tầng 3, một tay cầm bàn xoa, tay còn lại dùng bay gạt vữa, trát lên tường điệu nghệ. Động tác của hai chị vừa có sự mạnh mẽ, dứt khoát của người thợ lành nghề, lại vừa có độ uyển chuyển mềm mại của bàn tay phụ nữ khiến tôi không thể rời mắt nhìn trong một lúc lâu.
Chị Thoan và chị Nhi vốn là những nông dân, quanh năm chỉ quen với ruộng đồng. Cuộc sống khó khăn, để có thêm thu nhập, các chị tranh thủ lúc nông nhàn lên thành phố làm thợ xây rồi gắn bó với nghề, trở thành công việc chính. “Nghề này đã theo chúng tôi gần 20 năm”, chị Thoan nói.
Chị Nhi cho biết khoảng 10 năm trước, trong một buổi làm, khi công việc của thợ phụ đã tươm tất thì những người thợ chính vẫn phải làm cật lực để bảo đảm tiến độ công trình. "Trời nắng về trưa gay gắt, mồ hôi cứ vã ra. Nghĩ cùng cảnh đi làm thuê, tôi muốn làm gì đó để san sẻ vất vả với các bác ấy. Vậy là tôi xông lên giàn giáo xây thử", chị Nhi kể về lần đầu cầm viên gạch để xây.
Cũng giống như chị Nhi, những viên gạch đầu tiên chị Thoan xây chưa được ngay ngắn. Việc vào vữa trên các bức tường để trát cũng không hề đơn giản. "Xây làm sao phải đẫy mạch vữa, cạnh phía trên hòn gạch bám theo dây xây. Khi trát, vào vữa phải chặt tay thì vữa mới ăn vào gạch, tường không bị ộp. Sau đó dùng thước nhôm dài 2 m cán phẳng... Muốn làm được vậy, đôi tay của những người thợ xây không chỉ khỏe mà còn phải khéo", chị Thoan nói.
Trước đây công việc xách vữa tuy nặng nhọc nhưng đơn giản. Còn việc xây, trát tuy tiền công cao gấp rưỡi nhưng cần kỹ thuật tốt. Những buổi đầu, cổ tay các chị mỏi nhức, tối về vai đau ê ẩm, chưa kể việc phải thường xuyên leo lên các giàn giáo cao rất nguy hiểm. Nhưng cả hai đều không bỏ cuộc. Buổi đầu rồi có buổi thứ 2, dần dần các chị tham gia nhiều hơn vào công việc của người thợ chính. Đến nay, hai chị có thể đứng xây, trát, thậm chí cả đắp phào, kẻ chỉ - những chi tiết khó của ngôi nhà.
Khi được hỏi, tại sao những phụ nữ bé nhỏ, chân yếu tay mềm như các chị lại có thể làm được những công việc nặng nhọc ấy, chị Thoan chỉ khiêm nhường: "Tôi nghĩ các chị em khác cũng như chúng tôi, không có việc gì mà không làm được. Đàn ông làm được thì cánh phụ nữ cũng làm được".
Nhìn sang chị Thoan bằng con mắt lém lỉnh, anh Nguyễn Văn Ánh cùng trong đội thợ với các chị nói: "Những ngày đầu nhìn thấy các chị ấy làm, tôi không khỏi phì cười vì nghĩ phụ nữ sao mà làm được những công việc của đàn ông. Thế mà các chị ấy lại làm tốt".
Là người trực tiếp thuê hai nữ thợ xây làm việc, anh Lê Thanh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hà Anh Tuấn cho biết anh đã đi theo các công trình khắp nơi trong tỉnh, thậm chí cả các tỉnh ngoài nhưng chưa ở đâu phụ nữ lại làm được những công việc của đàn ông như các chị. Chị Nhi và chị Thoan làm việc hơn hẳn một số thợ nam giới vì các chị luôn có sự khéo léo, bền bỉ, chịu khó, cẩn thận trong công việc.
Nếu so với những phụ nữ khác chỉ đi làm phụ xây thì mức thu nhập của các chị là 250.000 đồng/ngày, cao hơn nhưng để trang trải cho cuộc sống thì vẫn còn nhiều khó khăn. Các con chị Thoan đang tuổi ăn, tuổi học, chi tiêu tốn kém. Cả nhà chị có 5 sào ruộng, nay không cấy mà cho người khác thuê trồng đào. Chồng chị cũng đi xây, thu nhập vài triệu mỗi tháng nhưng công việc không đều. “Mỗi tháng, vợ chồng tôi chẳng thể làm đủ 30 ngày vì còn ngày nắng, ngày mưa, ngày khỏe, ngày ốm. Chưa kể nghề vất vả như bán sức ăn dần, nguy hiểm, đến khi già yếu chẳng còn sức mà làm nữa”, chị Thoan ngậm ngùi.
So với chị Thoan, chị Nhi còn kém may mắn hơn. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, lẽ ra ở tuổi này, con cái đã trưởng thành, sắp được an nhàn vui vầy bên con cháu thì chị vẫn vò võ nuôi con một mình. Cách đây 13 năm, chị quyết định làm mẹ đơn thân. "Sinh con muộn lại nuôi con một mình nên cuộc sống khá chật vật", chị Nhi nói. Mẹ con chị chỉ có 1 sào ruộng, quanh năm cấy cũng chỉ đủ gạo ăn. Mọi sinh hoạt hằng ngày, tiền học cho con, giỗ chạp đều do đôi vai gầy guộc của chị gánh vác. Có lẽ vì đã quá quen với việc phải tự lo toan nên với chị Nhi việc làm thợ xây không quá khó khăn.
Ngoài chị Nhi, chị Thoan, còn rất nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn đi phụ vữa hay làm các công việc nặng nhọc. Với họ chỉ cần có sức khỏe, thu nhập ổn định là đủ. Vượt lên hoàn cảnh, họ luôn cố gắng tạo dựng tương lai cho con em mình tốt đẹp hơn. Tất cả những điều đó thật đáng trân trọng.
LÊ HƯƠNG