“Lo... như Tết”
Chính trị - Ngày đăng : 13:08, 12/02/2018
Quả thực, Tết là dịp sum họp gia đình, gắn kết tình thân, họ hàng, làng xóm. Tết xưa còn là dịp để người ta được “ăn ngon, mặc đẹp” hơn ngày thường. Đón Tết cũng là đón xuân, mong ước một sự khởi đầu tốt đẹp cho cả năm, vì thế người ta tạm gác bỏ những ưu tư, phiền muộn, mâu thuẫn sang một bên để Tết đến ai nấy đều vui vẻ. Tết bây giờ đủ đầy hơn, hiện đại hơn, nhưng cùng với “vui” thì “lo” cũng nhiều hơn.
Đầu tiên là nỗi lo không an toàn khi tham gia giao thông. Chỉ trong một buổi sáng ngày áp Tết (24 tháng chạp vừa qua), đã có ít nhất 3 vụ va chạm, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta được phản ánh trên báo chí. Đó là chưa kể các vụ khác không được thống kê. Nguyên nhân năm nào cũng thế, do Tết đến người đi lại xuôi ngược trên đường nhiều hơn, ai cũng vội vã, hối hả, lại lắm tiệc tùng, thành ra có cả người say cũng lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu nên dẫn đến tai nạn. Người xa quê trở về nhà còn có thêm nỗi lo bị nhồi nhét trên những chiếc xe chở quá số người quy định hay những chuyến bay bị trễ giờ dù các hãng vận chuyển đều tăng chuyến.
Tết đến cũng là dịp để tội phạm trộm cắp tranh thủ hoạt động khi nhiều cơ quan nghỉ làm, nhiều nhà đóng cửa về quê ăn Tết hay đi du lịch xa. Vì thế, người ta có thêm nỗi lo bị mất cắp tài sản. Chưa hết, còn lo xảy ra mất an toàn vì cháy nổ, chập điện hay đơn giản là vì hàng xóm đốt pháo, đốt vàng mã quá đà gây hỏa hoạn.
Tết còn là nỗi lo của nhiều cô dâu khi sống trong gia đình có quá nhiều hủ tục. Ví dụ, có nhà mỗi ngày Tết đều phải làm ít nhất 3 mâm cỗ để cúng sáng, cúng trưa, cúng tối, chưa kể cỗ bàn khi có khách đến chúc Tết. Chỉ riêng lo khoản ăn uống này thôi cũng đủ khiến nhiều phụ nữ cả ngày Tết quanh quẩn trong bếp, hết nấu nướng lại rửa bát, chẳng còn thời gian cho bản thân. Cùng với đó là nỗi lo tăng cân, thừa chất, men gan tăng, huyết áp tăng do tiệc tùng ăn uống quá đà hoặc tệ hơn là bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp hay ăn phải đồ ăn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tết, còn bao nhiêu nỗi lo khác chưa gọi thành tên? Nhiều lắm! Có người lo thế hệ trẻ “nhạt Tết” rồi nhạt luôn với cả truyền thống của ông cha. Cũng có người lại lo ý kiến đề xuất gộp Tết “Tây” với Tết ta vào làm một thì đâu còn ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc.
Nhưng lo là một chuyện. Dẫu có lo lắng thế nào thì ngày Tết vẫn nên là những ngày vui. Vì thế, mỗi người đều phải kiềm chế bản thân, chớ lấy Tết làm lý do để “buông thả”, tự cho phép mình vi phạm pháp luật, không quan tâm tới sức khỏe. Để Tết thực sự có ý nghĩa cũng cần loại bỏ các hủ tục, nhân lên những nét đẹp văn hóa truyền thống cùng nếp sống văn minh của thời hiện đại.
NGUYÊN ANH