Rộng cửa xuất khẩu nông sản vụ đông
Kinh tế - Ngày đăng : 04:40, 04/12/2017
Công nhân Công ty TNHH Hoa Mai sơ chế nông sản xuất khẩu
Nhu cầu lớn
Với 15 năm kinh nghiệm xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) khẳng định: "Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là những sản phẩm đặc trưng của vụ đông miền Bắc như su hào, cà rốt, khoai tây, bí xanh... không còn bó hẹp như trước. Nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng này tại các nước Đông Á, Đông Nam Á ngày càng tăng. Chỉ tính riêng Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu trọng điểm của công ty, lượng hàng năm sau đều cao hơn năm trước 20%". Vụ đông năm 2016, công ty này xuất được 800 tấn bí xanh, khoai tây, ớt, củ cải... cấp đông sang Hàn Quốc. Dự kiến năm nay, công ty sẽ xuất được hơn 1.200 tấn rau vụ đông các loại sang thị trường này.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Công ty TNHH Hoa Mai đã liên kết với nông dân các huyện Nam Sách, Thanh Miện xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ có diện tích khoảng 30ha.
Mặc dù chưa vào thời điểm xuất khẩu chính nhưng Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) đã nhận được đơn hàng từ các nước lên tới 26.000 tấn, gấp 2 lần so với năm trước. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty cho biết: Năm nay, ngoài thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan..., công ty còn tiếp cận được những thị trường nhiều tiềm năng là Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore. Do chất lượng, mẫu mã nông sản trong tỉnh ngày càng nâng cao nên khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc cũng tăng cao. Hiện nhà máy của công ty không đáp ứng được nhu cầu sơ chế nông sản xuất khẩu. Vì vậy, công ty đang có kế hoạch mở rộng nhà máy để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Hiện mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 22.000 ha cây vụ đông với sản lượng đạt 600.000 tấn. Trước kia, nông sản vụ đông của tỉnh chỉ tiêu thụ nội địa, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, thường xuyên bị thương lái ép giá. Mặt khác, sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian mới đến được với người tiêu dùng. Do đó, dù có nhiều lợi thế trong sản xuất vụ đông nhưng giá trị đạt được không cao. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín trong và ngoài tỉnh lựa chọn Hải Dương là nơi sản xuất nguồn hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế từ vụ đông ngày một gia tăng.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Để có thể xuất khẩu hành tươi sang Nhật Bản, anh Nguyễn Trọng Quyết phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo yêu cầu của đối tác
Mở rộng thị trường tiêu thụ là lời giải cho bài toán đầu ra nông sản vốn lâm vào bế tắc bấy lâu nay. Nhưng để có thể rộng đường xuất khẩu thì phải gỡ được nút thắt trong khâu sản xuất nhằm bảo đảm các tiêu chí về chất lượng sản phẩm.
Tuy đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu hành tươi sang thị trường Nhật Bản nhưng anh Nguyễn Trọng Quyết ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) vẫn lo lắng khi đơn hàng có thể bị trả lại bất cứ lúc nào nếu không đạt tiêu chuẩn. Theo anh Quyết, để đạt được thỏa thuận với bạn hàng Nhật Bản, anh đã phải mất nhiều thời gian để cải tạo các điều kiện canh tác. Trong vòng 2 năm, anh không gieo trồng trên diện tích đất đã thuê nhằm khôi phục hệ sinh thái trong đất, nước. Sau khi phía đối tác kiểm định độ an toàn, anh Quyết mới được xuống giống hành. Chuyên gia Nhật Bản sẽ giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, nếu các biện pháp chăm sóc không đúng yêu cầu kỹ thuật thì sản phẩm sẽ bị hủy bỏ ngay cả khi chưa thu hoạch. Song bù lại, nếu đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe từ phía đối tác thì lợi nhuận thu được là rất lớn. "Do đang ở giai đoạn thử nghiệm nên hiện tại tôi mới chỉ trồng hành xuất khẩu thí điểm với diện tích 3,5 ha. Nhu cầu nhập khẩu nông sản từ phía Nhật Bản rất lớn nếu như sản phẩm bảo đảm yêu cầu. Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất, tôi sẽ mở rộng quy mô lên 35 ha theo đúng cam kết, thậm chí có thể lên tới 100 ha nếu như duy trì được nguồn hàng ổn định. Cơ hội xuất khẩu lớn nhưng đòi hỏi cũng rất nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu kiểm soát được khâu sản xuất thì cánh cửa xuất khẩu sẽ rộng mở", anh Quyết nhận định.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp kết nối với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng) để đàm phán ký kết hợp đồng tiêu thụ cà rốt. Ngoài các doanh nghiệp thu mua để phân phối cho những siêu thị lớn trong nước thì còn có nhiều công ty xuất khẩu ra nước ngoài. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX, có đầu ra ổn định nên người dân chỉ chuyên tâm vào việc làm ra sản phẩm chất lượng tốt. Vì thế mà nhận thức của người dân trong sản xuất đã thay đổi nhiều. Vụ này, HTX hướng dẫn nông dân gieo trồng khoảng 25 ha cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 300 ha còn lại sản xuất theo hướng an toàn. Chỉ khi sản xuất đồng bộ, bài bản, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thì mới có thể chủ động trong tiêu thụ.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp ngày một nâng cao đã tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản vụ đông của tỉnh. Song người dân phải thay đổi thói quen sản xuất để xóa bỏ rào cản về chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
DŨNG CƯỜNG