Hân hoan trẩy hội, du xuân
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 10:18, 21/02/2018
Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng bố trí 4 gian trưng bày thư pháp tại Văn miếu Mao Điền để người dân đến xin chữ đầu xuân mới
Tấp nập trong trật tự
Như đã thành thông lệ, các di tích lịch sử văn hóa là những địa chỉ mà đa phần người dân tìm đến đầu tiên trong những ngày đầu xuân để cầu may mắn, hạnh phúc, bình an… Hòa vào dòng người tới Côn Sơn - Kiếp Bạc, anh Nguyễn Thành Long quê ở Thừa Thiên - Huế cho biết năm nay anh cùng gia đình ra quê vợ Hải Dương ăn Tết. “Lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc tôi đã cảm nhận được sự cổ kính, linh thiêng. Ngày đầu xuân tới đây dâng hương cầu mọi điều tốt đẹp cho một năm mới thật không gì bằng”, anh Long chia sẻ.
Trong 5 ngày từ 16 - 20.2 (tức mùng 1 - 5 Tết), bình quân mỗi ngày khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón 7.000 - 8.000 lượt du khách. Ngoài người dân trong tỉnh, rất nhiều đoàn khách ở các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình… về đây đi lễ đầu xuân. Năm nay, chùa Côn Sơn trùng tu, tôn tạo một số hạng mục, khuôn viên sạch đẹp, phong quang hơn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết mặc dù lượng du khách đông nhưng các hoạt động lễ bái tại đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn đều diễn ra trong trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm. Người dân về đây du xuân, chiêm bái cũng có ý thức hơn, không còn tình trạng ăn mặc phản cảm khi vào chốn linh thiêng...
Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (Chí Linh), khu di tích Đền Cao An Phụ (Kinh Môn) mỗi ngày cũng đón hàng nghìn lượt du khách tới tham quan, làm lễ dâng hương, xin chữ. Đền thờ Chu Văn An phong quang, sạch đẹp hơn hẳn do bãi đỗ xe và khu vực hàng quán gần cổng đền đã được di chuyển ra phía ngoài. Khu vực viết sớ, xin chữ được chuyển từ đền xuống điện Lưu Quang. Đường sá được đổ bê tông, trải nhựa át-xphan sạch sẽ… Tại 2 di tích trên không có người ăn xin, bói toán. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ vận tải hoạt động nền nếp, có sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường bảo đảm...
Đến ngày 5 Tết, 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã đón khoảng 26.000 lượt người dân địa phương và du khách thập phương, tăng gần gấp đôi so với dịp Tết năm ngoái. UBND huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích huyện bố trí bãi trông giữ xe rộng hơn 6.000 m2; sắp xếp nơi dâng hương, dãy bàn ghi công đức thuận tiện cho du khách. Ban Quản lý di tích còn tổ chức một gian trưng bày chuyên đề giới thiệu về giá trị cụm di tích thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; 4 gian trưng bày thư pháp để người dân đến xin chữ đầu năm mới. Đưa gia đình về Văn miếu Mao Điền du xuân, anh Nguyễn Quốc Hoàng ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết: “Tết năm nào tôi cũng đưa cả nhà về đây để giáo dục các con về truyền thống hiếu học, đồng thời cầu mong may mắn, bình an sẽ đến với gia đình trong năm mới”.
Ở đền Tranh (Ninh Giang) bình quân mỗi ngày có 4.000 - 5.000 lượt khách đến dâng hương. Chính quyền xã Đồng Tâm đã tăng cường 8 công an viên phối hợp với lực lượng bảo vệ của di tích thay nhau trực 24/24 giờ để hướng dẫn du khách, phòng chống cháy nổ, chống trộm cắp, móc túi... Công an huyện tăng cường lực lượng hướng dẫn và phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự ngay từ vòng ngoài.
Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò (Thanh Miện), trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, bình quân mỗi ngày có 2.000 - 3.000 lượt khách tới đây, tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường. Ban Quản lý khu du lịch đã tăng 30 nhân viên phục vụ hướng dẫn du khách tham quan, trông giữ xe; duy trì 23 chiếc thuyền các loại. Xã Chi Lăng Nam cũng tăng cường lực lượng giữ an ninh trật tự tại khu vực này.
Sống động trò chơi dân gian
Đến các khu di tích mùa xuân năm nay, ngoài dâng hương, chiêm bái, du khách còn được tham gia vào ngày hội đón xuân vui vẻ, bởi nhiều nơi quan tâm khôi phục các trò chơi dân gian. Tại đền Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang), Ban Quản lý đền tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, đánh đu cướp cờ, ném vòng cổ chai. Lễ hội chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá (Thanh Hà) diễn ra trong 3 ngày từ 19 - 21.2 (4-6 Tết) thu hút hàng nghìn lượt du khách thập thương và con em quê hương. Lễ hội có sức hấp dẫn do vẫn giữ được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như thi bơi chải, nấu cơm, bắt vịt trên sông... Nét mới trong lễ hội năm nay là các dâu rể của địa phương về dự lễ hội cũng được tham gia các trò chơi chứ không chỉ người dân địa phương.
Làng Lâm Xuyên, xã Phú Điền (Nam Sách) tổ chức các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian trong những ngày đầu xuân mới như đi cầu thùm cạn, chọi gà, đấu vật, cờ tướng, kéo co, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng bàn. Trong những hoạt động này, đấu vật là linh hồn của cả chương trình vui Tết, đón xuân vì người dân ở đây quan niệm đấu vật để cầu may mắn, sức khỏe, làm ăn thuận lợi. Điều đặc biệt của thi đấu vật ở Lâm Xuyên là không chỉ nam giới mà cả phụ nữ cũng tham dự. Nhiều năm nay, ngoài những trò chơi dân gian, làng tổ chức thi đấu thêm nhiều môn thể thao để tạo sân chơi phong phú cho người dân và làm cho không khí ngày Tết thêm sôi động.
Năm nay, các phường rối nước xã Thanh Hải (Thanh Hà), Hồng Phong (Ninh Giang) và Lê Lợi (Gia Lộc) đều tổ chức biểu diễn phục vụ du khách và nhân dân địa phương trong dịp đầu xuân. Phường rối nước Lê Lợi được lựa chọn để biểu diễn tại TP Hải Dương. Ông Đinh Văn Phai, Trưởng phường rối nước Lê Lợi cho biết: “Tết này, chúng tôi chuẩn bị 21tiết trò đặc sắc như giao duyên quan họ, chọi trâu, tiên mời trầu, mở hội đình làng, rồng phun nước, tễu chui ống... để phục vụ người dân. Ngoài biểu diễn trong tỉnh, chúng tôi còn nhận thêm lịch biểu diễn ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Thái Bình… Công việc vất vả nhưng ai cũng vui”.
Những ngày tới, nhiều lễ hội, đặc biệt là Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ diễn ra, hứa hẹn nhiều hoạt động vui tươi, sôi nổi cuốn hút du khách và nhân dân khắp nơi.
PV