Thí sinh dự xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng: Quan tâm cơ hội việc làm
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 09:32, 13/04/2018
Qua chương trình "Một ngày làm sinh viên", Trường Đại học Sao Đỏ phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên
Nhiều kênh tư vấn
Đến nay, Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) đã cơ bản hoàn thành việc tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn thi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhà trường tích cực phối hợp với nhiều trường đại học như Khoa học và Công nghệ Hà Nội, FPT, Hàng hải Việt Nam, Quốc gia Hà Nội... tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Căn cứ vào trình độ, năng lực của học sinh, mỗi trường có thể lựa chọn những cách tư vấn, định hướng nghề nghiệp khác nhau. Thầy giáo Phạm Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết do số lượng học sinh có học lực khá, giỏi của trường không nhiều và chỉ có từ 35 - 40% số học sinh có nhu cầu xét tuyển vào đại học nên trường chủ yếu mời các trường đào tạo nghề, trung tâm tư vấn du học về hướng dẫn, trao đổi.
Trong quá trình hướng dẫn làm hồ sơ, các giáo viên đều tập trung vào những điểm mới của quy chế thi năm nay để học sinh thực hiện chính xác. Trong đó, đáng quan tâm nhất là khi các em đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thì bắt buộc phải làm đầy đủ 2 bài thi này, bởi nếu bỏ 1 trong 2 bài sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tuy không giới hạn nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhưng thí sinh chỉ được đỗ 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Do đó, khi làm hồ sơ học sinh cần chú ý xác định chính xác nguyện vọng nào ưu tiên cao nhất, có cơ hội đỗ cao nhất để xếp thứ tự.
Trường THPT Cẩm Giàng II bắt đầu nhận hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2018 của học sinh
Mục đích cụ thể
Hiện nay, hầu hết không còn học sinh chọn theo tên trường, đổ xô vào những ngành "hot" của khối kinh tế, tài chính như nhiều năm trước. Trước khi đưa ra quyết định, học sinh đã nghiên cứu, tìm hiểu khá kỹ về quy mô, chất lượng đào tạo của trường. Các em đã quan tâm lựa chọn những ngành có cơ hội việc làm cao sau khi ra trường. "Em được biết hiện nay học các ngành như sư phạm, kinh tế, tài chính, luật... ra trường sẽ rất khó xin việc. Do đó, những ngành này không phải là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của em", em Vũ Bảo Hưng, lớp 12B, Trường THPT Hồng Quang nói.
Để tăng khả năng đỗ, học sinh đều tìm hiểu khá kỹ về cách thức xét tuyển ở từng tổ hợp của từng trường. Tránh những trường có sự cạnh tranh cao, ưu tiên khu vực lớn. Em Nguyễn Thế Thiết, Trường THPT Cẩm Giàng II đăng ký 5 nguyện vọng vào ngành điện tử viễn thông, cơ khí của các Trường Đại học: Bách khoa, Công nghiệp Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Để đưa ra quyết định này, em dành nhiều thời gian tìm hiểu về mức điểm đầu vào của từng chuyên ngành trong mấy năm gần đây, đối chiếu với kết quả học tập của mình. Thiết cũng hỏi các anh chị đã và đang học ở đây về phương pháp, chương trình đào tạo của trường xem có phù hợp với sở thích, năng lực của mình không.
Đối với những học sinh có học lực khá, giỏi và xác định từ sớm thì việc lựa chọn ngành, trường học khá thuận lợi. Còn học sinh có học lực trung bình khá thì không hề đơn giản. Vì hiện có nhiều tổ hợp xét tuyển vào một ngành, một ngành có nhiều trường cùng đào tạo dẫn đến học sinh rất lúng túng, không biết nên quyết định thế nào. Nếu không chọn đúng sẽ dẫn đến nhầm lẫn, chọn ngành học không phù hợp dẫn đến hiệu quả học tập không tốt. Những học sinh học lực bình thường cũng khá chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình. Hầu hết các em chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, còn nếu học tiếp thì chọn các trường đào tạo nghề, hoặc đi du học theo hệ vừa học vừa làm, đi làm công nhân...
DANH TRUNG