Agribank Thanh Miện: "Bà đỡ" cho các mô hình nông nghiệp
Công nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 01/11/2017
Cán bộ tín dụng Agribank Thanh Miện xem xét cho vay, mở rộng vùng sản xuất tập trung ở thôn Tòng Hóa
Vốn vay phát huy hiệu quả
Ông Đăng Xuân Quyện ở thôn Tòng Hóa là người tiên phong tham gia dự án vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã Đoàn Kết. Ban đầu khi chưa được tiếp cận nguồn vốn vay, ông không có tiền để xây dựng chuồng trại, mua máy móc. Do vậy, năng suất nuôi đạt thấp, thu nhập không cao. Năm 2014, được Agribank Thanh Miện cho vay 400 triệu đồng, ông có điều kiện mở rộng trang trại, mua sắm một số máy bơm, máy sục khí, máy hút bùn vệ sinh ao nuôi... Hiện nay, vùng nuôi thuỷ sản của gia đình ông đạt năng suất 7,5 tấn cá/mẫu/vụ. Với hơn 1 mẫu ao nuôi cá, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, ông dự định tiếp tục vay nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng để mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản.
Dư nợ cho vay của Agribank Thanh Miện trên địa bàn xã Đoàn Kết hiện đạt khoảng 65 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn vốn vay để phát triển nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa. Ông Phạm Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết đánh giá: "Nhờ người dân được vay vốn và sử dụng hiệu quả nên thu nhập bình quân của vùng này năm2016 đạt 37 triệu đồng/ha/năm, cao gấp rưỡi các mô hình sản xuất nông nghiệp khác. Hiện xã đang trình UBND tỉnh để tiếp tục mở rộng thêm 31,5 ha ở vùng nuôi thuỷ sản, nâng tổng diện tích lên gần 88 ha. Để các hộ phát triển chăn nuôi thì cần có sự hỗ trợ lớn từ Agribank Thanh Miện".
Agribank Thanh Miện còn hỗ trợ cho nhiều mô hình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Hộ ông Đinh Văn Úy ở thôn Tòng Hóa (xã Đoàn Kết) được vay vốn qua Agribank Thanh Miện theo chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh để phát triển kinh tế gia đình. Từ 1xe tải 1 tấn, nay ông đã mua thêm được 1 xe tải đầu kéo 20 tấn và 3xe tải từ 1-4,75 tấn. Ông Úy đang đề nghị vay thêm 5 tỷ đồng để tiếp tục phát triển dịch vụ vận tải.
Anh Cao Văn Lâm ở thôn Văn Xá (xã Ngô Quyền) từng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư máy móc để sản xuất. Được Agribank Thanh Miện cho vay gần 2 tỷ đồng và hỗ trợ 200 triệu đồng lãi suất, anh Lâm mua 1 máy gặt, 2 máy cấy, 1 máy cày cỡ trung, đầu tư sản xuất mạ khay cung cấp cho gia đình và nông dân quanh vùng. Hiện nay, anh đã tích tụ được 4 ha để gieo cấy lúa. Vụ tới, anh dự định vay tiếp khoảng 2 tỷ đồng của Agribank Thanh Miện để mua thêm 4 máy cấy và các thiết bị sản xuất mạ khay.
Tiếp tục đồng hành
Thời gian qua, Agribank Thanh Miện luôn kịp thời hỗ trợ các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Đến nay, chi nhánh đã cho các hộ vay hơn 50 tỷ đồng, hỗ trợ gần 39tỷ đồng tiền lãi suất cho các hộ mua gần 200 máy nông nghiệp để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Đó là các mô hình dịch vụ máy nông nghiệp ở các xã Thanh Tùng, Đoàn Tùng, Ngô Quyền; vùng nuôi thủy sản tập trung ở Đoàn Kết...
Agribank Thanh Miện hiện có 12 cán bộ tín dụng, 2 Phòng giao dịch Ngũ Hùng và Hồng Quang. Các cán bộ ngân hàng luôn bám sát tình hình thực tế tại các xã, thị trấn để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Anh Vũ Xuân Toản, Phó Trưởng Phòng tín dụng của Agribank Thanh Miện cho biết: "Chi nhánh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng từ thủ tục vay vốn, tư vấn hạn mức vay... Trong quá trình sử dụng vốn vay, chúng tôi luôn bám sát mô hình, tháo gỡ khó khăn giúp người dân phát triển sản xuất".
Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, Giám đốc Agribank Thanh Miện, thời gian qua, chi nhánh tập trung cho người dân vay phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đó là các dự án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015; dự án phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015, thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020... Chi nhánh còn cho vay thông qua các hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh. Sắp tới, chi nhánh tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ các mô hình nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương", ông Thiệu khẳng định.
THÀNH LONG