Bình minh
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:20, 02/01/2018
Ai đến Khoa Phục hồi chức năng đều cảm tình với cô bác sĩ vừa giỏi chuyên môn lại vừa hết sức mềm mỏng, nhẹ nhàng với bệnh nhân này. Hằng ngày, Trà thường đến phòng vật lý trị liệu sớm hơn các đồng nghiệp. Có hơi người căn phòng như ấm áp hơn, xua đi cái lạnh lẽo của tiết trời mùa đông u ám. Nhiều bệnh nhân đã ngồi chờ từ rất sớm. Dù họ biết các bác sĩ thường mất nửa tiếng họp giao ban vào đầu giờ sáng. Những ngày cuối năm bệnh viện còn chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Sở Y tế về kiểm tra chất lượng khám chữa bệnh...
Bệnh nhân của Khoa Phục hồi chức năng là những em bé bị bại não, chậm phát triển tinh thần, vận động, cứng khớp, teo cơ, tăng động… cần phải chữa trị lâu ngày. Có những em coi căn phòng này như là ngôi nhà thứ hai của mình. Ðã không còn sợ hãi khóc thét lên mỗi khi được các bác sĩ tập vật lý trị liệu. Ðể đổi lấy nụ cười của những đứa trẻ không may mắn, Trà đã dùng tình yêu thương vỗ về chúng mỗi ngày. Bàn tay Trà như có phép lành, chạm đến đâu là xoa dịu mọi đớn đau. Là mang đến cho chúng hy vọng được đi, đứng, nói cười như biết bao đứa trẻ bình thường khác. Bé Sâu, bé Kiến, bé Ong… Trà thuộc tính cách và sở thích từng đứa trẻ. Ðứa thích được xoa bóp nhẹ nhàng, đứa vừa phải nắn bóp vừa nịnh nọt. Lại có đứa chỉ cần thả một viên kẹo vào miệng là nằm ngoan như chú cún con. Trà dỗ bệnh nhân khéo lắm. Chẳng thế mà cháu nào chiếu đèn, chạy điện xong cũng muốn được cô Trà bấm huyệt, nắn bóp. Trà nhìn những người mẹ, người bà vừa vượt cả quãng đường xa trong gió rét đưa con cháu đến đây mà lòng đầy thương cảm. Sương còn bậu đầy trên tóc họ, khuôn mặt tái đi vì rét. Thỉnh thoảng vô tình Trà chạm phải những bàn tay lạnh ngắt. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, câu chuyện cuộc đời họ từng khiến các bác sĩ ở đây phải ngậm ngùi.
Căn phòng không lúc nào ngớt tiếng người. Những bé mới đến điều trị còn chưa quen nên gào khóc từ đầu đến cuối. Người nhà bệnh nhân xếp ghế ngồi chật trong phòng. Các bác sĩ luôn tay luôn chân, vừa nắn bóp cho bệnh nhân này vừa hướng dẫn người nhà bệnh nhân khác làm thủ tục nhập viện. Ở góc phòng kê chiếc bàn nhỏ, một đống hồ sơ bệnh án đang chờ được xử lý. Tiếng bà dỗ cháu, tiếng mẹ quát con, tiếng nhạc thiếu nhi phát ra từ cả chục chiếc điện thoại của người nhà bệnh nhân càng thêm ồn ã. Bỗng một người đàn ông dắt theo đứa con nhỏ bước vào phòng ngó nghiêng tìm bác sĩ. Trà vui mừng khi nhận ra người quen.
- Mọi người nhìn xem ai đến thăm chúng ta kìa.
Bé gái chạy ào đến sà vào lòng Trà. Trà nhìn từ đầu đến chân bé Thảo, ngỡ ngàng bảo:
- Thảo lớn quá. Sắp ra dáng thiếu nữ rồi. Năm nay con học lớp mấy nhỉ?
- Con học lớp 4 rồi ạ!
- Thế ở nhà có giúp bố được nhiều việc không?
Người đàn ông đặt chiếc bình thủy tinh xuống bàn, tươi cười bảo:
- Cháu ngoan lắm các cô ạ! Ngoài giờ học là biết giúp bố làm việc nhà rồi. Chậm một tý nhưng cẩn thận lắm.
- Ngoan quá. Thế thì bố nhàn rồi.
- Nhờ các bác sĩ cả đấy ạ! Hồi phát hiện cháu bị bệnh tôi cứ nghĩ chắc nằm liệt cả đời. Ðưa cháu đến đây cũng chỉ mong cháu có thể ngồi dậy, đi lại để mình đỡ vất vả. Nhưng cháu được thế này tôi mừng lắm. Bố con tôi có việc lên thành phố, ghé vào thăm các bác sĩ. Cháu có bình cá nhỏ nuôi đã lâu, cứ đòi mang đến tặng các cô.
