Âm thanh từ những tượng đài
Tin tức - Ngày đăng : 11:00, 18/02/2018
Cựu chiến binh cùng thân nhân viếng phần mộ các liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác. Ảnh:Xuân Hiếu/Vnexpress
Những ngày trước lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng xuân Mậu Thân (1968-2018), tôi thường đến viếng thăm những tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ vào những chiều muộn, khi mặt trời chuyển dần sang màu đỏ như máu từ phía chân trời xa xăm. Những tượng đài, nghĩa trang như những sinh thể có hồn, giấu trong mình nhiều nỗi thương đau, bí ẩn của chiến tranh. Từ những tượng đài uy nghi trầm mặc, tôi mường tượng về những trận chiến đấu, về chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968”, một chiến dịch khi nhắc đến là niềm tự hào xen lẫn những nỗi thương đau trào dâng.
Trên những tượng đài, những hàng mộ, tôi như thấy từng thớ thịt, mảnh xương, từng giọt máu tươi đang loang chảy. Không phải biểu tượng mà xương cốt, thịt da, máu và nước mắt thật sự của các anh hùng liệt sĩ đơn vị tiểu đoàn 12, tiểu đoàn 85, đại đội 202, đại đội Quyết Thắng… Nhiều địa danh ở Phú Yên ngày đó như: Chóp Chài, Ninh Tịnh, xóm Đạo (khu 18 gian)… tuy không lớn nhưng trong chiến tranh trở thành khúc bi tráng sâu thẳm của nhiều thế hệ người dân Phú Yên.
Một chiều cuối tháng 8.2017, trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, tôi tình cờ gặp người phụ nữ đang cắm cúi thắp hương, khấn vái… Đó là bà Ngô Thị Sương, một cựu quân nhân của Đại đội 377, huyện Tuy Hòa 1. Bà tham gia chiến trường năm 1972, lúc mới mười bảy tuổi. Bây giờ đã nghỉ hưu, cuộc đời của bà Sương gắn với nhiều đau thương, mất mát từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đến thăm nhà, bà kể tôi nghe: Bà nội chồng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cảnh. Mẹ có ba con trai, một con dâu và ba cháu nội là liệt sĩ. Mẹ chồng là Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Điền, bản thân Mẹ, chồng và con trai là liệt sĩ. Mẹ Trần Thị Điền tham gia hoạt động cách mạng những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1962, bị địch phát hiện khi về bắt liên lạc với cơ sở, mẹ đang tìm cách chạy thoát khỏi vòng vây thì bị chúng bắn chết, kẻ thù đang tâm cắt đôi vú và một bên tai của mẹ hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta… Bà Sương bỗng dừng câu chuyện, nước mắt trào chảy. Bà đã cố sức kiềm chế lòng mình kể tiếp danh sách những linh hồn liệt sĩ được thờ trên bàn thờ này. Tôi lắng nghe mà cứ như kẻ lâm vào trận chiến không có đường ra. Trong số gần hai mươi liệt sĩ thì có 5 liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Có liệt sĩ không thể lấy xác về, có thể đã được cất bốc chung vào mộ tập thể, mộ chưa biết tên hoặc còn nằm lại ở đâu đó… Nói đến đây, khuôn mặt bà Sương tràn đầy nước mắt, bà khóc to lên thành tiếng... bà quệt tay trên khuôn mặt đầm đìa, lòng tôi quặn thắt, muốn nói lời động viên bà nhưng chẳng biết mở lời ra sao. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, mong manh trước sự hi sinh to lớn của đại gia đình này. Bình tâm lại, bà Sương tiếp tục câu chuyện, theo bà những liệt sĩ hi sinh được đưa về yên nghỉ, thờ cúng vẫn còn chút may mắn. Trong chiến tranh còn nhiều, nhiều lắm những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta ngã xuống không thể lấy được xác về, không thể định danh, giờ cũng không biết còn ở đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, trên cánh rừng, dưới lòng sông, bờ suối... Câu chuyện bà Sương kể, hình ảnh của những con người, những trận đánh đã đã để lại trong tôi biết bao điều linh thiêng vọng tưởng.
Phú Yên có đến 21 nghĩa trang lớn nhỏ, nghĩa trang nào cũng mang nặng những niềm đau, những nét suy tư về một thời chiến tranh khốc liệt. Tôi đến thôn Ninh Tịnh, nơi có hai ngôi mộ liệt sĩ, một ngôi mộ như tượng đài không ghi tên tuổi, một ngôi mộ có danh sách 29 cán bộ, chiến sĩ hi sinh đêm 4.3.1968. Từ xuân Mậu Thân, cái tên Ninh Tịnh như một mũi tên găm vào lịch sử chiến tranh của quân và dân Phú Yên. Đứng trước mộ nhìn hàng danh sách trên bia đá mà đau nhói trái tim mình.
Tạm biệt nơi này, tôi đến với cụm đài chiến thắng sân bay Khu chiến Chóp Chài – Xóm Đạo, đường Trương Định, phường 8, TP Tuy Hòa. Nơi đây ghi dấu ấn trận chiến đấu vô cùng oanh liệt của Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ngô Quyền). Trận chiến diễn ra vào ngày 30.1.1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân). Cuộc giằng co không cân sức giữa ta và địch diễn ra hơn 15 giờ đồng hồ, nhiều cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 12 đã hi sinh. Trong âm thanh của công trường đang thi công, hình dáng tượng đài, nhà lưu niệm, công viên… đang dần được hoàn thiện, sống mũi tôi cay xè, nước mắt ràn rụa; mảnh đất hoang vu gần 50 năm sau ngày các anh ngã xuống giờ đã được tôn vinh. Tôi lần theo lối mòn xuống miếu thờ các anh phía cuối chân đồi. Cây cối ở đây thật xum xuê, có phải máu thịt, linh hồn của các anh sau bao nhiêu năm phong hóa đã vươn lên sống động với đời.
Tôi lắng nghe trong sâu thẳm gió chiều không chỉ có tiếng xào xạc của lá, trong lòng đất không chỉ có tiếng của giun dế mà đâu đó còn tiếng rì rầm của những con người, những linh hồn. Tiếng rì rầm trong lòng đất như đang bàn luận về trận tiến công, những tiếng xung phong vang rền, tiếng đàn hát, tiếng thủ thỉ về một tương lai rạng ngời của đất nước, quê hương. Ở dưới đó, trong lòng đất mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như thường lệ, cái Tết Nguyên đán của xuân Mậu Thân vẫn còn ít bánh kẹo mứt chưa ăn…
Một chiều muộn, bạn cứ đến đó đi, không phải ảo giác hay tưởng tượng đâu. Trong không gian thật vắng lặng, tâm hồn thật tĩnh, trang nghiêm, bạn sẽ nhận ra những tiếng vọng về như thế. Những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, thân xác của họ có thể hòa tan, thấm sâu trong lòng đất nhưng linh hồn và tình cảm thì mãi mãi trường tồn; họ không chỉ về trong nghĩa trang, trên những tượng đài, bàn thờ… mà họ có thể ở bất cứ đâu nơi xa xăm, ở quanh chúng ta, đang từng ngày, từng giờ cảm ơn lòng tri ân, tri kỷ của những người đang sống. Âm thanh từ những nghĩa trang, tượng đài chiến thắng, trong lòng đất là có thật, đó là âm thanh của các linh hồn liệt sĩ đang vọng về. Hãy đốt nén nhang, thành tâm cầu nguyện cho vong linh của họ được tịnh yên, siêu thoát.
NGUYỄN BÁ THUYẾT