Phụ nữ Tứ Kỳ chung tay xóa ruộng hoang
Kinh tế - Ngày đăng : 10:08, 09/03/2018
Vụ chiêm xuân năm 2017, Hội Phụ nữ xã Minh Đức đã xóa được 34 ha ruộng hoang
Hội Phụ nữ (HPN) xã đã có nhiều mô hình làm nông nghiệp hiệu quả trên chính cánh đồng từng bị bỏ hoang. Điển hình là chị Vũ Thị Hằng (sinh năm 1979), hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Vũ Xá. Năm2013, chị viết đơn xin đấu thầu và đổi ruộng tốt cho mọi người lấy 13 mẫu ruộng bỏ hoang để cải tạo và canh tác. Từ vùng cỏ mọc um tùm, chị Hằng đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để diệt cỏ, đắp bờ vùng, bờ thửa... Để sản xuất với quy mô lớn cần phải áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí, giảm sức lao động. Vì thế, nhà chị Hằng đã mua máy làm đất, máy cày công suất lớn. Chị chia cánh đồng ra từng thửa khác nhau để thuận tiện cho canh tác, mỗi thửa từ 3 - 4 mẫu. Diện tích này chị Hằng chủ yếu cấy giống lúa nếp. Đến nay, mỗi vụ gia đình chị Hằng thu về từ 50-60 triệu đồng.
Trước khi bước vào vụ chiêm xuân năm 2017, xã Minh Đức có trên 50 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, riêng thôn Cự Lộc tới 20,4 ha. Để khắc phục tình trạng này, HPN xã tích cực vận động hội viên. 25 hội viên phụ nữ thôn Cự Lộc đã đứng ra nhận hơn 7ha ruộng bỏ hoang để cấy lúa. HPN phối hợp xây dựng mô hình "HTX nhỏ" gồm 9 thành viên. "Mô hình đã hỗ trợ giống, vốn... cho các hội viên trong xã tham gia sản xuất trên diện tích ruộng bỏ hoang. Nhờ đó, vụ chiêm xuân năm 2017, HPN xã đã xóa được 34 ha ruộng hoang", bà Mai Thị Định, Chủ tịch HPN xã cho biết.
Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Tràng, xã Quang Phục lại huy động chị em cấy lúa trên diện tích ruộng bỏ hoang để gây quỹ hội. Trên 50 hội viên đã tự bỏ công làm đất, gieo cấy, chăm sóc... Số tiền thu hoạch được đưa vào quỹ của chi hội.
Từ năm 2013, HPN huyện Tứ Kỳ bắt đầu thành lập mô hình "cấy lúa ruộng hoang". Theo thống kê, năm 2017 huyện Tứ Kỳ có 117 ha ruộng bị bỏ hoang do diện tích quá trũng, bị chua, phèn... Vụ chiêm xuân năm2017, hội viên phụ nữ 9xã, thị trấn đã khắc phục được 95,66 ha diện tích ruộng bỏ hoang. Trong đó, xã Minh Đức33,9ha, Quang Khải20,63ha, thị trấn Tứ Kỳ19,8 ha, Cộng Lạc8,82ha, Tân Kỳ 5,4 ha, Phượng Kỳ3,02ha, Hưng Đạo2ha, Tây Kỳ 1,26 ha, An Thanh0,83ha. Vụ mùa năm2017, có 12HPN các xã, thị trấn đã xóa được 69ha ruộng hoang. Điển hình là xã Quang Khải 21,17ha, thị trấn Tứ Kỳ 20 ha, Bình Lãng7,2ha, Tân Kỳ 5,4 ha...
Tuy đã có những hiệu quả nhất định nhưng hiện nay mô hình phụ nữ chung tay xóa ruộng hoang ở huyện Tứ Kỳ vẫn gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân do diện tích ruộng bị bỏ hoang chủ yếu là ruộng xấu, đi lại khó khăn. Giá vật tư, chi phí sản xuất cao trong khi giá bán nông sản thấp... Bà Vũ Thị Tịnh, Ủy viên Ban Chấp hành HPN xã Quang Khải cho biết hiện nay trừ tất cả chi phí, tính ra một sào trồng lúa người dân chỉ lãi hơn 200.000 đồng. Bao mồ hôi công sức đổ ra mà thành quả thu về quá ít ỏi. Đó là chưa kể những rủi ro như mất mùa do chuột phá, thời tiết... "Nếu không có giải pháp lâu dài thì khó có thể giữ người dân gắn bó với đồng ruộng, hội viên phụ nữ sẽ lại bỏ đồng ruộng đi làm tại các công ty, xí nghiệp", bà Tịnh băn khoăn.
Để khuyến khích các hội viên phụ nữ tích cực tham gia xóa ruộng hoang, không chỉ các cấp HPN mà chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để nâng cao năng suất, hiệu quả canh tác. HPN các xã cần chủ động tìm đầu ra cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các giống mới phù hợp vào từng vùng canh tác. Đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng rau màu, cây ăn quả, thả cá...
THẢO NGUYỄN