Kiên quyết xử lý lái xe sử dụng rượu, bia

Tin tức - Ngày đăng : 09:39, 07/11/2017

Từ đầu năm đến nay, các đội, trạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn và đạt kết quả tích cực.


Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt

Tuy nhiên, lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt về vấn đề này.

- Đề nghị đồng chí cho biết kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua?

- Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đội, trạm tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. Xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông nên các đơn vị thường xuyên duy trì tổ công tác để xử lý trên các tuyến đường trọng điểm, như các quốc lộ: 5, 17 B, 37, 38, 33 B và phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố xử lý vi phạm trên một số đường tỉnh. Trong hơn 10 tháng qua, các đơn vị đã kiểm tra khoảng 10.000 lái xe, phát hiện và xử phạt 208 trường hợp lái xe ô tô vi phạm, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng.

Đây là kết quả rất cao so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều lái xe ô tô bị xử phạt tới 17 triệu đồng. Mức xử phạt cao đồng nghĩa với tính răn đe đối với người điều khiển phương tiện cũng nâng cao. Theo thống kê kết quả công tác điều tra tai nạn giao thông trên toàn tỉnh thì các vụ có nguyên nhân do lái xe đã sử dụng rượu bia cũng giảm so với cùng kỳ.

 - Được biết, trong quá trình xử lý lỗi vi phạm này, lực lượng CSGT có thể gặp khó khăn như người vi phạm nhờ "can thiệp" để không bị xử lý. Cách khắc phục khó khăn này như thế nào thưa đồng chí?       

- Trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, bởi không ai muốn người thân của mình điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia. Nhiều người nhận thức rõ trong trạng thái tâm thần không còn tỉnh táo, người điều khiển phương tiện có thể gây tai nạn giao thông bất kỳ lúc nào.

Khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải khi xử lý lỗi vi phạm này chủ yếu đến từ phía người vi phạm. Hầu hết người bị xử lý đang trong trạng thái thiếu tỉnh táo, bị kích động của nồng độ cồn nên thiếu kiềm chế. Số tiền bị xử phạt lớn nên nhiều người không hợp tác, tìm mọi cách chống đối, thậm chí lăng mạ CSGT. Đặc biệt, tình trạng người vi phạm thông qua các mối quan hệ để nhờ vả bỏ qua vi phạm khiến lực lượng chức năng gặp trở ngại. Để từng bước giải quyết khó khăn này, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xử lý vi phạm nói chung và xử lý vi phạm nồng độ cồn nói riêng không sử dụng điện thoại cá nhân, không nghe điện thoại do người vi phạm chuyển để tránh trường hợp có người gọi đến can thiệp nhờ vả bỏ qua vi phạm.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TIẾN HUY (thực hiện)