Tỷ phú vùng triều trũng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:52, 05/04/2018

Xót xa khi thấy những cánh đồng chiêm trũng mọc đầy cỏ dại, chị Đặng Thị Yến (47 tuổi) ở thôn Nho Lâm, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã quyết định gom đất làm giàu.

Hằng năm, gia đình chị Yến thu lãi từ 3-4 tỷ đồng từ mô hình VAC

10 năm vất vả “thuần" đất

Khu chuyển đổi theo hình thức VAC của gia đình chị Yến rộng khoảng 30 mẫu nằm ở cánh đồng Triều Dài. Những dãy chuồng trại nuôi gà, vịt được xây dựng quy củ, sạch sẽ. Bên cạnh là vườn cây, ao cá trải dài đến tận bãi sông Cống Dừa. Hệ thống đường đi và kênh mương được bố trí thuận tiện cho việc đi lại và phục vụ sản xuất. Chị Yến cho biết: “Gia đình tôi hiện có 9 dãy chuồng trại rộng gần 5 mẫu và hơn 25 mẫu ao, vườn cây ăn quả. Gia đình tôi chủ yếu nuôi gà, vịt và các loại cá nước ngọt như trắm, chép, rô phi... Mỗi năm chúng tôi bán ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn gà, vịt thương phẩm và gần 300 tấn cá, trừ chi phí thu lãi từ 3-4 tỷ đồng”. Đây là thành quả mà chị Yến ví như “quả ngọt” sau gần 10 năm chị cùng các thành viên trong gia đình vất vả gây dựng.

Trước năm 2009, gia đình chị Yến từng chăn nuôi nhưng do diện tích đất có hạn nên chỉ làm ăn nhỏ, hiệu quả không cao. Khu đồng Triều Dài là vùng chiêm trũng rất khó để canh tác lúa nước nên bị người dân bỏ hoang từ lâu. Tiếc đất, chị Yến đã quyết định vay tiền ngân hàng để thầu lại 7 mẫu ruộng trũng của người dân và của xã để làm kinh tế. Giữa năm 2009, ngay khi có đất, chị bắt tay vào xây dựng mô hình VAC. Nhưng thành công đâu chẳng thấy, chỉ thấy khó khăn chồng chất. Chị Yến cho biết trước đây cũng có nhiều người nhận thầu số ruộng trũng để làm kinh tế. Nhưng việc cải tạo rất khó khăn và tốn nhiều chi phí nên họ không dám đầu tư. Đắp bờ là công đoạn khó nhất vì chất đất dẻo cứ đắp lên lại trôi xuống. Nhiều khi đã đắp được lên thành bờ thì lại gặp trời mưa to, đất sạt lở hết chỗ này đến chỗ khác. Chị Yến chia sẻ: "Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, cứ chờ đất khô ráo đến đâu là tôi thuê người đổ kè bê tông đến đó. Nhiều tuần liền, tôi phải thức trắng cả đêm để cùng với mọi người cố gắng thuần đất". 
Sau một năm vật lộn với vùng đất trũng và đầu tư hơn 7 tỷ đồng, cuối cùng công trình cũng hoàn thành. Những năm sau đó, nhờ làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình đã ổn định hơn, chị Yến tiếp tục vay mượn để mua thêm đất của hơn 100 hộ dân lân cận, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, mô hình VAC của chị Yến rộng hơn 30 mẫu với tổng chi phí cải tạo và đầu tư xây dựng lên đến 27 tỷ đồng.

 Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất 

Tuy đã gặt hái được một số thành quả nhất định nhưng điều khiến chị Yến vẫn thường lo lắng và suy nghĩ hằng đêm là việc sản xuất còn phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường. Gia đình chị bao phen điêu đứng do cá bị dịch bệnh chết nổi trắng ao, dịch cúm H5N1 bùng phát... Nhận thấy nếu đi theo phương thức sản xuất truyền thống sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nên chị đã chủ động học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi để tìm ra hướng đi mới. Sau nhiều năm mày mò, tìm hiểu trên mạng và qua sách báo, chị tự tích góp được một số kinh nghiệm có thể áp dụng vào sản xuất tại gia đình. 

Năm 2016, nhờ tìm hiểu qua mạng internet, chị nhận thấy hệ thống máy cho ăn tự động của Đức vừa tiện lợi, hiệu quả lại vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, chị đã vay tiền ngân hàng để đặt mua. Sau 6 tháng đưa vào sử dụng thử nghiệm, đàn gà phát triển tốt hơn, ít bị dịch bệnh hơn, giảm thời gian và công sức chăm sóc. Chị Yến cho biết: “Mỗi hệ thống máy cho ăn được lắp đặt tại một dãy chuồng nuôi có giá 1,7 tỷ đồng. Chức năng chính của máy là sử dụng hệ thống mắt thần để nhận diện khi nào thức ăn tại khay ăn của gà hết sẽ tự động bơm bổ sung. Do đó sẽ tránh được tình trạng lãng phí thức ăn, tiết kiệm khoảng 10% chi phí so với cho ăn theo kiểu truyền thống. Máy còn được trang bị hệ thống quạt thông hơi với công suất lớn, có thể điều chỉnh không khí và nhiệt độ trong chuồng gà phù hợp để gà phát triển tốt nhất”. 

Những năm gần đây, thủy sản liên tục rớt giá, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của gia đình. Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", chị Yến đã chủ động mời kỹ sư thủy sản ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ về theo dõi và tìm cách phòng, chữa bệnh cho cá. Do tuân thủ đúng quy trình được hướng dẫn nên những ao cá của gia đình chị ít khi bị dịch bệnh, năng suất cao. Chị đã kết nối với nhiều thương lái thu mua thủy sản với số lượng lớn ở trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh... để chủ động đầu ra. Hiện tại, thủy sản của gia đình chị đều được các thương lái đến tận ao thu mua.

Trang trại của gia đình chị Yến đang tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 3 năm gần đây, gia đình chị Yến liên tục đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông Vũ Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Văn Tố cho biết: “Chị Yến là người năng nổ, hoạt bát, có ý chí vươn lên. Chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức. Đặc biệt, trong các cuộc vận động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại địa phương chị Yến đều tham gia hưởng ứng nhiệt tình và đóng góp một phần không nhỏ về kinh tế". 

ĐỖ QUYẾT