Nỗi lo nhà vệ sinh bệnh viện, trường học
Môi trường - Ngày đăng : 22:00, 28/10/2017
Dù thường xuyên dọn dẹp nhưng nhà vệ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh vẫn là nỗi lo ngại của bệnh nhân và người nhà
Thực tế hiện nay có không ít nhà vệ sinh, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện... lại mất vệ sinh, trở thành nỗi lo, điều ám ảnh đối với nhiều người khi sử dụng.
Nỗi ám ảnh
Trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, tiêu chí số 8 quy định người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ và có đầy đủ các phương tiện. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện của các bệnh viện. Đến bệnh viện để được chữa bệnh, chăm sóc, cải thiện sức khỏe, tinh thần, song đối với nhiều người, nhà vệ sinh ở một số bệnh viện trở thành nỗi lo ngại bởi nơi đây khá nhếch nhác, bẩn thỉu.
Người nhà của một bệnh nhân Bệnh viện Phụ sản tỉnh nhận xét: “Nhà vệ sinh trong bệnh viện quá bẩn nên tôi thường dùng nhà vệ sinh ở bên ngoài cho dù phải trả tiền dịch vụ". Theo chị Nguyễn Thị Thanh Dung, người phụ trách vấn đề vệ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh, hiện nay có những khoa có tới 40-50 bệnh nhân nhưng phải dùng chung một nhà vệ sinh. Nhiều khi muốn đi vệ sinh, bệnh nhân và người nhà phải xếp hàng. Dù nhân viên của bệnh viện đi thu gom rác thải 2-3 lần/ngày nhưng do bệnh nhân quá đông, trong khi vẫn còn những người không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vứt bông, băng vệ sinh, bỉm vương vãi trên sàn nhà. Bệnh viện Phụ sản tỉnh cho biết bệnh viện sẽ được xây mới trong thời gian tới. Thời gian xây dựng và bàn giao công trình dự kiến mất từ 3-5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc người nhà và người bệnh vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh xập xệ trong một thời gian dài nữa.
Thiếu nhà vệ sinh
Năm học 2017-2018, Trường Mầm non Văn Tố (Tứ Kỳ) có 22 nhóm lớp với 7 điểm trường nằm rải rác trên địa bàn xã. Các phòng học cấp 4 tận dụng từ nhà kho HTX được xây dựng từ năm 1960 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với nỗi lo thiếu phòng học, các điểm trường đều thiếu nhà vệ sinh, những nhà vệ sinh hiện có hầu hết đều tạm bợ, xập xệ.
Điểm trường ở thôn Mỹ Ân có khoảng 100 trẻ và giáo viên nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Thậm chí, nếu muốn đi vệ sinh, trẻ ở một số lớp phải đi xuyên qua lớp học khác. Để khắc phục tình trạng này, mỗi khi học sinh muốn đi vệ sinh, các giáo viên đành phải cho các em... ngồi bô. Bởi vậy, công việc của các giáo viên thêm phần vất vả. Nền gạch của nhà vệ sinh đã vỡ hỏng từng mảng, các thiết bị đều đã cũ, bể phốt đã quá tải nên ngấm cả ra bên ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Nhà trường đã xây thêm bể phốt trên diện tích mà hộ dân liền kề cho mượn tạm nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Cô Trần Thị Duy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Tố cho biết: "Đến tuổi mẫu giáo, các giáo viên đã có thể hướng dẫn cho học sinh tự đi vệ sinh. Nếu mỗi phòng học đều có công trình vệ sinh khép kín thì giáo viên đỡ vất vả. Trước khó khăn này, nhà trường cũng chỉ biết đưa ra những cách khắc phục tạm thời".
Theo các khuyến cáo về vệ sinh phòng bệnh của ngành y tế, nhà vệ sinh bẩn là nơi cư trú của nhiều tác nhân gây bệnh từ các loại vi khuẩn, virus. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát tán vào không khí, lây lan qua các vật dụng tay cầm, sau đó theo bàn tay con người vấy nhiễm vào thức ăn, đi vào đường tiêu hóa gây bệnh. Tình trạng nhà vệ sinh bẩn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó nguy cơ cao là bệnh nhân, người nhà, các y, bác sĩ, giáo viên, học sinh và những người sử dụng có thể bị nhiễm bệnh. Do đó, bên cạnh việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh thì những người sử dụng các công trình này ở nơi công cộng cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
HUYỀN TRANG