Quảng cáo, biển hiệu: Quá lạm dụng chữ nước ngoài

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 05:37, 16/01/2018

Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo (BHQC) ngày càng quá đà trên nhiều tuyến phố.

Nhiều biển hiệu cửa hàng sử dụng tiếng nước ngoài 100%

Xuống phố là "va" ngoại

Một số tuyến phố trên địa bàn TP Hải Dương như Nguyễn Lương Bằng, Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Nguyễn Văn Linh... có không ít biển hiệu quảng cáo có tiếng nước ngoài hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Một số biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài như Like Tea, Smile Coffee… hoặc tên tiếng Việt "pha" tiếng Anh “shop, coffee, food, drink...". Thậm chí, nhiều cửa hàng còn sử dụng các biển hiệu phá cách, có phần "dị" để tạo khác biệt dù không có ý nghĩa như “Me Choo”. Chỉ một từ “cà phê” nhưng mỗi cửa hàng lại đặt khác nhau, có nơi là café, nơi thì coffee hoặc kafé. Từ cửa hàng quần áo, giày dép đến quán ăn, dịch vụ giải trí... đâu đâu cũng thấy sử dụng chữ viết nước ngoài không đúng quy định. Chữ viết nước ngoài được sử dụng chủ yếu là tiếng Anh, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trên đường Thanh Niên có một số cửa hàng bán mỹ phẩm, đồ ăn sử dụng những biển hiệu pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Nhật hoặc tiếng Anh với tiếng Hàn. Điều đáng nói, tiếng Anh trên các biển hiệu này cũng không phải là những từ thông dụng cộng thêm với tiếng Hàn, Nhật càng gây khó hiểu cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Lý ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: "Nhiều loại chữ nước ngoài xuất hiện trên cùng một biển hiệu quảng cáo nhìn mà hoa hết cả mắt, tôi chẳng hiểu nội dung thông tin là gì cả".

Khảo sát nhanh trên địa bàn TP Hải Dương, chúng tôi thấy hơn 50% số cửa hàng thời trang dùng biển hiệu bằng chữ nước ngoài, trong đó nhiều biển "tây toàn tập". Một số BHQC có cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì phần tiếng Việt lại bị lấn át. Không chỉ trên địa bàn TP Hải Dương mà tại các đô thị khác trong tỉnh như thị xã Chí Linh, các thị trấn Gia Lộc, Thanh Miện... cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Việc lạm dụng tiếng nước ngoài xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và ý thức của người kinh doanh và cả cơ sở làm BHQC. Chị Nguyễn Thị Tr., chủ một cửa hàng thời trang trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) nói: “Khi làm biển hiệu, tôi chỉ nghĩ làm sao để thu hút, gây ấn tượng với khách hàng. Ngoài ra, cửa hàng cũng đặt theo tên hãng cung cấp sản phẩm”.

Trong vai người muốn đặt BHQC cho cửa hàng bán đồ ăn nhanh, tôi được anh Nguyễn Huy T., chủ Trung tâm Tư vấn - thiết kế - thi công quảng cáo tại đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) tư vấn: "Nếu em muốn đặt biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật đều được, hoặc thậm chí cả 2 mà không cần cấp phép gì cả. Nếu là cửa hàng bán đồ dành cho khách Nhật thì để biển theo tiếng Nhật, còn muốn hướng đến mọi đối tượng thì nên để tiếng Việt, tiếng Anh".

Quản lý chưa chặt

Việc sử dụng tràn lan chữ viết nước ngoài trên BHQC không những gây lộn xộn, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt. Khoản 2, điều 18 Luật Quảng cáo quy định giới hạn và cách thức sử dụng chữ viết nước ngoài trên các biển hiệu: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Phần chữ nước ngoài không được lớn hơn 3/4 so với chữ tiếng Việt. Quy định là vậy nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Hơn nữa, việc quản lý các BHQC hiện cũng tồn tại nhiều bất cập.

Ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP Hải Dương cho biết nếu cơ sở, doanh nghiệp muốn làm biển hiệu, biển quảng cáo thì trực tiếp đến Phòng Văn hóa cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể. Nhưng các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh thường đến đăng ký trực tiếp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà không thông qua phòng nên việc quản lý, xử lý rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm, sở đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước chuyên đề về quảng cáo cho cán bộ, công chức văn hóa xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân kinh doanh  quảng cáo. Đã có những trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý theo quy định. Trong năm 2017, có 17 trường hợp vi phạm đã bị xử lý hành chính liên quan đến lĩnh vực quảng cáo gồm 15 công ty, chi nhánh công ty, 1 nhà hát và 1 cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận trên thực tế việc xử lý các trường hợp vi phạm vẫn chưa triệt để. Nguyên nhân do một số quy định trong Luật Quảng cáo còn hạn chế. Ví dụ như việc phân biệt giữa biển hiệu và biển quảng cáo chưa được thể hiện rõ trong văn bản liên quan. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn giữa 2 loại biển mà còn gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Việc chấn chỉnh các trường hợp vi phạm về quảng cáo là cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ tiếng Việt và văn hóa dân tộc mà còn góp phần xây dựng văn minh đô thị. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm có hướng dẫn cụ thể về hình thức xử lý các cơ sở sử dụng biển hiệu chữ nước ngoài không đúng quy định của Luật Quảng cáo. Đẩy mạnh tuyên truyền đến chủ các cơ sở kinh doanh về việc sử dụng chữ viết nước ngoài theo quy định. Ðối với những trường hợp cố tình vi phạm, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe…

THẢO NGUYỄN