Nhận diện và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bài cuối: Lệch lạc trong nhận thức và thực hành dân chủ
Tin tức - Ngày đăng : 16:32, 14/03/2018
Việc thực hiện cơ chế "một cửa" ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả dẫn đến người dân còn e ngại khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Thành Chung
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và thực hành dân chủ, gây trở ngại không nhỏ đến quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta.
Trong nhận thức về dân chủ, một số người đồng nhất hoàn toàn dân chủ hiện nay với dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo nghĩa hoàn thiện, đầy đủ, kỳ vọng đạt ngay một trình độ phát triển cao của dân chủ, trong khi nhiều tiền đề khách quan và chủ quan chưa chín muồi.
Tiền đề khách quan cho dân chủ XHCN ra đời là phải dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, phù hợp với quá trình xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất trên cơ sở khoa học - công nghệ hiện đại nhằm thỏa mãn ngày càng cao những nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Đặc trưng này hình thành ngày càng đầy đủ cùng với quá trình hình thành và hoàn thiện của nền kinh tế XHCN. Trong khi nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Là một nước không qua dân chủ tư sản, lại đã từng trải qua thời kỳ phát triển theo mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” tập trung quan liêu, bao cấp nên nhìn chung trên lĩnh vực dân chủ, thực hành rộng rãi, phát huy, cải cách, phát triển dân chủ còn nhiều việc phải làm và cũng còn lâu dài.Không thể ảo tưởng rằng chúng ta đã có dân chủ XHCN rồi và cao rồi, chỉ cần phát huy là đủ. Mặt khác, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ XHCN là một quá trình, là kết quả của giáo dục ý thức, nâng cao năng lực thực hành, phát triển văn hóa dân chủ. Thành quả của dân chủ đạt được trong xã hội trước hết tùy thuộc vào thành quả đấu tranh của nhân dân.
Một số khác lại mơ hồ, phiến diện về dân chủ, ngộ nhận về nền dân chủ tư bản chủ nghĩa là giá trị đỉnh cao phải tuân theo, ca ngợi một chiều nền dân chủ tư sản.
Một số người đem tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương. Họ cho rằng, đã dân chủ thì không cần kỷ cương, pháp chế, dân chủ là tự do, muốn làm gì thì làm.
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Nhà nước vẫn còn bị hiểu sai lệch. Một số người cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật, hoặc chiến tranh. Còn trong thời kỳ hòa bình, xây dựng kinh tế và phát triển đất nước, nguyên tắc này không còn phù hợp. Hoặc có quan điểm cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ là nguyên tắc riêng của Đảng, không thể áp dụng cho cơ quan nhà nước. Do đó, không nên biến nguyên tắc của một đảng chính trị thành nguyên tắc của bộ máy nhà nước sau khi Đảng giành được chính quyền và lãnh đạo chính quyền.
Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận những thành tựu của cách mạng, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, tự do báo chí, những tiêu cực trong xã hội để chống phá, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ. Chúng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nền dân chủ XHCN, ngợi ca dân chủ tư sản, kích thích chủ nghĩa tự do, thực dụng. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền những quan điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi “mở rộng dân chủ” hơn nữa cùng với những luận điệu bóp méo sự thật “Việt Nam vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là trở lực chính cho việc thực hiện dân chủ ở nước ta.
Trong thực hành dân chủ, tình trạng dân chủ hình thức vẫn còn trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương, khiến dân chủ không được phát huy, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số bộ phận quần chúng. Có lúc, có nơi có tình trạng dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn, hoặc lợi dụng “dân chủ” để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối trật tự. Vẫn còn có người lãnh đạo quan liêu, gia trưởng, đặt mình lên trên tập thể, không lắng nghe cấp dưới. Có tình trạng đảng viên, cán bộ cấp dưới chỉ biết nghe theo, không dám thẳng thắn sử dụng quyền làm chủ của mình.
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn chưa được đầy đủ. Một số cán bộ, công chức cấp cơ sở, nhất là trưởng thôn, khu dân cư năng lực còn hạn chế, nên việc nhận thức phổ biến, truyền đạt chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy chế dân chủ. Việc tuyên truyền phổ biến các văn bản quy định về thực hiện Quy chế dân chủ và các văn bản pháp luật khác chưa thực sự đi vào chiều sâu. Việc tổ chức cho nhân dân thực hiện Quy chế dân chủ, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở nhiều cơ sở hiệu quả chưa cao...
Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính làm cho yêu cầu quản lý các quá trình kinh tế - xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân chưa nhanh nhạy, chưa hiệu quả cao.
Phương thức tổ chức, phong cách hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng quan liêu, chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở. Cán bộ của nhiều đoàn thể chính trị - xã hội vẫn trong tình trạng hành chính hóa, viên chức hóa.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do ở một số nơi, các cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ vai trò của việc thực hành dân chủ nên công tác lãnh đạo chưa sâu sát, sự chỉ đạo còn mang tính hình thức, đối phó. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai các biện pháp thực hiện dân chủ nên chưa tận lực, tận tâm. Không ít cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội. Người dân còn thiếu hiểu biết về các quyền dân chủ, cơ chế thực hiện dân chủ nên chưa chủ động, tích cực tham gia quá trình này. Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ.
ĐẶNG THỊ MAI
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh