Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương: Một năm vượt khó

Công nghiệp - Ngày đăng : 21:00, 13/02/2018

Năm 2017, bằng sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương vẫn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra.


Đồng chí Trần Văn Cường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017

Điện lực Hải Dương đang quản lý 11 trạm biến áp (TBA) 110kV với tổng dung lượng trên 1.000 MVA (chưa kể 5 trạm của khách hàng); hơn 2.000 km đường dây 35kV, 22kV và trên 2.295 TBA phân phối tải. Ngành điện đã tiếp nhận lưới điện của 191 xã, với gần 5.000 km đường dây hạ áp, 526.220 công tơ 1 pha và gần 27.000 công tơ 3 pha để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Tất cả các xã trong tỉnh đều đã đạt tiêu chí điện nông thôn mới.

Đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2017, ngành điện gặp nhiều khó khăn. Trước hết đó là do một số luật thay đổi, bổ sung và hoàn thiện, trong đó có một số luật và quy định mới liên quan đến công tác xây dựng cơ bản. Việc triển khai dự án theo quy hoạch chưa đồng bộ với nhu cầu phụ tải. Tại nhiều khu vực phụ tải phát triển đột biến chưa phù hợp với thời gian trong quy hoạch nên nhiều dự án phải thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch. Quy hoạch cơ sở hạ tầng thời gian qua có nhiều thay đổi, nhiều nơi còn chưa được phê duyệt quy hoạch, do vậy khi triển khai dự án bị ảnh hưởng tiến độ. Thủ tục phê duyệt phương án bồi thường mất nhiều thời gian, thu hồi đất phức tạp, chi phí cho hoạt động của hội đồng đền bù thấp, các cấp có thẩm quyền của địa phương khi xây dựng đơn giá bồi thường chưa sát với giá thực tế thị trường. Năm qua, một số khách hàng, đơn vị lớn như các Công ty Xi măng Phúc Sơn, CP Luyện kim Tân Nguyên, CP Tân Hà Kiều… đều giảm sản lượng so với năm 2016. Khách hàng 110kV Công ty TNHH Gạch Nice Cenamic đăng ký đưa vào sản xuất từ quý II.2017 với công suất 40MW, nhưng chưa hoạt động. Vốn đầu tư của công ty còn hạn chế nên lưới điện chưa được cải tạo đồng loạt dẫn đến chất lượng điện có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Trước những khó khăn trên, công ty đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phù hợp với từng nhiệm vụ. Đối với lưới điện 110kV, công ty tích cực tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ để chủ động trong quản lý, vận hành thiết bị. Tăng cường kiểm tra thiết bị, nhất là kiểm tra nhiệt độ các điểm nối đường dây 110kV, điểm nối thiết bị nhất thứ các trạm 110kV bằng máy đo nhiệt độ, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết. Lập kế hoạch chi tiết và vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các thiết bị kết hợp với thí nghiệm định kỳ các TBA 110kV. Nhờ đó cả năm chỉ xảy ra 10 sự cố, trong đó có 9 sự cố do sét đánh.

Cùng với hệ thống đường dây 110kV, các đường dây khác cũng được công ty chú trọng bảo dưỡng. Công ty đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị từ khâu lập duyệt phương án, dự toán, tổ chức thi công, giám sát đến khâu nghiệm thu, quyết toán được thực hiện chặt chẽ, sử dụng triệt để nguồn vốn được Tổng công ty giao để sửa chữa lưới điện, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định và tin cậy, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Năm 2017, công ty thực hiện 92 hạng mục sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, công ty đã chủ động đầu tư xây dựng nhiều công trình, góp phần nâng cao chất lượng điện cho khách hàng, như nâng công suất máy biến áp cho các trạm 110kV Nghĩa An, Lai Khê, Chí Linh; hoàn thiện sơ đồ trạm 110kV Phúc Điền; hoàn thành việc lắp đặt tụ bù trung hạ thế với tổng dung lượng 5.040 kV, đóng điện 15/16 bộ recloser và 7 dự án lưới điện trung thế; đưa 140 TBA chống quá tải vào hoạt động.


