Cán bộ là công bộc của dân

Chính trị - Ngày đăng : 19:15, 05/03/2018

Ở địa phương, quan hệ giữa chính quyền cơ sở và người dân, doanh nghiệp diễn ra hằng ngày.

Người dân, doanh nghiệp làm hồ sơ, khai sơ yếu lý lịch đều phải qua sự xác nhận của chính quyền. Chính quyền chỉ cần xác nhận chữ ký của người dân hoặc doanh nghiệp là đủ. Nhưng ở một số địa phương, người đứng đầu chính quyền lại đưa cả nhận xét của mình về việc chấp hành pháp luật, chủ trương của đương sự, nhằm ép người xin chữ ký và con dấu phải thay đổi ứng xử. Đã có nhiều người phải chấp hành để "được việc". Thậm chí, có cả hiện tượng "xin-cho" bằng nhiều hình thức. Không ít cá nhân và doanh nghiệp gặp khó, khi thời hạn nộp hồ sơ đã đến mà văn bản của mình vẫn bị "ngâm cứu" trên mặt bàn vị đứng đầu chính quyền.

Năm 2017, ở tỉnh ta đã xảy ra chuyện "thật như đùa" đó. Tại xã An Bình (Nam Sách), chị Nguyễn Thị Quyên mang bản khai lý lịch của mình lên xã xin chứng thực. Khi ấy, gia đình chị chưa đóng tiền làm đường giao thông. Thế là ông Trương Phúc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã phê ngay vào lý lịch "bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương". Đây là một nhận xét nằm ngoài quy định của Bộ Tư pháp. Rất may là vụ việc sau đó đã được phản ánh lên cấp trên và công khai trên báo chí. Kết quả là bản khai lý lịch đã được xác nhận, dù tiền làm đường thì vẫn chậm nộp, nhưng sau rồi cũng đóng góp đầy đủ như mọi gia đình khác. Mừng hơn nữa là vụ việc không bị giấu kín "rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ". Hội đồng kỷ luật huyện Nam Sách đã có hình thức khiển trách ông Phó Chủ tịch xã An Bình, một việc làm công khai, minh bạch, được dư luận hoan nghênh.

Ngày 8.2.2018 vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm mới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo, đã nêu rõ 9 nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính. Theo đó, phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính ngay cả việc liên quan đến lý lịch, tư pháp, hộ tịch của công dân. Phải thực hiện đúng Công văn 1520/HTQTCT-CT ngày 20.3.2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp): "UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch" và "đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân". Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh là phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, các bộ, ngành, địa phương... Điều đó sẽ làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

Năm mới đã tới. Mùa xuân là mùa khởi nghiệp. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang cần tuyển lao động. Nhiều người dân đang đi tìm công việc làm ăn. Hy vọng rằng các địa phương sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền. Chúng ta phải làm cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân". Điều đó quả thật không dễ, nhưng phải quyết tâm thực hiện bằng được.

NGUYỄN HỮU