Bỏ ngỏ quản lý chất lượng đất nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:18, 28/11/2017
Hệ số sử dụng đất cao là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng đất nông nghiệp
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới suy kiệt tài nguyên đất, cản trở ngành nông nghiệp phát triển ổn định, lâu dài.
Canh tác thiếu bền vững
Hơn 10 năm trước, do thu nhập từ cây lúa bấp bênh nên gia đình chị Đồng Thị Thoan ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) đã chuyển sang trồng rau màu. Chị Thoan cho biết: “Thời điểm ấy, rau màu đang được giá nên gia đình tôi thâm canh, tăng vụ liên tục. Cấy lúa thì chỉ được 2 vụ còn trồng rau màu có thể lên tới 4-5 vụ. Hết lứa nọ gối lứa kia, lợi nhuận gấp nhiều lần cấy lúa nên chúng tôi rất phấn khởi. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều vụ cây sinh trưởng kém, lắm sâu bệnh. Bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng không cải thiện được tình hình. Vụ hè thu vừa rồi, mặc dù chăm sóc cẩn thận, gia đình tôi vẫn mất trắng 2 sào dưa lê mà không biết tại sao”.
Dù có truyền thống thâm canh rau màu nhưng nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vẫn bị mất mát lớn trong vụ hè thu vừa qua. Dưa lê đến thời kỳ ra quả non thì héo rũ, vàng lá rồi chết dây, dưa hấu thì quả bé, năng suất giảm. Ông Nguyễn Ngọc Khắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: "Hơn 80 ha dưa lê của xã không cho thu hoạch, người dân phải nhổ bỏ. Trước tình trạng này, chúng tôi đã liên hệ với các kỹ sư chuyên ngành để xác định nguyên nhân. Ngoài yếu tố thời tiết bất lợi thì đất đai là nguyên nhân khiến dưa lê chết hàng loạt. Người dân luân canh tăng vụ mà không quan tâm tới chất lượng đất. Đất được khai thác, sử dụng trong thời gian dài, không được cải tạo nên mầm bệnh tích tụ. Vì vậy, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân khi dưa chết không được trồng lại ngay mà phải phơi đất, có thời gian cho đất đào thải độc tố".
Thực tế hiện nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo kiểu ăn xổi đã và đang tác động tiêu cực tới đất đai và chính nông dân đang phải trả giá vì thói quen canh tác này. Việc quản lý chất lượng đất vẫn chưa được quan tâm là nguyên nhân chính khiến cho nông dân sử dụng đất nông nghiệp thiếu khoa học.
Bỏ ngỏ quản lý
Hải Dương được thiên nhiên ưu ái hơn 147.000 ha đất phù sa màu mỡ. Đây là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện với đa dạng các loại cây trồng. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể về thực trạng chất lượng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp qua các năm. Theo TS. Nguyễn Thị Hương (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), muốn sản xuất nông nghiệp bền vững thì yếu tố đất đai phải được đặt lên hàng đầu. Việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu làm chất lượng đất suy giảm nhưng nếu biết cách cải tạo, đất có thể phục hồi. Để đất không bạc màu, sau mỗi vụ, nông dân phải phơi đất từ 7-15 ngày và thực hiện luân canh. Đất tốt phải bảo đảm tỷ lệ chất rắn, nước và không khí cân đối để có thể giữ lại chất dinh dưỡng, đào thải độc tố. Nhưng vì lợi nhuận, nông dân sẵn sàng bỏ qua khâu này nên hậu quả về sau khó tránh khỏi.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đất nông nghiệp ngày càng bị ô nhiễm
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 250 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 100.000 tấn phân bón hóa học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vượt từ 25 - 30% nhu cầu. Lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tồn dư này là tác nhân quan trọng làm suy giảm chất lượng đất. Ngoài ra, nước thải, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi chưa được xử lý triệt để cũng ảnh hưởng đến môi trường đất nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sử dụng đất đai hiện nay vẫn kém hiệu quả và thiếu hợp lý. Sở đang triển khai xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa nhằm xác định đặc tính đất đai của từng vùng để lựa chọn cây trồng phù hợp. Nhưng sở không có cơ sở dữ liệu để theo dõi chất lượng đất qua từng thời kỳ nên không đánh giá được chính xác mức độ suy giảm cũng như khả năng phục hồi của đất. Khi sản xuất bất lợi, sở chỉ đưa ra khuyến cáo chung về cải tạo đất.
Quản lý đất đai hiện mới chỉ dừng ở việc thống kê biến động về diện tích, giao, cho thuê đất và những hoạt động trên đất... Ô nhiễm đất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có một đánh giá tổng thể về chất lượng đất, mức độ ô nhiễm, để đưa ra những giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, cải tạo đất một cách hiệu quả.
PV