Vụ đông ở Kinh Môn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:16, 21/11/2017
Nguồn thu ổn định từ vụ đông đã giúp người dân xã Long Xuyên có tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương
Nguồn thu từ cây vụ đông không chỉ giúp người dân Kinh Môn có cuộc sống ấm no mà còn là nguồn lực quan trọng để huyện về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thu nhập cao
Sau khi thu hoạch vụ mùa, nông dân Kinh Môn tận dụng từng diện tích để trồng cây vụ đông. Năm nay, đầu vụ mưa nhiều gây bất lợi cho các cây trồng, nhất là hành, tỏi nhưng bà con vẫn tìm cách khắc phục khó khăn, không để đất bỏ không. Vụ này, xã Hiệp Hòa trồng 399ha hành, tỏi, chiếm 98% diện tích canh tác của địa phương. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Vì vụ đông mang lại nguồn thu lớn nên nông dân trong xã tích cực khai thác quỹ đất, đầu tư công sức, tiền bạc, lựa chọn giống cây phù hợp. Qua nhiều năm gieo trồng, nông dân Hiệp Hòa đã chọn hành, tỏi làm cây chủ lực. Vụ đông năm 2016-2017, xã có hơn chục hộ đạt thu nhập 200 triệu đồng/hộ. Cao nhất là hộ anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Bích Sơn đạt gần 240 triệu đồng".
Nhiều năm qua, mỗi năm nông dân Kinh Môn trồng trên 4.000 ha cây vụ đông, chiếm khoảng 60% diện tích canh tác. Đây là một trong những địa phương luôn duy trì ổn định và có diện tích vụ đông cao của tỉnh. Trong đó, hành, tỏi chiếm diện tích lớn nhất với hơn 3.600ha. Mỗi năm, vụ đông mang lại nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng cho nông dân Kinh Môn, chiếm gần 50% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định: "Ở vụ đông, khâu tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, chưa năm nào người trồng bị lỗ nên rất phấn khởi. Kinh Môn luôn coi vụ đông là vụ chủ chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nên có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân".
Để khuyến khích nông dân duy trì và mở rộng hơn nữa diện tích cây vụ đông, năm nay huyện trợ giá 10 triệu đồng/ha đối với những nơi quy vùng trồng 1 ha tỏi trở lên. Tiếp tục trợ giá phân bón Nep26 cho một số diện tích hành, tỏi trồng ngoài bãi trũng hay bị ngập úng với định mức 1,4 triệu đồng/ha. Huyện xây dựng 3 mô hình trồng hành, tỏi, mủa sạch theo hướng hữu cơ, quy mô 1.000m2/mô hình. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 150.000 đồng/m2 nhà màng và 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Kinh Môn cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh rau màu rộng 500ha ở 9 xã.
Nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của Kinh Môn đã thay đổi đáng kể. Khắp các xóm, làng, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát. Nhiều nơi người dân đã mua sắm được các phương tiện đắt tiền phục vụ cuộc sống. Đường giao thông từ trong làng ra đến ngoài đồng đều đổ bê-tông, thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Có thể nói, đối với nông dân Kinh Môn, để có được những thứ này, một phần rất lớn nhờ vụ đông mang lại.
Vụ đông là vụ sản xuất chính mang lại thu nhập cao, ổn định cho bà con nông dân huyện Kinh Môn
Trước đây, đường ra đồng thôn Trung Hòa (xã Thăng Long) rất nhỏ hẹp. Mỗi lần nông dân gặt lúa hay thu hoạch rau màu, phương tiện vận chuyển duy nhất chỉ là đôi quang gánh. Từ khi xã xây dựng NTM, được tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn đã hiến đất, đóng góp tiền mở rộng đường trục chính ra đồng. Bà Đặng Thị Xê ở thôn Trung Hòa cho biết: "Nhà tôi có 2 vợ chồng nhưng cũng trồng 4 sào hành. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm lãi được 20-25 triệu đồng. Năm vừa rồi, thôn tuyên truyền, vận động bà con đóng 650.000 đồng/sào làm đường trục chính ra đồng, gia đình tôi tham gia ngay".
Không chỉ đường ra đồng, gia đình ông Nguyễn Tất Chấn ở thôn Xạ Sơn (xã Quang Trung) còn đóng góp làm đường thôn, xóm. "Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi trên 50 triệu đồng từ trồng cây hành, tỏi. Nguồn thu này giúp chúng tôi có tiền để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương và xây nhà ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Tính cả đường trong làng và ngoài đồng, gia đình tôi đã đóng 6 triệu đồng", ông Chấn nói.
Theo thống kê, 6 năm qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện Kinh Môn đạt hơn 2.832 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 239 tỷ đồng gồm 176 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là 37.659ngày công lao động và hiến gần 69 ha đất mở rộng đường giao thông... Ông Hạ cho biết thêm: "Nếu không có sự đóng góp của người dân thì chắc chắn các xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện một số tiêu chí của NTM như đường giao thông, thủy lợi... Vì thế, huyện luôn khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vụ đông, đưa các cây có giá trị, thị trường tiêu thụ rộng vào gieo trồng. Khi đó người dân không chỉ làm giàu cho mình mà sẽ có điều kiện đóng góp, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM".
THANH HÀ