Mọi ánh mắt đều hướng về chiếc bình cá nhỏ đặt trên chiếc bàn gần cửa sổ. Bên trong bình có vài chú cá cảnh nhỏ xinh đang ngơ ngác nhìn xung quanh. Giữa không gian ầm ĩ, chật chội trong phòng bệnh giờ có thêm chiếc bình cá tự nhiên thấy dễ chịu hơn. Trà nhìn bé Thảo trong lòng nhen lên thứ niềm vui khó tả của một bác sĩ đã dốc lòng dốc sức. Biết bao đứa trẻ bước ra khỏi căn phòng này với một cuộc sống mới, hy vọng mới. Vui là thế mà khi nghĩ đến nỗi lòng riêng Trà bỗng lặng đi. Ðúng lúc ấy thì chuông báo tin nhắn vang lên. “Em đã suy nghĩ kỹ chưa?” - câu hỏi này Du đã hỏi ít nhất ba lần.
Du là bạn thanh mai trúc mã của Trà, lớn lên trên cùng một miền quê. Chứng kiến cảnh đói nghèo bệnh tật của người dân quê mình, cả hai cùng nuôi mơ ước trở thành bác sĩ. Sau 7 năm học tập, Du trở thành bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Anh từng đi làm trong một bệnh viện tư lớn ở Hà Nội 3 năm để lấy thêm kinh nghiệm và học lên cao học. Cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay cũng là lúc Du muốn thực hiện mơ ước thuở nào. Là trở về quê hương mở một phòng khám để khám chữa bệnh cho bà con. Trà chính là người đầu tiên mà Du muốn cùng mình biến ước mơ ấy thành hiện thực. Bởi vì Trà không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người con gái Du yêu. Nghĩ về nhau là mong muốn có một mái ấm gia đình. Ðể cùng nhau vun vén hạnh phúc. Trà hiểu, nhưng lòng còn lưỡng lự. Chỉ vì quá tha thiết với nơi đang sống và làm việc.
Cuối tuần mẹ điện xuống hỏi sao không thấy Trà về. Mấy đứa nhỏ được bố mẹ chở sang từ sáng sớm chờ mãi đến giờ này. Lúc này Trà mới nhớ ra quên điện về báo cho mẹ biết. Công việc cuối năm bận rộn đâu dễ dứt ra được để về. Trà thấy áy náy khi nghĩ đến bệnh nhân đang chờ mình ở nhà. Ðó là những đứa trẻ bị bại não nhưng không có điều kiện xuống bệnh viện nhi để chạy chữa. Bệnh viện tuyến huyện không có khoa phục hồi chức năng nên những trẻ bị mắc bệnh bại não, cứng khớp, teo cơ và nhiều bệnh cần phải vật lý trị liệu đều chấp nhận số phận nằm liệt cả đời. Không có phép màu nào xảy ra. Chúng nằm trên giường hay ngồi trên những chiếc xe lăn nhìn cuộc đời qua ô cửa từ ngày này sang ngày khác. Chúng trở thành gánh nặng cho gia đình khi không thể đi lại, vệ sinh cá nhân, thậm chí là cầm nắm một vật gì đó trong tay cũng khó. Ở quê Trà có cả chục đứa trẻ sinh ra kém may mắn đã mắc phải căn bệnh bại não. Biết Trà là bác sĩ vật lý trị liệu nhiều người mang con cháu đến khám chữa. Khổ nỗi Trà chỉ có thể về nhà vào cuối tuần. Một tháng vài ba buổi tập chẳng thấm tháp vào đâu với căn bệnh cần kiên trì chữa trị hằng ngày. Họ biết vậy nhưng vẫn nuôi hy vọng. Mẹ nói sáng nay ở quê mưa, rất lạnh…
Du đến mang theo những bụi mưa li ti phủ đầy trên tóc. Ngồi bên tách trà nóng nhâm nhi vị ngọt đắng trên môi, Du gợi lại những kỷ niệm ấu thơ. Về những năm tháng cùng nhau đi mót lúa, mót ngô, chăn trâu cắt cỏ. Về những mùa đông nhường nhau khăn ấm, chọc chỗ thủng trên áo nhau buốt lạnh cười khúc khích. Về những lần hai đứa gò lưng đạp xe xuống tận dưới phố mua thuốc cho ông. Trong dòng chảy của ký ức tự nhiên Du nhắc đến Thương. Thương là người bạn cùng xóm, bị mắc bệnh bại não từ nhỏ. Suốt ngày chỉ nói cười ngô nghê, ngờ nghệch. Lúc bé Thương hay bị trẻ con trong xóm bắt nạt, Du vẫn thường là người đứng ra bênh vực. Nhắc đến Thương làm Trà nhớ nụ cười ấy đến quay quắt. Nhớ cả những chiếc bánh rợm nóng hổi, những quả ổi chín thơm mà Thương vẫn dúi cho Trà. Nhớ cả buổi chiều mùa đông năm ấy, Trà từ thành phố trở về nhìn mặt Thương lần cuối. Thương ôm đứa con chết lưu trong bụng đi đến một thế giới khác...