Trong năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương tiếp tục tăng cường đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện

Không chỉ tập trung xây dựng, hoàn thiện lưới điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện còn tích cực áp dụng công nghệ mới, nâng cao tính thẩm mỹ cho hệ thống lưới điện. Đến nay, đơn vị đã lắp đặt đo xa qua mạng 3G/GPRS cho gần 4.500 TBA tổng, phát hành được 118.968 thẻ khách hàng và 33.923 khách hàng chọn dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng trong tổng số 541.905 khách hàng sử dụng điện. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành điện phối hợp với một số đơn vị viễn thông, truyền hình cáp tổ chức gông cáp viễn thông, dây điện trên địa bàn được gần 30 km. Công ty cũng nỗ lực thực hiện các biện pháp để giảm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đơn vị chú trọng các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, tập huấn kiến thức an toàn cho công nhân nên trong năm không để xảy ra tai nạn lao động.

Năm 2018, Điện lực Hải Dương sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nhu cầu phụ tải gia tăng, chất lượng điện và dịch vụ khách hàng yêu cầu ngày càng nâng cao theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu vốn đầu tư lưới điện rất lớn, nhất là lưới điện 110kV tạo mạch vòng các TBA 110kV, lưới điện trung, hạ thế, chống quá tải. Năm nay, công ty tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại lao động gián tiếp theo Quyết định 220/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đơn vị xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp đột phá, nhưng không ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo đảm sản xuất, kinh doanh cung ứng điện.

Năm 2018, Điện lực Hải Dương phấn đấu điện thương phẩm đạt 4 tỷ 960 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất điện 3,97%, giá bán điện bình quân 1.604,6 đồng/kWh, chỉ số tiếp cận điện năng giảm còn dưới 7 ngày làm việc... Để đạt mục tiêu trên, công ty chú trọng kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức, nhân sự phù hợp với mô hình tổ chức hoạt động; sắp xếp, bố trí lại nguồn lao động hợp lý, hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đánh giá và triển khai đánh giá kết quả hoàn thành công việc của cán bộ, công nhân viên. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng chuyển tiếp và các công trình đầu tư xây dựng năm 2018 đã được phê duyệt để kịp thời đưa vào vận hành nhằm chống quá tải, giảm bán kính cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Luân chuyển nội bộ các máy biến áp phân phối non tải, quá tải. Thường xuyên đo dòng, cân pha, không để vận hành lệch pha máy biến áp phân phối quá mức cho phép. Thường xuyên kiểm tra chất lượng điện áp tại các thanh cái 22kV, 35kV nhằm kiểm soát tốt hơn việc duy trì điện áp vận hành các TBA 110 kV. Hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa công nghệ GPRS/3G cho toàn bộ các công tơ  tổng  các TBA công cộng, TBA chuyên dùng, TBA phân phối bán tổng cho các tổ chức bán điện ngoài ngành điện; vận hành và khai thác tốt các tiện ích để thu thập chỉ số công tơ nhanh, cùng thời điểm, nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục thay công tơ cơ khí (kết hợp với thay định kỳ) bằng công tơ điện tử có RF tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và các khu vực nông thôn, ghi chỉ số công tơ bằng máy tính bảng; chấm xóa nợ bằng máy tính xách tay, máy in nhiệt; sử dụng hóa đơn điện tử; thu tiền qua các tổ chức ngân hàng, qua thẻ. Áp dụng giải pháp công nghệ mới như sử dụng thiết bị rửa cách điện áp lực cao. Thực hiện tốt chương trình tính toán tổn thất kỹ thuật bằng phần mềm PSS/ADEPT, khai thác các chức năng để tính toán vận hành tối ưu lưới điện. Sử dụng triệt để các phần mềm quản lý kỹ thuật hệ thống lưới điện PMIS, quản lý lưới điện trên bản đồ địa lý GPS, OMS...    

PV

Năm 2017, sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt trên 4 tỷ 705 triệu kWh, tăng 2,66% so với năm 2016, vượt kế hoạch. Tỷ lệ tổn thất điện năng 3,97%, giảm 0,1% so với kế hoạch và giảm 0,24% so với năm 2016, về đích trước 2 năm theo chỉ tiêu đề án sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016-2020.