Hơn 2 thập kỷ gom ruộng làm giàu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:00, 20/11/2017
Tính đến nay, bà Phức (đứng trên bờ) đã có 21 năm chuyên đi gom ruộng làm giàu
Từ trên cầu Quý Cao nhìn xuống bờ sông Luộc phía xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) sẽ thấy những đầm khai thác rươi, cáy nối tiếp nhau rộng hàng chục mẫu, xen lẫn là màu xanh của những vạt chuối, đu đủ, nhãn, vải. Người dân địa phương kháo nhau những diện tích này cho lãi bạc tỷ mỗi năm và tất cả đều là của gia đình bà Đàm Thị Phức.
Đi buôn từ năm lớp 4
Ở phố Quý Cao, xã Nguyên Giáp ai cũng biết bà Phức, thế nên không khó để chúng tôi tìm tới gia đình bà, nhưng bà không có nhà mà đang bận dưới vùng khai thác rươi.
Tại bãi ngoài đê sông Luộc, tuy trời mưa nhưng bà Phức không nghỉ mà vẫn thuê người xây lại bờ vùng để sắp tới lấy nước khai thác rươi không làm ảnh hưởng tới những gia đình sống gần đó. Đã 64 tuổi, dáng người thấp đậm nhưng bà rất nhanh nhẹn, hoạt bát, liên tục xuống thúc giục và hỗ trợ đội thợ xây làm cho kịp tiến độ. Bà cởi mở, dễ gần, cả lời nói lẫn hành động đều mộc mạc, chân tình. Quan sát vùng khai thác rươi rộng lớn chạy dài bên bờ sông Luộc của gia đình bà, tôi hỏi:
- Nhà bà hiện có bao nhiêu diện tích cho khai thác rươi, cáy?
- Hơn 40 mẫu chú ạ! Trong đó 30 mẫu đã cho thu hoạch rươi, cáy nhiều năm, 10 mẫu mới cải tạo, chuẩn bị được khai thác. Tôi còn 2 mẫu ruộng trên đồng ở thôn Quý Cao trồng cam xen canh chuối, đu đủ và nhãn.
- Thảo nào bà con ở đây gọi bà là địa chủ, là bà Phức tỷ phú.
- Gọi là có của ăn của để thôi. Để có thành quả như ngày nay, cả đời tôi đã phải lao lực, cố gắng lắm.
Bà Phức sinh ra trong một gia đình nghèo ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). Bà mồ côi mẹ khi 1 tuổi và mất cha 5 năm sau đó. Thế nên từ bé bà cùng 2 người anh trai của mình đã phải rất vất vả, làm nhiều nghề để kiếm sống và lo chuyện học hành. Từ năm học lớp 4, bà bắt đầu đi buôn hoa quả, trứng gà ở chợ địa phương. Người trong họ bảo nhà không có điều kiện thì nghỉ học mà tập trung kiếm tiền lo cái ăn, nhưng vì ham học nên bà Phức bỏ ngoài tai mọi lời nói, vừa quyết tâm học, vừa đi buôn. Lên lớp 8, thấy quê mình trồng nhiều rau, bà nảy sinh ý định sẽ buôn hạt rau giống. Vậy là hè năm đó, bà bắt tàu hỏa lên tận chợ Mơ, đi bộ cả đêm sang Nhổn (Hà Nội) để lấy hạt rau giống về giao cho mọi người kiếm lời. Dành dụm được tiền, bà lại đầu tư nuôi lợn, nuôi gà để sinh lãi. Cứ thế, cuộc sống của mấy anh em đỡ vất vả, có tiền sửa sang lại nhà cửa và lo chuyện học hành. Học hết cấp 3, bà thi vào một trường cao đẳng sư phạm nhưng không đỗ.
Năm 1977, bà nên duyên vợ chồng với ông Lục Khì Sáng và chuyển về sinh sống tại xã Nguyên Giáp. Là người có "máu kinh doanh", bà bàn với chồng đi buôn bát đĩa Sài Gòn. Bà lên Hà Nội nhập hàng rồi về đi bán tại khắp các chợ ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên. Chồng bà ở nhà mở cửa hàng vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Vợ chồng bà còn tranh thủ thầu hơn 1,5 mẫu ruộng để gieo cây giống như su hào, cải bắp, cà chua… bán cho người dân trong vùng.
Nhờ cần cù, chịu khó lại gặp thời nên việc buôn bán của gia đình bà Phức ngày càng phát đạt, cuộc sống sung túc, giàu có.
Giấu chồng mua ruộng làm giàu
Một vùng khai thác rươi ven sông Luộc của gia đình bà Phức
Nhiều người dân địa phương nhìn vào cuộc sống của gia đình bà Phức mà thèm. Ngay bản thân chồng bà cũng toại nguyện với những gì đã có. Vậy nhưng bà chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình mà vẫn luôn khao khát làm giàu.
