Vỡ mộng du học

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 11:19, 11/12/2017

Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để con mình đi du học. Song khi đặt chân đến xứ người thì nhiều bạn trẻ vỡ mộng.


Bạn Lương Quang Toàn đang làm thuê tại một tiệm giặt là ở Hàn Quốc (ảnh trái). Bạn Toàn chia sẻ về sự phân biệt đối xử với du học sinh người Việt (ảnh phải)

Không như là mơ

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều du học sinh (DHS) chia sẻ hình ảnh ngủ vùi mệt nhoài tại nơi học vì vất vả khi đi làm thêm... Không ít sinh viên còn đối diện với chiêu thức lừa gạt từ các đơn vị tư vấn du học “ảo”, thu tiền rồi chối bỏ trách nhiệm.

Học xong THPT, bạn Lương Quang Toàn (sinh năm 1990, ở xã Thanh Quang, Nam Sách) quyết định đi du học tại Hàn Quốc thông qua một trung tâm môi giới và hiện là sinh viên Trường Đại học Kyonggi. Theo những lời quảng cáo có "cánh", Toàn mường tượng nơi đây là những cảnh đẹp, đời sống phát triển, văn minh và có phần sang chảnh như những bộ phim vẫn thường chiếu trên ti vi. Trung tâm hứa sẽ giới thiệu việc làm thêm cho Toàn để đủ trả mọi chi phí ăn ở, học hành.

Nhưng khi đặt chân đến Hàn Quốc, Toàn thực sự thất vọng trước món "bánh vẽ" mà trung tâm tạo ra. Toàn rơi vào tình cảnh bị "đem con bỏ chợ", tự mình phải xoay xở tất cả mọi việc. Không có người quen, tiếng Hàn hạn chế nên tất cả những nơi Toàn xin vào làm thêm đều từ chối. 5 tháng sau, nhờ một người bạn giới thiệu, Toàn đã tìm được việc làm thêm đầu tiên là bốc vác. Vừa đi học, vừa đi làm thêm, nhiều lúc Toàn phải chạy đua với thời gian. Toàn chia sẻ: “Mình học ở trường từ 9 giờ đến 15 giờ 30, sau đó bắt xe buýt đến nơi làm thêm. Bắt đầu làm từ 17giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, nhiều hôm tăng ca phải làm đến 4 giờ sáng. Nhiều hôm mình phải xin nghỉ học vì làm việc quá mệt". Những bữa ăn vội trên xe buýt hay ngủ trên tàu điện ngầm đã rất quen thuộc với cậu. Nhưng như thế vẫn còn là may vì nếu không có việc làm thêm đồng nghĩa Toàn không có tiền học, tiền chi phí sinh hoạt và tiền gửi về cho gia đình trang trải khoản nợ mấy trăm triệu đồng chạy vạy để du học. Chỉ sau hơn 2năm sang Hàn Quốc, Toàn đã trải qua gần chục việc làm thêm khác nhau như hái ớt, trồng rau, bốc vác, chạy bàn, giặt là… Theo lời Toàn kể, DHS còn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công khi đi làm thêm. "Cũng là một việc làm như nhau nhưng người Hàn sẽ được trả 70.000 won/ngày, còn DHS như mình chỉ được trả 60.000won/ngày”, Toàn cho biết.

