Đa dạng cây thuốc nam ở ven đường sắt
Xã hội - Ngày đăng : 10:02, 10/03/2018
Đoàn khảo sát đã phát hiện hơn 60 cây thuốc nam chỉ trên gần nửa cây số đường sắt
Vì thế, đường sắt là một trong những ngành giao thông lâu đời ở Việt Nam. Tuyến đường sắt đầu tiên ra đời năm 1881 dài khoảng 70 km từ Sài Gòn đi Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành ở Việt Nam vào ngày 20.7.1885, đánh dấu sự khai sinh của ngành đường sắt Việt Nam. Năm 1902, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng xong. Cũng năm ấy, hoàn thành tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, năm 1906 xong tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Đường sắt xây dựng đến đâu thường giữ được cây cỏ bản địa, trong đó có nhiều cây thuốc nam, nhất là ở các tuyến đường sắt chạy qua miền núi như Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Đồng Đăng. Ngay trên tuyến đường sắt chạy qua vùng đồng bằng như Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, qua khám phá, cây thuốc nam cũng phong phú và đa dạng không kém.
Cuối năm vừa qua, chúng tôi gồm thầy giáo - lương y và các học viên của lớp học "Cây thuốc nam đền Bia" đã tiến hành khảo sát thử một đoạn đường sắt từ chỗ cắt ngang phố Đoàn Kết đến cầu chui cạnh siêu thị Big C Hải Dương. Chọn đoạn này để tránh khi đường sắt qua trước nhà dân thường bị người dân tận dụng trồng rau và cây gia vị, làm mất cảnh quan hoang dã tự nhiên. Chỉ qua chưa đầy nửa cây số đường sắt, trong một buổi sáng, chúng tôi đã thu thập được trên 60 cây thuốc nam khác nhau. Ngoài các cây thông thường như ráy, cỏ tranh, ổi, dền dại, nhàu, đơn buốt, bòng bong, ngải dại, cỏ hàn the, trinh nữ, cà tím, ruối, cúc tần... còn nhiều cây thuốc nam quý hiếm như trân châu leo, thanh tương tử, đuôi công, xích đằng nam, cỏ xước, quả nổ, sâm đất, cam thảo nam, phèn đen, mật gấu, thóc lép, cỏ gừng, dạ kim tiền... Các cây này có thể chữa được nhiều bệnh như mạch vành, huyết áp cao, huyết áp thấp, mỡ máu, xương khớp... Đặc biệt lý thú là nhiều cây tưởng như đã tuyệt chủng do phong trào "cải tạo vườn tạp" ồ ạt vài chục năm trước đây, thì nay lại xuất hiện ở ven đường sắt như táo ta, cây hạt cườm hay như cây tầm bóp mà Nhật Bản đang thu mua với giá cả trăm triệu đồng cho 1 kg quả chín.
Theo chúng tôi, ven đường sắt đa dạng các cây thuốc nam do nơi đây nhận được nhiều nguồn phát tán hạt giống. Đoạn đường sắt qua siêu thị Big C Hải Dương có độ cao giống như đê điều, luôn nhận được các hạt cây nhờ gió phát tán đến. Đường sắt xưa kia luôn song hành với các cột dây thép của ngành bưu điện. Chim chóc tha thức ăn là các quả chín của nhiều cây vốn là thảo dược, đánh rơi hạt xuống ven đường sắt.
Đặc biệt, trong hành trình con người ra Bắc vào Nam, lên ngược về xuôi thường mang theo nhiều quả và hạt từ các miền xa xôi, sau khi ăn hay vứt hạt qua cửa sổ tàu hỏa, hoặc để rơi vãi trên sàn tàu. Sau đó nhân viên ga tàu cũng quét chúng ngay xuống ven đường sắt.
Những sự phát tán ấy kéo dài trên một thế kỷ (1881-2018) thử hỏi cây cỏ từ đó mọc lên sẽ phong phú đa dạng đến nhường nào. Sự đa dạng phong phú có phần còn hơn trên đê do đường sắt còn được bảo vệ nghiêm ngặt hơn đê nhiều. Mỗi cung đường sắt đều có các cung trưởng với nhiều nhân viên canh gác cả đêm lẫn ngày. Bởi mỗi sự can thiệp vào đường sắt như lấy đất đá, chặt nhổ cây cối ven đường sắt đều đe dọa tính mạng của hàng trăm mạng người lưu thông trên đường sắt đó mỗi ngày. Nhờ đó, thảm thực vật ven đường sắt được bảo vệ còn hơn ở "rừng cấm". Cây cối ven đường sắt, trong đó có nhiều dược thảo, đúng là một rừng nguyên sinh của cây thuốc nam.
Hệ thảm thảo dược ven đường sắt cần được nghiên cứu thành đề tài để xác định những đoạn nào qua Hải Dương phong phú và đa dạng nhất, từ đó có cơ chế bảo vệ kịp thời, nhằm duy trì nguồn cây thuốc chữa bệnh lâu dài cho nhân dân.
NGUYỄN VĂN KHANG