Thiếu cơ chế, Sài Gòn từ "sầm uất" trở nên "trầm uất"
Tin tức - Ngày đăng : 14:58, 20/11/2017
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Quochoi.vn
Tham gia thảo luận nghị quyết "Về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM", ông Dương Trung Quốc nói: "Chúng ta dùng khái niệm 'chín muồi' để nói về đề án đặc thù cho TP.HCM nhưng thực ra là đã 'chín mõm' rồi. Không thể kéo dài được nữa, từ một thành phố 'sầm uất' đã trở nên 'trầm uất'".
Sài Gòn đã bứt phá từ những ngày đen tối
Nhìn câu chuyện của Sài Gòn - TP.HCM bằng con mắt của nhà sử học, ông Dương Trung Quốc chỉ ra: "Từ nền văn minh Óc Eo hàng nghìn năm xưa, Nam Bộ đã là nơi phát triển mạnh mẽ.
Từ hơn ba thế kỷ nay, khi Nam Bộ được minh định vào vùng đất Đại Việt, thì đường lối sáng suốt của các chúa Nguyễn đã hướng ra biển, nhìn về hướng Nam, sớm biến Nam Bộ không những là vựa lúa mà trở thành một trung tâm thu hút thương mại biển.
Lúc đó Nam Bộ của chúng ta đã là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất khu vực. Triều Nguyễn vào thời kỳ đầu đã phát huy được vai trò đó của Nam Bộ nhưng những sai lầm sau này đã làm mất đi nguồn lực của đất nước và chúng ta mất nước".
Nhắc đến giai đoạn đen tối tiếp theo, nhà sử học nói: "Thực dân Pháp xâm lược nước ta nhưng lợi ích thuộc địa và tầm nhìn của chủ nghĩa tư bản đã nhìn ra tiềm năng của Nam Kỳ là một trong những mảnh đất rất màu mỡ trù phú.
Người Pháp chiếm Sài Gòn thì việc đầu tiên là phá thành Sài Gòn, nhưng lại phát triển một Sài Gòn rất mạnh mẽ về kinh tế với thủy xưởng".
Ông Dương Trung Quốc nói năm 1861 đã có bản quy hoạch Sài Gòn đầu tiên với tầm nhìn 500 ngàn dân và trên thực tế sau này có điều chỉnh nhưng vẫn duy trì đến năm 1939 trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra.
Từ năm 1860, cảng Sài Gòn đã mở thành cảng tự do, nhanh chóng thành trung tâm của khu vực. Đến năm 1930, cảng Sài Gòn đã xếp thứ 8 trong hệ thống cảng thuộc địa thế giới của Pháp. Có thể thấy người Pháp đã nhìn ra tiềm năng rất lớn của Sài Gòn.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá: "Chúng ta nhắc đến 'Hòn ngọc Viễn Đông' với niềm tự hào và danh xưng ấy đã được soi sáng, nảy nở ngay từ trong những ngày đen tối của Sài Gòn, của Nam Bộ".
Cơ chế cho TP.HCM - thành công cho cả nước
Đề cập đến giai đoạn tiếp theo, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá dù trải qua 30 năm liên tục dưới chính quyền miền Nam Việt Nam, Sài Gòn vẫn là trung tâm kinh tế phát triển.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Điều này kế tục từ năm 1864, người Pháp đã nói Sài Gòn không những có vị trí chiến lược chính trị quân sự mà đó là kho hàng lớn nhất của Viễn Đông, thời điểm đó Singapre chỉ là một xóm chài. Do đó tôi muốn nhấn mạnh tầm nhìn là điều rất quan trọng".
Nhắc về giai đoạn khi Sài Gòn - TP.HCM đã thống nhất với cả nước, nhà sử học phân tích: "Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đứng trước nhiều khó khăn và cũng có những nhận thức không đầy đủ, Sài Gòn bị kìm hãm. Chúng ta nhắc đến thời kỳ này là Sài Gòn phá rào, Sài Gòn bứt phá trong cơ chế hết sức hạn chế.
Công cuộc Đổi mới đã mở cánh cửa cho Sài Gòn phát triển nhưng chúng ta thấy đến thời điểm này vẫn nằm trong một bằng chung, nửa vời bởi cơ chế không khác so với địa phương khác, rõ ràng chúng ta nhắc nhiều đến tầm nhìn".
Nhắc lại nguyên lý cổ điển "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng", ông Quốc cho rằng "cào bằng" chính là vấn đề.
"Với nghị quyết này, TP.HCM cũng không chỉ mang lại lợi ích vật chất cho đất nước, mà điều quan trọng hơn chính là cơ chế. Tôi rất tin là không cần đến 5 năm mà nếu chúng ta làm tốt thì cơ chế sẽ phát triển ngay trong thời gian tới. Sự thành công của TP.HCM sẽ mang lại sự bứt phá cho cả Hà Nội và nhiều địa phương khác", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Cuối cùng, ông Dương Trung Quốc đánh giá khi thí điểm cơ chế này, TP.HCM sẽ đứng trước nhiều thách thức, bên cạnh sự ủng hộ tinh thần thì cần thiết phải giám sát chặt chẽ để thực hiện nghị quyết thành công.
Theo Tuổi trẻ