Năm 1996, bà có ý tưởng sẽ đi mua, chuyển đổi ruộng hoang để gom lại lập trang trại. Bà đem vấn đề này nói với chồng liền bị gạt phăng, các con cũng đồng tình với bố. Nhưng bà không từ bỏ ý định. Năm đầu, bà giấu chồng ôm tiền đi mua lại 6 sào đất ngoài bãi sông Luộc. Cứ thế, mỗi năm bà lại gom được một ít. Hễ nghe có ai muốn bán ruộng, chuyển đổi ngoài bãi sông, dù ruộng đó có xấu, chất đất không tốt bà vẫn hỏi mua. Thấy diện tích ngoài bãi sông của một số hộ ở thôn An Quý liên tục bị “cát tặc” làm sạt lở, không thể canh tác, bà thầu lại, cho làm bờ kè cứng và chuyển đổi thành vùng khai thác rươi, cáy... Đến nay, sau 21 năm, bà đã mua, chuyển đổi được 20 mẫu ruộng ngoài bãi sông Luộc, chạy dài từ phố Quý Cao về thôn An Quý. Đồng thời, đấu thầu được khoảng 20 mẫu đất công điền của xã và đất 03 của bà con. “Chồng tôi bận bán vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng ở nhà. Còn việc nhập hàng bao nhiêu, lãi lời thế nào ông ấy chẳng mấy quan tâm. Thế nên tôi mới có thể ngầm mang tiền đi mua và thuê ruộng”, bà Phức nói.
Những vùng khai thác rươi, cáy, trồng cây ăn quả rộng lớn, được quy hoạch gọn gàng của gia đình bà Phức hiện nay không phải ngẫu nhiên mà có. Trước đây những vùng đất này hầu hết là ruộng hoang, canh tác không hiệu quả. Có những chỗ chỉ là vùng trũng, cỏ, lau mọc cao quá đầu người. Khu vực bãi ngoài đê sông Luộc ở gầm cầu Quý Cao chưa có đường đi như bây giờ, bà phải thuê người dùng thuyền chở vật liệu ra đắp từng đoạn đường rộng 3 - 6 m, lại trải đá mạt để đi lại thuận tiện. Có đường đi, bà tiếp tục thuê máy xúc đào vùng khai thác rươi, rồi cho xây đắp 15 chiếc cống lấy nước vào ruộng. Việc xây cống không chỉ tốn kém mà còn rất vất vả vì phụ thuộc vào con nước. Ban ngày thủy triều lên không làm được, ban đêm nước rút bà cùng công nhân lái máy xúc thắp điện để thi công. 5 giờ sáng, bà đã có mặt ở bờ vùng, nhưng có khi đến đêm cũng chưa về nhà. Đến nay, bà Phức đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng mua, chuyển đổi, đấu thầu đất và cải tạo bờ vùng.
Quả ngọt
Đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng của gia đình bà Phức hoạt động 40 năm nay, ngày càng có uy tín
Mấy năm nay, những vùng khai thác rươi, cáy của bà Phức cho thu hoạch đều đặn. Bà khoe vụ chiêm xuân vừa rồi cấy 24 mẫu lúa nếp Mỹ với mục đích chính làm cho đất tơi xốp nhưng cũng bán được 240 triệu đồng. Cáy gần như khai thác quanh năm và mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, con rươi mới mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập lớn nhất. Vào chính vụ, bà bán cả tấn rươi với giá 450.000 - 500.000 đồng/kg. Những vạt chuối, đu đủ trồng trên bờ ở khắp khu vực ngoài bãi sông gần như ngày nào cũng có người đến thu mua. Có ngày cao điểm bà bán được gần 600 buồng chuối, hàng tạ đu đủ. Hai mẫu ruộng trên đồng đấu thầu của người dân để trồng cam xen canh cũng đã cho thu hoạch 2 năm nay. Cơ ngơi của gia đình bà tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Tuy bà không nói ra nhưng chỉ tính sơ qua cũng biết được thu nhập từ những vùng khai thác rươi, cáy và trồng cây ăn quả này mỗi năm chắc chắn phải tiền tỷ.
Đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng của gia đình bà Phức hoạt động 40 năm nay, không ngừng mở rộng quy mô, ngày càng có uy tín với khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. 4 người con (1 trai, 3 gái) của vợ chồng bà đều được học hành đầy đủ và đã trưởng thành. Có điều kiện, ông bà xây 4 nhà cao tầng liền kề cho các con ở phố Quý Cao, lại mua được 2ki ốt ở chợ Quý Cao cho người khác thuê… Với người dân địa phương, bà sống đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cho vay vốn làm ăn.
Ông Bùi Viết Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp nhận xét: “Thành quả mà gia đình bà Phức có được như hôm nay là kết hợp của quyết tâm, sự sáng tạo và cần mẫn. Bà ấy là một tấm gương nông dân tiêu biểu xứng đáng để mọi người học tập”.
Chia tay chúng tôi, bà Phức nói: “Chừng nào còn sức khỏe, còn ruộng tôi vẫn sẽ làm. Cứ đầu tư, chịu khó suy nghĩ cách làm ăn kiểu gì cũng có thành quả chú ạ!”.
TIẾN MẠNH