Trường tư bạo tay chi tiền phát triển nền giáo dục 'kiểu 4.0'
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:19, 22/10/2017
“80-90% phụ huynh đều đặt chung câu hỏi với chúng tôi. Đó là họ cho con vào học rồi ra có làm được cái gì không”, TS. Đàm Quang Minh - Hiệu Trưởng Đại học Thành Tây nói.
Câu hỏi này là dễ hiểu, khi một dự báo chỉ ra rằng 47% việc làm sẽ mất đi trên thế giới trong 10-20 năm tới vì robot. Câu hỏi trên được đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao. Mới đây nhất, câu chuyện một thủ khoa ngành sư phạm phải ở nhà chăn lợn… cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh.
Những nỗi ám ảnh này vô tình trở thành một nhu cầu lớn mà hệ thống giáo dục ngoài công lập đang hăng hái nhảy vào. Để có những sản phẩm ‘đáng đồng tiền bát gạo’ và trấn an được phụ huynh, các trường tư đang bạo tay đầu tư cho giáo trình, giáo viên và tích cực quảng bá về phương thức học, đường lối giáo dục của đơn vị mình.
Chia sẻ tại một hội thảo về đầu tư cho giáo dục mới đây, bà Phan Hà Thủy - Tổng giám đốc Hệ thống giáo dục Vinschool cho biết, ngoài mua bản quyền giáo trình nước ngoài, hệ thống còn thuê hẳn chuyên gia New Zealand để viết riêng bộ sách kỹ năng thế kỷ 21, dạy từ lớp 1 đến lớp 12.
Nỗi ám ảnh con cái sẽ thất nghiệp của các bậc phụ huynh là mảnh đất màu mỡ để các trường tư cày xới. |
“Chúng tôi làm marketing đến tận trường phổ thông. Những em cuối cấp nào đủ điểm vào sư phạm sẽ được cấp học bổng toàn phần để tốt nghiệp là vào hệ thống chúng tôi dạy. Chúng tôi đang cố gắng để thu nhập giáo viên của mình không thua kém bất cứ ngành nào khác, để giáo viên trở thành một nghề ‘hot’ trở lại”, bà Thủy nói. Theo bà, giảng viên trong hệ thống mỗi năm còn học thêm 120 giờ, từ kỹ năng tiếng Anh, công nghệ thông tin đến phương pháp giảng dạy mới, thấu hiểu học sinh.
Nếu như Vinschool mới gia nhập được 3 năm thì Tập đoàn Nguyễn Hoàng một ‘đại gia’ khác có thâm niêm gấp 3 trong ngành giáo dục cũng bạo tay đầu tư không kém.
Gần đây nhất, Nguyễn Hoàng chiêu mộ thêm một 'tướng' mới, vốn quen thuộc trong giới công nghệ. Đó là ông Vũ Minh Trí - nguyên tổng giám đốc Microsoft Việt Nam. Ông Trí về đảm nhận chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách khối đại học. Theo nguồn tin riêng, để có được cái gật đầu của ông Trí, tập đoàn Nguyễn Hoàng đã có một lời đề nghị đãi ngộ rất hấp dẫn.
Tập đoàn này có trường mầm non đến đại học, với 13 trường phổ thông và 2 trường đại học. Trong đó, thương vụ thâu tóm Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) mới hoàn tất vào năm ngoái. Cách đây đúng 2 tháng, Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng vừa đưa vào hoạt động trụ sở mới 25 tầng với 109 giảng đường với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Không chỉ có những đơn vị giáo dục chính khóa, các thị trường giáo dục khác như trường tiếng Anh hay đào tạo trực tuyến cũng chạy đua đầu tư để thỏa mãn nhu cầu giúp các ông bố bà mẹ cảm thấy sẵn sàng trước cơn bão hội nhập và Cách mạng 4.0 đang văng vẳng quanh tai.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anh ngữ Apax cho biết, từ đây đến cuối năm, hệ thống của ông có đều đặn vài trung tâm mới mỗi tháng. Hiện tại, Apax English đã có 55 trung tâm tại 18 tỉnh, thành. “Việc mở rộng thị trường đến các tỉnh khó khăn, không có giáo viên, tốn kém chi phí...là một cơ hội. Vì ở đó, không nhiều người được tiếp cận với mô hình giảng dạy tiếng Anh hiện đại”, ông Thủy nhận định.
TS Phạm Minh Tuấn – Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Topica Edtech Group thì cho hay, thị trường giáo dục ở Việt Nam hiện rất nhộn nhịp. Hiện khoảng 150 startup trong nước chuyên về lĩnh vực giáo dục đang tích cực vươn lên. Giáo dục cũng đang phát triển với 3 xu hướng mới như thực tế ảo, đào tạo trực tiếp và trí tuệ nhân tạo. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Topica vừa có những thí điểm về ứng dụng thực tế ảo vào giảng dạy.
Cơ sở vật chất tốt, chương trình học mua từ nước ngoài hay đội ngũ giáo viên giỏi là những yếu tố có thể đầu tư được nếu…có tiền. Tuy nhiên, nhiều trường tư thành công trong việc thu hút học sinh, sinh viên còn ở chỗ tư duy làm giáo dục. Tại Forbes Talk chủ đề “Tương lai của giáo dục” mới đây, nhiều lãnh đạo trường tư, các nhà đầu tư giáo dục đồng thuận vài quan điểm chung. Đó là giáo dục khai phóng, giáo dục có trải nghiệm thực hành tốt và giáo dục STEM.
“Ở trường chúng tôi, hai năm đầu học sinh không theo học chuyên ngành cụ thể mà học mọi thứ tổng quan, để các em nhận ra đam mê của mình. Theo tôi, giáo dục khai phóng là tạo ra được tinh thần học tập suốt đời. Cho dù hôm nay robot có đuổi mình ra khỏi nhà máy thì mình vẫn sẵn sàng cho công việc khác”, bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.
Còn với TS. Đàm Quang Minh - Hiệu Trưởng Đại học Thành Tây, câu trả lời cho nỗi lo con cái họ có thất nghiệp hay không rất cụ thể. Ông cho biết nhà trường rất quan tâm đến hoạt động trải nghiệm của sinh viên. Những xu hướng như một năm thực tập tại doanh nghiệp hay trao đổi học tập tại nước ngoài đang được đẩy mạnh.
Viễn Thông (VnExpress)