Gốm Chu Đậu vươn xa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 19/02/2018

Chu Đậu thuộc dòng gốm mỹ nghệ cao cấp, được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIII-XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI.


Nghệ nhân Hạ Bá Định hướng dẫn thợ gốm Chu Đậu làm sản phẩm xuất khẩu sang Nga

Nhưng một thời gian dài gốm Chu Đậu bị thất truyền, rơi vào quên lãng. Sau hàng trăm năm ngủ quên, nay gốm Chu Đậu lại hồi sinh và đang từng bước vươn xa.

Hồi sinh

Dẫn tôi đi thăm xưởng gốm Chu Đậu, họa sĩ, nghệ nhân Hạ Bá Định, người góp công phục hồi nghề gốm Chu Đậu chậm rãi đọc 2câu thơ: "Có gốm Chu Đậu trong nhà/Như là có cả ông bà tổ tiên”. Ông bảo trước khi được các nhà sử học khai quật, tìm thấy dấu vết của nghề gốm cổ ngay trên mảnh đất xã Thái Tân (Nam Sách) thì trong ký ức của cư dân nơi đây không hề biết làng mình đã có gần 2 thế kỷ làm nghề gốm.

Chuyện hồi sinh của làng gốm Chu Đậu bắt đầu vào năm 1980, nhờ bức thư của ông Makato Anabuki - nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Bức thư kể rằng trong chuyến công tác đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makato Anabuki có dịp vào thăm Bảo tàng Topkapi Saray ở Thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54 cm. Bình gốm là báu vật của bảo tàng được mua bảo hiểm với giá 1 triệu USD. Trên bình có ghi 13 chữ Hán "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút", nghĩa là năm Thái Hòa thứ 8 (1450), thợ gốm Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách vẽ. Ông Anabuki đã nhờ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng thời điểm đó xác định vào thời vua Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Bà (hay cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào? Học kỹ thuật vẽ gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm đặt ở đâu?

Từ những thông tin trên, các cơ quan chức năng và các nhà sử học của Hải Dương đã vào cuộc tìm tòi, sưu tầm những dấu vết của làng gốm cổ xưa. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro Hà Nội) đã về xã Thái Tân lập xưởng sản xuất gốm với mong muốn hồi sinh dòng gốm cổ đã thất truyền hàng trăm năm. Công ty đã mở các lớp đào tạo, mời nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu kỹ nghệ để khôi phục lại dòng gốm này. Nhờ đó, gốm Chu Đậu đã được phục sinh.   

Nghề gốm xứ Đông còn được biết đến với gốm Cậy (Bình Giang), gốm Quao (Nam Sách). Nhưng do biến thiên của thời gian, những dòng gốm ấy dần mai một, chỉ còn gốm Chu Đậu vẫn tiếp tục được hồi sinh. Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu ví von: “Gốm Chu Đậu như một nàng công chúa ngủ quên được đánh thức. Đến nay, hàng chục mẫu gốm cổ đang được công ty phục dựng. Nhiều mẫu hoa văn, họa tiết vốn có niên đại hàng trăm năm đang được các nghệ nhân ở đây tái tạo lại sinh động”.

Ông Thức bảo đỉnh cao của gốm Chu Đậu phải đáp ứng được 5 tiêu chí: trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như giấy, sáng như gương và kêu như chuông. Những thợ gốm tài hoa của công ty cũng đã học và làm được những sản phẩm đáp ứng được 5tiêu chí ấy. Song ông Thức vẫn băn khoăn: “Vì nhiều kinh nghiệm đã thất truyền nên đến nay chúng tôi vẫn chưa học được cách làm men Tam Thái, đó là loại men 3 màu đặc sắc đã tìm thấy ở gốm Chu Đậu xưa. Nếu làm được điều này, dòng gốm Chu Đậu nức tiếng một thời sẽ được hồi sinh hoàn toàn”.

