Trách nhiệm giải trình

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:26, 18/12/2017

Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo, cán bộ quản lý thường nhắc tới việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Đây được coi là một biện pháp hiệu quả nhằm góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Trong hành chính nhà nước, giải trình là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhằm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Có một số dạng thức giải trình như cấp dưới giải trình với cấp trên; cơ quan nhà nước giải trình với tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình…

Trách nhiệm giải trình là quy định bắt buộc trong hoạt động của Nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước phát triển. Việc Nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình là một biểu hiện của dân chủ, tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động của Nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu với Nhà nước nói chung, các cán bộ, công chức nói riêng phải thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn và sẵn sàng chịu trách nhiệm với những việc đã làm. Trách nhiệm giải trình được thực thi tốt sẽ góp phần phòng chống tiêu cực, sai phạm trong hoạt động của Nhà nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành một số quy định. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (Luật số 27/2012/QH13) quy định: “Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình”. Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày 8.8.2013 là văn bản pháp lý quy định cụ thể, chi tiết về trách nhiệm giải trình. Đến nay, nhiều cán bộ, công chức đã nhận thức rõ về điều kiện, nội dung, thủ tục, quy trình trong thực hiện trách nhiệm giải trình.

Tuy vậy, nhận thức về trách nhiệm giải trình và việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhiều người dân vẫn chưa biết về quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải trình những quyết sách tác động tới lợi ích của mình. Mặc dù hành lang pháp lý về trách nhiệm giải trình đã khá đầy đủ song hiện nay rất ít cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền lợi của mình. Nguyên nhân do đây là quy định mới, việc tuyên truyền chưa rộng rãi, một số tổ chức, cá nhân ngại “va chạm”, sợ mất lòng nhau…

Ngoài ra, một số quy định tại Nghị định 90/2013/NĐ-CP còn rườm rà, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giải trình. Cụ thể, tại điều 8 quy định người yêu cầu giải trình phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Quy định này là không cần thiết vì đa số người yêu cầu giải trình do chưa nắm được thông tin. Quy định này đặt ra vấn đề liệu người giải trình không có tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình thì có được thực hiện quyền yêu cầu giải trình của mình không? Ngoài ra, văn bản giải trình có nội dung thiếu cụ thể, không đi thẳng vào vấn đề, trả lời không thỏa mãn với yêu cầu cũng là một hạn chế trong thực hiện trách nhiệm giải trình.

Thúc đẩy trách nhiệm giải trình cần sự nỗ lực từ cả phía người yêu cầu giải trình và phía người giải trình. Hai bên càng hợp tác chặt chẽ thì càng thúc đẩy Nhà nước hoạt động minh bạch, hiệu quả. Ngược lại, “con đường” thực hiện trách nhiệm giải trình càng nhiều “ổ gà” bao nhiêu thì việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân sẽ càng khó khăn bấy nhiêu.

NINH TUÂN