Tìm lại tên cho các liệt sĩ

Xã hội - Ngày đăng : 11:12, 13/01/2018

12 liệt sĩ ở xã Nguyên Giáp đang được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng các đơn vị liên quan tìm kiếm để quy tập hài cốt về các nghĩa trang...

Lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm kiếm, cất bốc hài cốt 11 liệt sĩ tại thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực tìm kiếm, xác minh thông tin để đưa các hài cốt liệt sĩ ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ và tìm lại đúng tên cho các anh.

Những cơ sở để xác minh

Ngày 3.1.1954, thực dân Pháp chở 14 tù binh là các cán bộ du kích, chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Hải Dương (nằm trên địa bàn huyện Ninh Giang) ra nhà tù Hải Phòng. Trên đường đi đến thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp, xe bị trúng mìn làm 2 chiến sĩ bị thương và 12 người hy sinh.

Theo các nhân chứng, sau khi mìn nổ, lính Pháp đưa người chết, người bị thương của chúng về Ninh Giang. Số chiến sĩ của ta chúng để lại bên đường. Do là vùng bị tạm chiếm nên sau khi sự việc xảy ra nhân dân thôn An Thổ đã tổ chức chôn cất các chiến sĩ đã hy sinh tại gò Bồ Súng. Đến nay, 3 trong tổng số 12 đồng chí hy sinh đã được công nhận là liệt sĩ gồm: Ngô Văn Thiệp, Ngô Văn Nhữ và Ninh Văn Vy (đều ở Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình).

Cụ Phạm Thị Chấy, 94 tuổi, người trực tiếp chôn cất các chiến sĩ cho biết: "Sáng hôm đó, khi chúng tôi đang làm thủy lợi tại cánh đồng gò Bồ Súng thì nghe tiếng nổ lớn. Chạy lại gần thấy một tốp lính Pháp đang đưa người bị thương lên xe, còn một số người chết bị đẩy xuống lề đường. Tôi và hơn 10 người khác trong xã đưa xác các anh về chôn cất. Các anh đều mặc quần áo tù, có người còn lành lặn, có người bị mất tay, chân...".

Ông Nguyễn Thanh Lễ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyên Giáp cho biết: "Các tài liệu để lại cho thấy tại địa phương từng có 12 tù binh bị trúng mìn chết và đã được chôn cất. Tuy nhiên, do không có thông tin chính xác nên xã không thể quy tập hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ".

Theo ông Lễ, năm 1999, thân nhân của 3 liệt sĩ đã tìm về xã đề nghị các nhân chứng chỉ vị trí chôn cất, đồng thời đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, huyện Tứ Kỳ, xã Nguyên Giáp cho xây tường bao xung quanh khu mộ, dựng bia tưởng niệm để thờ cúng. Đến giữa năm 1999, thân nhân liệt sĩ Ninh Văn Vy dựa trên việc tìm kiếm bằng phương pháp tâm linh đã cất bốc một bộ hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Yên Mô. Số hài cốt còn lại hiện vẫn chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.

Nhiều nỗ lực

Năm 2017, thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, trên cơ sở đề nghị của địa phương, thân nhân gia đình các liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh đã khẩn trương tìm gặp nhân chứng, xác minh thông tin và khảo sát thực tế tại các phần mộ ở xã Nguyên Giáp. Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn các cơ quan chức năng và huyện Tứ Kỳ chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thu thập thông tin thông qua hình thức phát phiếu.

Sau khi xác định được khu vực cần tìm kiếm, Bộ CHQS tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 3, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh) xây dựng kế hoạch khảo sát, tìm kiếm, cất bốc. Thượng tá Bùi Vinh Được, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn do đã trải qua thời gian dài, công tác lưu trữ hạn chế, địa hình có nhiều đổi thay. 2 tù binh bị thương sau vụ nổ mìn có thể làm nhân chứng đều đã mất từ lâu. Đến nay vẫn chưa có thông tin để xác định danh tính, quê quán của 9 liệt sĩ còn lại".

Ngày 7.1 vừa qua, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh đã tổ chức lễ động thổ cất bốc hài cốt 11 liệt sĩ hy sinh tại xã Nguyên Giáp. Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh nêu rõ việc tìm kiếm, xác định danh tính của các liệt sĩ còn lại gặp nhiều khó khăn song mỗi đơn vị, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình để làm tốt công tác quy tập, xác minh danh tính. Hài cốt tìm kiếm được phải tiến hành lấy mẫu sinh phẩm ADN và lưu giữ cẩn thận, chặt chẽ, đồng thời đưa các anh về nghĩa trang liệt sĩ để Tổ quốc và nhân dân ghi công, tôn vinh. Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thông tin rộng rãi việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt các liệt sĩ.

Ông Ngô Trọng Cảnh, con trai liệt sĩ Ngô Văn Thiệp hy sinh trong trận nổ mìn đó xúc động nói: "Sau khi bố tôi hy sinh, gia đình đã nhiều lần tìm kiếm nhưng không có thông tin. Năm 1999, thông qua Bộ CHQS Hà Nam, gia đình biết được năm 1954 bố tôi hy sinh tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ). Chúng tôi đã tìm về địa phương gặp lại các nhân chứng, nhưng do có nhiều người hy sinh nên không biết vị trí cụ thể chôn cất bố tôi. Được Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Hải Dương, Quân khu 3, đặc biệt là Bộ CHQS tỉnh nỗ lực tìm kiếm, xác minh danh tính cụ thể của những người đã hy sinh năm xưa, gia đình tôi rất mừng. Mong mỏi bao năm của gia đình là tìm được hài cốt và đưa bố tôi về nghĩa trang quê nhà...".

Ngày 11.1, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1954 tại xã Nguyên Giáp. Bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng tri ân sâu sắc, Ban Chỉ đạo1237 tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các địa phương, đơn vị quyết tâm huy động mọi nguồn lực xác minh thông tin để đưa các anh về yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ.

TRƯƠNG HÀ