"Quả ngọt" từ đồng chua
Kinh tế - Ngày đăng : 17:51, 29/01/2018
Lãnh đạo huyện Ninh Giang thăm vườn cam của gia đình anh Tới
Về quê lập nghiệp
Về xã Hồng Phong, không quá khó khăn để hỏi đường đến vườn cam của gia đình anh Tới. Bởi đây là khu chuyển đổi được đầu tư quy mô, bài bản nhất huyện Ninh Giang.
Đồng đất ở đây chua phèn đến nỗi người dân đặt luôn cho nó cái tên là đồng Chua. Cũng vì gieo cấy lúa không hiệu quả mà không ai nhận diện tích lớn ở đây. Cả khu đồng được chia đều cho các hộ trong thôn, mỗi hộ chỉ 1-2 sào. Đã thành tập quán, người dân địa phương quanh năm chỉ gắn bó với cây lúa. Khi cây lúa không đem lại hiệu quả thì cả khu đồng cũng bị thờ ơ. Hộ thì để hoang, hộ cho người khác cấy được cân thóc nào hay cân đấy.
Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng anh Tới thường xuyên về thăm họ hàng ở quê Đồng Hội. Vốn làm kinh doanh nhưng anh có nhiều bạn bè là chủ trang trại trồng cây ăn quả ở Hưng Yên, Hòa Bình. Nhìn các bạn mỗi năm thu về hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mà đồng ruộng quê mình lại hoang hóa anh Tới không cam lòng. Nhiều lần về quê, anh Tới đã dần nung nấu ý tưởng sẽ đưa cây cam Canh và bưởi Diễn về trồng ở đồng Chua. Ý tưởng đó dần lớn lên theo thời gian và trở thành nỗi niềm đau đáu bên trong người con xa quê này. Khi biết ý tưởng của anh, mọi người trong nhà có người ủng hộ nhưng cũng có người phản đối. "Mẹ tôi bảo mày bị dở à? Đất đấy trồng lúa còn không lên được thì mày mua làm gì?", anh Tới vừa cười, vừa nói.
Không chùn bước, tháng 7.2015, anh Tới về quê nhờ họ hàng ở thôn đưa đến các hộ có ruộng ở đồng Chua để đặt vấn đề nhượng lại ruộng. Việc gom ruộng trồng cam diễn ra khá nhanh chóng. Sẵn trồng lúa không hiệu quả, lại nghe thấy anh Tới gom ruộng trồng cây ăn quả nên nhiều hộ ủng hộ. Cũng có một vài hộ không đồng ý nhượng ruộng. Anh Tới lại dò hỏi trong thôn, tìm những thửa ruộng có chất đất tốt hơn để đổi cho các hộ.
Bao nhiêu vốn liếng tích cóp, vay mượn bạn bè và ngân hàng, anh Tới đều đổ vào khu trang trại này hơn 4 tỷ đồng. Có ruộng nhưng phải mất gần nửa năm cải tạo thổ nhưỡng, anh Tới mới xuống cây được. Đất ở đây vốn chua nên anh Tới phải mua lượng lớn phân gà, vôi bột về để cải tạo. Do khu ruộng trũng nên cam ở đây được đắp ụ trồng nổi chứ không làm theo luống. Có đợt mưa lớn, gần 500 gốc cây bị úng chết, anh Tới lại trồng lại rồi dần rút kinh nghiệm để "chiều lòng" thời tiết. Từ một “trai phố”, sau thời gian ngắn làm trang trại nhìn anh Tới cũng lam lũ, tất bật như bao người nông dân khác. Tự mày mò học hỏi kỹ thuật và có sự giúp sức của bạn bè, đến nay, cả khu vườn gần 3.000 cây cam Canh, bưởi Diễn của gia đình anh Tới đã cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi cây cam cho thu hoạch khoảng 10 kg quả. Với giá 40.000 đồng/kg thì một sào 50 gốc cam, anh Tới thu về được 20triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Vào những lúc cao điểm chăm sóc, thu hoạch, trang trại còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Theo anh Tới thì cây cam trồng trên đất đồng chậm phát triển và năng suất thấp hơn so với trồng trên đất bãi nhưng quả ngon và đẹp hơn rất nhiều. Không muốn "vắt sức" cây từ những năm đầu nên anh Tới thu hoạch so le từng vụ một để cây phát triển.
