Phòng chống dịch sốt xuất huyết: Yếu tố quan trọng hàng đầu là nhận thức của người dân
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:13, 23/11/2017
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn người dân diệt muỗi, bọ gậy
Kể từ khi ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên xuất hiện tại Hải Dương vào cuối tháng 7, đến nay tình hình bệnh SXH mới tạm lắng, chỉ còn một vài ca mắc lẻ tẻ, trên địa bàn tỉnh không còn ổ dịch. Đã lâu lắm dịch SXH mới lại diễn biến phức tạp, dai dẳng như năm nay. Nhưng nhờ sự chủ động, tích cực, Hải Dương đã khống chế thành công dịch bệnh.
Tính đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh có hơn 470 người mắc SXH, không có trường hợp tử vong do SXH. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có bệnh nhân mắc SXH. Toàn tỉnh xuất hiện 21 ổ dịch, tập trung nhiều nhất ở TP Hải Dương với 7 ổ dịch. Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ năm nay tình hình SXH có những diễn biến phức tạp là do muỗi truyền SXH đã có biến thể. Năm nay nhuận 2 tháng 6 âm lịch, số ngày nắng nóng tăng thêm cộng với lượng mưa nhiều, những ngày nắng, mưa đan xen tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản, bọ gậy phát triển nhanh thành muỗi trưởng thành.
Hải Dương gần với Hà Nội, nơi dịch SXH bùng phát mạnh. Nhiều người ở tỉnh ta sinh sống và làm việc tại Hà Nội, thường xuyên đi lại giữa hai nơi. Tháng 8 và tháng 9 lại trùng với thời điểm các trường đại học, cao đẳng bắt đầu vào học. Có những học sinh, sinh viên mắc SXH quay trở về Hải Dương điều trị. Đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh lây lan rộng. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy có khoảng 70% số bệnh nhân đi từ vùng dịch SXH về.
Ngay từ khi ổ dịch SXH đầu tiên xuất hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống SXH, coi đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành y tế mà cần sự vào cuộc của nhiều hội, đoàn thể, các địa phương. Ngành y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người các huyện, xã nơi có ổ dịch thực hiện triệt để các biện pháp khoanh vùng xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch. Trước mỗi đợt phun hóa chất diệt muỗi, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân tổng vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước... nhưng vẫn có những người không thực hiện. Thậm chí có một số hộ dân không đồng ý với việc khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi.
Sự nguy hiểm của bệnh SXH thường xuyên được tuyên truyền nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm. Thực trạng chung ở các ổ dịch cho thấy khi có các dấu hiệu của bệnh, nhiều người vẫn chủ quan, tự ý điều trị tại nhà vì coi đó là những bệnh ốm, sốt thông thường. Chỉ đến khi bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm, họ mới đến cơ sở y tế. Điều này không chỉ khiến quá trình điều trị của người bệnh kéo dài, dễ gặp biến chứng mà còn là nguyên nhân làm mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.
Một số Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người chưa chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, chưa quan tâm kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch phòng chống dịch trong địa bàn quản lý, đặc biệt là chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Một số Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của xã, phường, thị trấn còn coi việc phòng chống dịch là nhiệm vụ của ngành y tế...
Anh Cao Xuân An, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) đánh giá: SXH là bệnh do muỗi truyền, việc diệt muỗi và bọ gậy chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi mỗi người dân có ý thức tự giác. Dù có triển khai các biện pháp phòng chống như thế nào nhưng nếu không có sự phối hợp của người dân thì cũng không mang lại hiệu quả. Các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cần chủ động hơn, không nên coi nhiệm vụ phòng chống dịch là của riêng ngành y tế. "Từ công tác phòng chống dịch SXH, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm trong việc phòng chống những dịch bệnh khác. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu", anh An nói.
Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh SXH đã không còn diễn biến phức tạp như trước nhưng vẫn còn những ca bệnh lẻ tẻ. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của các địa phương và người dân không được chủ quan, lơ là.
HUYỀN TRANG