Siết chặt việc sát hạch lái xe: Biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông

Tin tức - Ngày đăng : 12:10, 24/11/2017

Đào tạo nghiêm túc, sát hạch chặt chẽ sẽ giúp người tham gia giao thông có trách nhiệm, kỹ năng hơn, từ đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.


Mô tô là phương tiện liên quan hầu hết đến các vụ va chạm và tai nạn giao thông

Số lượng mô tô gia tăng nhanh chóng khiến tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) diễn biến phức tạp. Siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT).

"Thủ phạm" chính gây tai nạn

Theo phân tích của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC 67, Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, trong 17tình huống phương tiện va chạm dẫn đến TNGT thì mô tô "có mặt" trong 10 tình huống (chiếm 59%). Mô tô va chạm với các loại phương tiện khác như ô tô, mô tô, xe máy điện, người đi bộ, xe đạp... Ngoài ra, còn xảy ra 16 vụ người đi mô tô tự ngã, làm 17 người chết và 3người bị thương.

Khoảng chục năm trở lại đây, số lượng mô tô tăng lên nhanh chóng. Số liệu mới nhất của PC67 cho thấy trong một năm (từ ngày 16.11.2016 - 16.11.2017), toàn tỉnh có 36.899 xe mô tô được đăng ký mới. Toàn tỉnh hiện có 1.030.365 xe mô tô có hồ sơ quản lý. Nếu tính cả xe máy (phương tiện có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối, tốc độ tối đa không lớn hơn 50km/giờ) thì con số trên còn cao hơn. Đó là chưa kể đến lượng mô tô của người dân từ các tỉnh, thành phố khác mang đến sử dụng trong quá trình lao động, học tập tại Hải Dương, hoặc xe không có giấy tờ hợp pháp đang lưu hành trái phép. Gần như mỗi hộ trong tỉnh có ít nhất một mô tô hoặc xe máy, nhiều  gia đình có vài chiếc.

Xe mô tô luôn liên quan đến các vụ TNGT từ ít nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng. Từ ngày 16.11.2016 - 16.11.2017, toàn tỉnh xảy ra 195 vụ TNGT đường bộ, làm 147 người chết, 114 người bị thương. Trong đó, 107 vụ TNGT liên quan đến mô tô (chiếm gần 55% tổng số vụ), làm 109 người chết (chiếm hơn 74% tổng số người chết), 42 người bị thương (chiếm gần 37%). Tại huyện Bình Giang, chỉ tính từ ngày 16.11.2016 - 15.8.2017 xảy ra 8 vụ TNGT, làm 12 người chết và 4 người bị thương, 100% số vụ liên quan đến mô tô.

Nâng cao chất lượng sát hạch

Toàn tỉnh hiện có 7 đơn vị đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô, gồm các trung tâm: Dạy nghề giao thông vận tải (GTVT) Hải Dương, Dịch vụ việc làm Hải Dương, Dạy nghề Việt Đức, Dạy nghề Kim Thành, Dạy nghề và Sát hạch lái xe Lập Phương Thành; các trường: Cao đẳng Nghề Licogi, Trung cấp Cơ giới đường bộ. Tại các đơn vị trên, từ khi đào tạo đến lúc sát hạch đều có sự giám sát chặt chẽ của Sở GTVT.


Phần thi thực hành được tổ chức chặt chẽ giúp người dân nắm vững kỹ năng điều khiển xe mô tô

Ông Nguyễn Tất A. ở Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã 2 lần thi trượt thực hành lái xe tại Trung tâm Dạy nghề GTVT Hải Dương (Sở GTVT) nên sắp tới phải thi lại cả lý thuyết. "Ban đầu tôi nghĩ thi chắc cũng dễ dàng, nhưng giờ mới biết khó khăn. Tôi cho rằng thi chặt chẽ như thế sẽ giúp người dân nắm vững các quy định của pháp luật về giao thông và cách lái xe an toàn trên đường", ông A. nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề GTVT Hải Dương, ông A. chỉ là một trong hàng trăm học viên thi không đạt tại đây hơn 10 tháng qua. Trong số 3.622học viên được đào tạo thì khi sát hạch chỉ có 75% số người lấy được GPLX, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện một số trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX, do làm chặt chẽ nên số học viên đến các đơn vị trong tỉnh đăng ký học lái xe giảm, một số người sang các tỉnh, thành phố khác học và sát hạch. Nhưng không vì thế các đơn vị đào tạo, sát hạch chiếu lệ, chạy theo số lượng để tăng doanh thu. Các thủ tục hành chính hiện được giảm tối đa cho người học. Người dân không phải mang theo hồ sơ, ảnh chân dung... như trước đây mà chỉ cần đến trung tâm đăng ký, cán bộ sẽ nhập dữ liệu, chụp ảnh lưu vào máy tính. Tuy nhiên, cách thi chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Phần lý thuyết phải thi trên máy tính thay cho làm bài trên giấy như trước kia. Khi kết thúc bài thi, máy tính sẽ in và báo ngay số điểm, tránh các trường hợp can thiệp vào kết quả thi. Phần thi thực hành, học viên sẽ phải sử dụng xe mô tô sát hạch chứ không được lái xe cá nhân như trước. Dưới sa hình, hệ thống cảm biến được bố trí để giám sát giống như thi lấy GPLX ô tô để bảo đảm kết quả chính xác.

"Đào tạo nghiêm túc, sát hạch chặt chẽ sẽ giúp người tham gia giao thông có trách nhiệm, kỹ năng hơn, từ đó góp phần kiềm chế TNGT", ông Phạm Quang Vui, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề GTVT Hải Dương nói.

TIẾN HUY