Bạn Nguyễn Thị Dương (sinh năm1994, ở thị trấn Ninh Giang), đang là DHS tại Osaka (Nhật Bản) cũng chia sẻ khó khăn mà nhiều DHS gặp phải như lao động chui, tiền thuê nhà rất đắt đỏ... Theo Dương, một tháng chưa kể tiền học, sinh hoạt phí gồm tiền nhà, ăn uống, điện nước, đi lại khoảng 8-10 triệu đồng/DHS. Học phí chuyên ngành khoảng 50-80triệu đồng/kỳ tùy trường. Theo quy định, mỗi DHS chỉ được đi làm thêm 28giờ/tuần. Nhưng để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở nước bạn và gửi về cho gia đình trả nợ, nhiều DHS phải làm chui kiếm tiền. Trong môi trường làm việc khắt khe, kỷ luật nghiêm như đất nước Nhật Bản, không phải ai cũng dễ dàng tìm được một việc làm phù hợp. Công việc nặng nhọc như bốc hàng, làm cá chỉ dành cho DHS nam, còn những việc nhẹ hơn chạy bàn, rửa bát dành cho DHS nữ. "Nhiều lúc cũng cảm thấy tủi thân, đi làm thuê bị mắng, bị chửi cũng phải cười rồi làm tiếp”, Dương ngậm ngùi.

Tỉnh táo để khỏi ăn "bánh vẽ"

Trước đây chỉ những học sinh thật giỏi, nhận được học bổng của nước ngoài hoặc con em những gia đình thuộc diện "đại gia" mới mơ đến việc đi du học. Nhưng những năm gần đây, du học đã trở thành một trào lưu phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Các trung tâm tư vấn du học tạo ra ảo tưởng về việc DHS có thể vừa đi học, vừa đi làm kiếm được nhiều tiền nên nhiều gia đình dù không có điều kiện vẫn quyết tâm bán đất, cắm "sổ đỏ", thậm chí vay lãi cao để cho con đi du học. Trong nhiều trường hợp, du học chỉ là cái mác để đưa người sang nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Nghe theo lời của các văn phòng tư vấn du học, gia đình ông Nguyễn Văn Tô ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) quyết định cho con đi du học ở Nhật Bản. Để có đủ khoản tiền vài trăm triệu đồng, ông Tô đã bán một mảnh đất và vay mượn thêm họ hàng. Nhưng khi sang đó, con ông không kiếm được việc làm thêm nên gia đình ông phải xoay xở rất khó khăn.

Tình trạng các công ty, trung tâm tư vấn du học quảng bá một đằng nhưng thực tế khác xa như vậy đã xảy ra với nhiều người. Từ những câu chuyện của bạn Dương, bạn Toàn cho thấy các gia đình cần thận trọng khi lựa chọn dịch vụ của những công ty tư vấn du học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8 năm nay, trên địa bàn tỉnh có 41 đơn vị đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, trong đó 29 đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp, 1 đơn vị có chức năng hoạt động tư vấn du học do UBND tỉnh quy định, còn 11 đơn vị chưa có giấy chứng nhận. Theo quy định về nhân sự, mới chỉ có 8 đơn vị đủ điều kiện hoạt động tư vấn du học và bồi dưỡng ngoại ngữ, 10 đơn vị đủ điều kiện tư vấn nhưng không đủ điều kiện bồi dưỡng ngoại ngữ, 23 đơn vị không đủ điều kiện hoạt động, cần bổ sung, hoàn thiện nhân sự, hồ sơ pháp lý.

Nhiều bạn trẻ đi du học thành công, nhưng cũng có không ít người phải bỏ dở vì không theo được do không đủ năng lực học tập hoặc khả năng tài chính, hoặc cả hai. Các gia đình cần xác định động cơ đúng đắn của việc du học là sang nước ngoài học tập, thu nhận kiến thức. Việc làm thêm nếu có chỉ là để phụ thêm chi phí sinh hoạt, còn gia đình vẫn phải lo tài chính cho con em mình. Lấy việc đi làm là chính, học là phụ sẽ dễ khiến DHS không đủ thời gian, sức khỏe học tập; nhiều người phải lao động bất hợp pháp để kiếm tiền. Các trường học, trung tâm hướng nghiệp cần thường xuyên phối hợp, tổ chức giao lưu, tư vấn du học, giải đáp thắc mắc cho học sinh, giúp học sinh tiếp cận thông tin du học một cách chính thống cũng như định hướng đúng đắn về du học cho các em và gia đình.

THẢO NGUYỄN