Hành trình "mang tầm quốc tế"

Các cụ xưa có câu “Người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất”. Hiện nay, Công ty CP Gốm Chu Đậu đang thực hiện ước vọng đưa dòng gốm mang tinh hoa của đất Việt đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Danh Thăng, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính công ty cho biết: Gốm Chu Đậu hiện đã được xuất khẩu chính ngạch đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở những thị trường Nga, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, gốm Chu Đậu đã trở thành vật trang trí quý giá trong mỗi gia đình. Kỹ thuật làm gốm Chu Đậu cũng đã được đem đi trình diễn ở nhiều nơi. Chị Trần Thị Ngàn, một trong số ít nghệ nhân được sang Hàn Quốc biểu diễn nghệ thuật làm gốm Chu Đậu kể: “Gốm không phải là sản phẩm xa lạ với người Hàn Quốc, nhưng khi được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra những chiếc bình tỳ bà, hoa lam, giọt ngọc… thì họ không khỏi ngạc nhiên. Họ rất thích thú với men gốm Chu Đậu và những hoa văn, họa tiết dân dã mà đầy sức hút. Tôi còn nhớ một vị khách Hàn Quốc say mê ngắm một chiếc bình tỳ bà và quyết định đặt mua tới 10 cái". Chị Ngàn cho biết khách Hàn Quốc thích bình gốm Chu Đậu vì độ tinh xảo và cầu kỳ trong từng nét vẽ. Đặc biệt, họ bảo rằng những chiếc bình này có hình dáng gần giống với những chiếc bình gốm cổ đang được trưng bày trong một bảo tàng tại TP Mokpo, tỉnh  Jeolla Nam. Sau chuyến đi này, nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Gốm Chu Đậu đã hồi sinh nhưng làm sao để đem được sản phẩm đến với nhiều quốc gia trên thế giới hơn nữa luôn là khát vọng của Giám đốc Nguyễn Hữu Thức cũng như nhiều người tâm huyết với nghề gốm nơi đây. Ông Thức bảo: “Các cụ xưa đã làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu mang tầm quốc tế. Do đó, công ty có trách nhiệm sau khi khôi phục được nghề gốm phải làm cho thương hiệu gốm Chu Đậu mang tầm quốc tế. Tầm vóc mà dòng gốm này đã từng đạt được ở thế kỷ XV-XVI”.

Theo ông Thức, thị trường xuất khẩu gốm Chu Đậu còn nhỏ hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng. Để mở rộng thị trường, doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược mới trong tiếp cận thị trường, tạo sự khác biệt giữa gốm Chu Đậu với nhiều dòng gốm trong nước và quốc tế. Hiện nay, những sản phẩm phục chế từ các mẫu gốm cổ được thị trường thế giới ưa chuộng. Ngoài ra, sản phẩm gốm vẽ vàng được nung qua hai lần lửa đang từng bước chinh phục khách hàng nước ngoài. Năm 2016, công ty đã thành lập Hội đồng Phát triển gốm Chu Đậu với 16 thành viên. Hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thương hiệu, marketing, du lịch… sẽ giúp gốm Chu Đậu phát triển hơn nữa.  

Trong không gian ngập tràn hơi thở của gốm, những người thợ, những nghệ sĩ tài hoa của Công ty CP Gốm Chu Đậu vẫn miệt mài tạo tác những sản phẩm mang tinh hoa văn hóa Việt. Công ty đặc biệt quan tâm việc đào tạo, truyền nghề, khai thác kỹ thuật làm gốm tinh xảo của cha ông xưa. Vì vậy, mặc dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn được công ty mời về để truyền nghề cho những lao động mới. Ông Định cho rằng gốm đẹp ngoài nguyên liệu còn phải do bàn tay con người. Theo ông, để gốm Chu Đậu xuất khẩu tốt hơn phải đặc biệt quan tâm đến đào tạo người lao động. “Không được để mất những gì là tinh hoa, là nguồn cội”, ông Định nói.  

HẢI MINH