- Nhiều năm qua anh cứ luôn suy nghĩ về cái chết của Thương. Còn biết bao đứa trẻ bất hạnh rồi phải sống cuộc đời như Thương…
- Thì em vẫn hằng ngày chữa trị cho những đứa trẻ kém may mắn ấy đấy thôi. Anh biết đấy em đã phải rất khó khăn mới xin được vào làm trong bệnh viện lớn. Công việc đang rất thuận lợi. Môi trường làm việc cũng tốt. Bây giờ nghĩ đến việc về quê và làm lại từ đầu em có chút hoang mang.
- Ðành rằng bệnh nhân ở đâu cũng cần chữa trị. Nhưng những bệnh nhân ở quê cần đến chúng ta hơn. Em biết điều đó mà.
- Vâng. Em biết.
Trà nhấp nhụm trà thấy vị ngọt ấm ran nơi cổ họng. Ấm như tay Du vậy, đan chặt vào tay Trà ngồi nhìn mùa đông đang trôi qua trước cửa. Du hăng say nói về kế hoạch mở một phòng khám ở quê. Phòng khám không cần quá lớn nhưng lại cần những người đồng nghiệp giỏi chuyên môn và tận tụy với bệnh nhân. Sẽ có một Phòng Phục hồi chức năng để bàn tay Trà mang đến phép lành. Ðể những đứa trẻ kém may mắn như Thương có cơ hội được đi lại, tự chăm sóc bản thân, tự tin giao tiếp hòa nhập với cộng đồng. Nếu biết Trà sắp trở về làm việc tại quê nhà chắc mẹ sẽ là người mừng nhất. Bởi nhiều lần nhìn những người mẹ, người bà chở con cháu mình đến tìm Trà, mẹ đã từng ước ao “giá như con có thể chữa trị cho họ mỗi ngày”. Nghĩ về mẹ, về tình yêu của Du, về những người đang đợi Trà trong cơn mưa sáng nay tại quê nhà Trà thấy mình đủ can đảm để trở về…
*
Sáng nay, bệnh viện đón đoàn kiểm tra của Sở Y tế. Bệnh viện được đánh giá tốt về chất lượng khám chữa bệnh. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường đều làm tốt. Trà và đồng nghiệp đều thở phào nhẹ nhõm khi đã hoàn thành tốt công việc của mình. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết dương lịch. Các bệnh nhân cũng kết thúc một đợt chữa trị, chờ giấy hẹn nhập viện đợt mới. Trong phòng vẫn đông như mọi khi, những đứa trẻ thích ồn ào bắt đầu cười, khóc. Mấy chú cá cảnh trong bình thủy tinh đã quen với không gian ở đây. Thong dong đớp mồi, tung tăng bơi lượn. Bỗng tiếng ai đó thốt lên: “Ôi nhìn kìa. Bé Sâu. Bé Sâu”. Trà ngoảnh lại thấy bé Sâu đang cố gắng tự đứng lên mà không cần ai hỗ trợ. Cả phòng như vỡ òa hạnh phúc. Các bác sĩ vỗ tay chúc mừng. Mẹ bé Sâu lao đến nhấc bổng đứa con gái bé bỏng của mình xoay vài vòng trong niềm vui khôn tả. Vào chính giây phút này Trà nghĩ đến những đứa trẻ khác đang chờ mình ở quê nhà. Một ngày nào đó chúng cũng có thể tự đứng lên như thế. Ði những bước chân đầu tiên trên một chặng đường mới, để bắt đầu một tương lai mới. Chưa khi nào Trà nghĩ về điều đó bằng niềm hy vọng và hạnh phúc lớn lao như bây giờ. Nó thôi thúc Trà bằng từng nhịp đập rộn ràng trong lồng ngực…
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG