Định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mức trần
Tin tức - Ngày đăng : 19:26, 11/12/2017
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 11.12
Giảm biên chế giáo viên phải thận trọng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến thời điểm này toàn tỉnh có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học. Nguyên nhân chính là việc tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GDĐT 3.066 giáo viên, trong khi đó học sinh những năm qua tăng mạnh, đặc biệt năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh tăng 10.300 học sinh.
Ông Bùi Quang Toản, Hiệu trưởng Trường Chính trị đặt vấn đề: Hiện chúng ta giảm biên chế giáo viên đang dựa vào các căn cứ nào bởi mức tính biên chế giáo viên đang căn cứ vào số giờ đứng lớp và số học sinh mỗi lớp. "Tỉnh không giao đủ biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có trái luật. Theo tôi việc giảm biên chế giáo viên phải hết sức thận trọng", ông Toản nói.
Ông Toản đặt cho biết,, khi tái lập tỉnh, Trường Chính trị tỉnh được giao 65 biên chế, các ban Đảng cao nhất 18 biên chế, thấp nhất 16 biên chế nhưng đến nay Trường Chính trị tỉnh còn 60 biên chế nhưng các ban Đảng tăng lên từ 30 - 32 biên chế. "Theo định mức chỉ có 35-36 cháu/lớp nhưng thực tế là đến 45-50 cháu/lớp. Nếu giảm biên chế giáo viên thì phải căn cứ vào định mức giờ giảng và số cháu trên lớp và cần phải có quy định mềm trong từng trường. Nếu các trường có số cháu vượt quá quy định và định mức giáo viên dưới định mức thì trường đó đương nhiên phải được phép hợp đồng", ông Toản nói.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, theo quy định ở bậc mầm non mỗi lớp có 35 cháu nhưng thực tế có lớp đến 45-50 cháu, có lớp phải ghép nhiều độ tuổi. Với những lớp đông học sinh mà chỉ có 2 cô thì rất vất vả. Có những trường cùng thời điểm có 8 cô giáo nghỉ thai sản. "Tôi đề nghị tỉnh, ngành giáo dục và các địa phương quan tâm hơn nữa đến bậc học mầm non, nhất là về cơ sở vật chất cho các cháu", bà Hường nói.
Gải đáp vấn đền này, ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Hải Dương chưa giao hết định mức Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là do số lượng học sinh đã ổn định rồi thì số giáo viên được giao theo đúng định mức sẽ đi đâu. Mấy năm qua, tỉnh đã hai lần đặc cách và 1 lần thi tuyển giáo viên với 10.000 viên chức. Sau đó, các trường lại tiếp tục ký hợp đồng. Có nhiều huyện ký hợp đồng nằm trong chỉ tiêu được giao nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vừa qua có nhiều giáo viên bỏ việc vì nhiều lý do. Tỉnh đã thống nhất, những giáo viên được ký hợp đồng trong năm 2017 sẽ được thanh toán tiền công theo đúng hợp đồng đã ký còn từ năm 2018 sẽ phải tính toán lại.
Đại biểu Lưu Văn Bản (Chí Linh) đề nghị tỉnh cần quy định thống nhất về việc ký hợp đồng với giáo viên. "Lúc bắt đầu trả lương ra sao, sau 1, 2, 3 năm trả lương thế nào. Giáo viên ký hợp đồng phải được đóng bảo hiểm. Không được đóng bảo hiểm sẽ thiệt thòi trong khi nghỉ thai sản, ốm đau...", đại biểu Bản nói.
Theo đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, định mức biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là mức trần, có nghĩa là tùy vào tình hình thực tế tại các địa phương có thể giao biên chế cho phù hợp nhưng không được vượt trần. Đối với Hải Dương, việc UBND tỉnh giao biên chế giáo viên thấp hơn định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Việc này đã thực hiện trong nhiều năm nay cho thấy phù hợp.
Sẽ thanh toán lương cho giáo viên khi có đủ giấy tờ
Ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết, việc gần 1.200 giáo viên hợp đồng chưa được trả lương là do thiếu giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, ông Trọng cho biết cần phải thống kê chính xác có bao nhiêu giáo viên chưa được trả lương. "Ngành giáo dục báo cáo có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không có lương trong khi kho bạc các huyện, thị xã, thành phố báo chỉ 929 trường hợp", ông Trọng nói. Theo ông Trọng, việc ký hợp đồng với giáo viên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tới đây khi có văn bản của UBND tỉnh, kho bạc sẽ chi trả lương cho giáo viên.
Ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh
Chia sẻ với Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Bình Giang) cho rằng, việc kho bạc kiểm soát tiền theo quy định của pháp luật là đúng. Hiện nay quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trong đó có các nhà trường còn lỏng lẻo. Theo đại biểu Thăng, việc tỉnh giao biên chế cho các trường thấp hơn định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự tính toán kỹ. Hiện có nhiều trường quy mô nhỏ, giáo viên dạy chưa đủ định mức. Thời gian tới, ngành giáo dục cần tổng rà soát để bố trí giáo viên dạy cho đủ định mức, một giáo viên có thể dạy ở 2 trường. Sau bù từ trường thừa biên chế sang trường thiếu mà vẫn chưa đủ thì mới cho ký hợp đồng. "Đây là vấn đề lớn, 2 ngành nội vụ và giáo dục phải sớm ngồi với nhau để tham mưu cho UBND tỉnh", đại biểu Thăng đề nghị.
Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) nêu: TP Hải Dương hiện có Trường THCS Lê Quý Đôn đang thực hiện tự chủ, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang trình Chính phủ quy định về miễn học phí từ bậc THCS trở xuống. Nếu đề nghị trên được chấp thuận, đơn vị này sẽ thực hiện theo loại hình gì?
Ngày 12.12, các đại biểu HĐND tỉnh làm việc tại hội trường.
NHÓM PV