Liên tiếp xảy ra lừa đảo, chiếm đoạt xe máy điện

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:00, 28/10/2017

Hơn 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn TP Hải Dương liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt xe đạp điện, xe máy điện của học sinh với cùng một thủ đoạn.


Gia đình Thông đã phải mua cho em 1 chiếc xe máy điện mới để em đi học

Nạn nhân là học sinh

Khoảng 6 giờ 30 ngày 23.10, em Nguyễn Đình Thông (học sinh lớp 7D, Trường THCS Võ Thị Sáu) đang đi học tới phố Đinh Tiên Hoàng (TP Hải Dương) thì bị 2 thanh niên nam nữ đi xe máy Honda SH tiếp cận. Người nam dáng người cao to tự xưng tên là Cường, người nữ tóc dài xưng tên Lan. Chỉ trong vòng 30 phút, em Thông đã bị 2đối tượng trên lừa lấy mất chiếc xe máy điện. Chiếc xe này bố mẹ Thông mua cho em với giá 18triệu đồng từ năm học trước. "Sau khi bị mất xe, em hoảng hốt, lo sợ, không biết gọi ai hay làm gì", em Thông nhớ lại.

Không chỉ có em Thông, trong vòng 1 tuần qua còn có 2học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu bị kẻ gian lừa lấy mất xe đạp điện, xe máy điện. Hai nạn nhân của những kẻ lừa đảo là em Đặng Minh Anh, học sinh lớp 8B và  Nguyễn Văn Huy, học sinh lớp 9E. Tổng trị giá tài sản mà cả 3 học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu bị mất khoảng 40 triệu đồng.
Cũng vào đầu giờ sáng 23.10, em Vũ Đoàn Hương Ly (học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự) trên đường đi học tới đường Trần Hưng Đạo thì gặp một đôi nam nữ đi xe máy Honda Airblade không biển kiểm soát. Sau một hồi trò chuyện, đến ngõ 50 phố Canh Nông, người nữ mượn xe của em Ly, sau đó không quay trở lại. Chiếc xe của Ly đã gắn bó với em gần 3 năm học, có giá hơn 10 triệu đồng.

Cuối tháng 9 vừa qua, em Cao Lê Anh Đức ở phố Nguyễn Thượng Mẫn, học sinh Trường THCS Bình Minh trên đường đi học đến ngã ba Trương Mỹ - Bình Minh cũng gặp đôi nam nữ đi xe máy Honda SH Mode. Các đối tượng bám theo em Đức đến chợ Tân Kim rồi giở chiêu trò lừa đảo, lấy mất xe máy điện của em.

Cùng thủ đoạn

Tất cả các em học sinh bị lừa đảo, chiếm đoạt xe đạp điện, xe máy điện đều cho biết đối tượng gồm 2 người (1 nam, 1 nữ), thủ đoạn lừa đảo khá giống nhau. Sau khi tiếp cận "con mồi", các đối tượng tạo lòng tin bằng cách kể tên tuổi, thông tin cá nhân cũng như lịch sinh hoạt của từng thành viên trong gia đình các em. Lấy lý do có người nhà ở nước ngoài gửi thuốc hoặc quà cho gia đình các em, các đối tượng tạo ra những tình huống giả, mượn xe đạp điện, xe máy điện của các em rồi tẩu thoát.

Em Nguyễn Đình Thông cho biết em bị 2 đối tượng gọi tên, nói cả tên bố mẹ và bà nội em ở quê. "Vì 2 người này biết tên bố mẹ và bà em, cách nói chuyện lại rất gần gũi nên em nghĩ là người thân quen của gia đình mà không mảy may nghi ngờ", em Thông nói. Sau khi tạo được lòng tin của em Thông, hai đối tượng bảo có người nhà bên Nhật Bản gửi thuốc về cho bà của em. "Bố mẹ cháu đi làm, cháu có thể qua nhà chú lấy thuốc cho bà được không?", em Thông kể lại lời đề nghị của đối tượng xưng tên Cường.

Vì không nghi ngờ nên em Thông đã đồng ý đi theo các đối tượng. Viện cớ phải đi đón người thân, đối tượng nữ bỏ đi cùng chiếc xe máy Honda SH. Đối tượng nam đề nghị đi nhờ xe máy điện của em Thông. Trên đường đi, đối tượng này liên tục giở chiêu gọi điện thoại, tạo tình huống phải đi đón người thân để hỏi mượn xe của em Thông rồi đi mất. "Khoảng 10 phút sau trấn tĩnh lại em mới biết mình bị lừa mất xe", em Thông buồn bã nói.

Tương tự, em Đặng Minh Anh trên đường đi học tới cầu Hải Tân cũng gặp một đối tượng nam xưng tên Cường, đối tượng nữ xưng tên Lan. Cả 2 đi xe máy SH Mode. Chúng không chỉ biết tên của Minh Anh mà còn biết tên bố mẹ em, thậm chí biết cả thông tin bố em đang ốm. "Chú có người nhà ở nước ngoài gửi thuốc về cho bố cháu. Cháu đi theo chú để lấy về cho bố", Minh Anh nhớ lại lời nói ngon ngọt của kẻ lừa đảo. Dẫn Minh Anh tới đường Hàm Nghi, đối tượng nữ nói phải đi đón người thân nên biến mất cùng chiếc xe máy. Đối tượng nam còn lại ngỏ lời đi nhờ Minh Anh trên chiếc xe máy điện của em rồi hất mạnh em ngã xuống đường, phóng xe tẩu thoát.

"Rất có thể các đối tượng đã tìm hiểu tên tuổi, gia cảnh và theo dõi các em trên đường đi học", cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết. Theo cô Hương, nhiều em học sinh và bố mẹ các em có thói quen công khai thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Đây rất có thể là kênh các đối tượng xấu khai thác để lừa đảo các em.

LÊ HƯƠNG