"Cây cam cũng như con người chú ạ, nếu bắt làm việc nặng ngay từ nhỏ thì sẽ chậm phát triển và tuổi thọ cũng giảm đi. Giờ mà mình tham 10-15 kg quả mỗi cây thì nó sẽ không lớn lên được. Nếu kiên nhẫn chờ 1-2 năm thì mỗi cây trưởng thành sẽ cho 30-40 kg quả/vụ, như vậy thu hoạch sẽ thích hơn", anh Tới ví von.
Không chỉ vì bản thân
Khu ao nuôi cá trong trang trại. Ảnh: Minh Phương
Cuộc trò chuyện càng cởi mở hơn khi anh Tới đưa chúng tôi đến thăm những góc vườn cam trĩu quả, đỏ rực chờ tới ngày thu hoạch. Qua những lời chia sẻ của anh, chúng tôi dần hiểu rằng đằng sau quyết định rẽ ngang về quê lập nghiệp của anh Tới là cả một dự định lớn. Hiện nay, anh Tới vẫn phải vất vả chạy đi, chạy lại để vừa chăm lo cho trang trại, vừa quán xuyến công việc, gia đình ở Hà Nội. Anh cho biết nếu chỉ vì kinh tế thì anh có thể bằng lòng với việc làm chủ doanh nghiệp in ấn cho thu nhập khá. Quyết tâm chọn thử thách mới, mong muốn của anh Tới là được góp một phần nhỏ bé cho sự thay đổi của quê hương. "Nếu thuê đất ở những nơi khác thì tôi sẽ giảm được chi phí đầu tư và có thể chọn được những chỗ có chất đất đẹp hơn. Nhưng tôi về quê với mong muốn giúp bà con xây dựng được một cái nghề bền vững. Tôi muốn mình trở thành minh chứng để mọi người thấy được hoàn toàn có thể phát triển kinh tế ngay trên đồng đất quê mình. Nếu khu ruộng xấu như của tôi có thể trồng cam, trồng bưởi được thì những khu đồng khác cũng có thể làm thành công", anh Tới quả quyết.
Vừa tiếp chuyện chúng tôi, thỉnh thoảng anh Tới lại nghe điện thoại từ những người gọi đến hỏi mua cây giống. Được biết, thời gian gần đây, có khá nhiều người ở trong xã và những nơi trong vùng đến mua cây. Nhiều người trong nghề cũng đến tham khảo cách trồng cam của gia đình anh. Theo lời anh Tới, do tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên nếu mua thêm ruộng của người dân anh sẽ gặp không ít khó khăn. Và đó cũng không phải là mục tiêu khi anh về quê làm ăn. Anh muốn từ sự tiên phong của mình, người dân trong xã, trong huyện sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tìm ra hướng phát triển kinh tế mới. "Nếu người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cam, bưởi thì tôi lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thậm chí tôi có thể bao tiêu sản phẩm cho bà con", anh Tới chia sẻ.
Hiện nay, cùng với trồng cam, bưởi, anh Tới còn đào 2 ao nuôi cá cùng hàng chục con bò sinh sản để lấy phân hữu cơ và điều tiết nước cho trang trại. Tất cả nguồn thu ban đầu đều được anh tái đầu tư để mở rộng, phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch. Những khu nuôi trồng đều được quy hoạch, bố trí một cách khoa học, gọn gàng. Càng đến gần Tết Nguyên đán, người tới mua cam của gia đình anh càng đông. Cam thu hoạch đến đâu, thương lái đều thu mua hết đến đó. Nếu giá cam Canh giữ mức trên 40.000đồng/kg như hiện tại, anh Tới dự tính vụ này sẽ thu về 400-500 triệu đồng. Tất cả mới chỉ đang khởi đầu nhưng anh Tới chắc chắn rằng trồng cây ăn quả sẽ thu lãi gấp từ 10-15 lần cấy lúa.
Mới chỉ sau hơn 2 năm, khu đồng chua trũng, canh tác kém hiệu quả đã hoàn toàn “thay da, đổi thịt”. Mô hình trang trại của gia đình anh Tới như đang thổi một làn gió mới vào thói quen nuôi trồng của người dân địa phương. Nhiều lãnh đạo huyện, các xã lân cận cũng đã về thăm và đều đánh giá cao sự tiên phong, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế của anh Tới. Trong nhiều hội nghị tại địa phương, trang trại của anh luôn được lãnh đạo huyện Ninh Giang nhắc đến như một điển hình để người dân học hỏi và nhân rộng. Với sự đồng hành và định hướng của cơ quan chức năng, có lẽ những dự định, ý tưởng mà anh Tới đang ấp ủ sẽ sớm thành hiện thực.
HOÀNG HÀ