Rắc rối quy định ghi thông tin vào đơn thuốc
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:00, 14/04/2018
Đơn thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho trẻ em dưới 72 tháng đã thể hiện họ tên bố, mẹ, người giám hộ song chưa ghi số chứng minh nhân dân như quy định tại Thông tư số 52
Quy định ghi số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong đơn thuốc ngoại trú đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi theo Thông tư 52 ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế mới có hiệu lực từ 1.3. Trong khi nhiều người dân còn chưa nhận thức được vấn đề và thực hiện quy định này, thì mới đây Bộ Y tế lại có văn bản gửi các đơn vị liên quan xin ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi Thông tư này.
Vẫn nằm trên giấy
Khoản 3, điều 6, Thông tư 52 quy định: trong đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Việc ghi thêm số CMND vào đơn thuốc nhằm quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng mua bán, lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra phổ biến.
Sau hơn 1 tháng Thông tư có hiệu lực, nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện. Ngày 9.4.2018, qua tìm hiểu tình hình tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi thấy trong đơn thuốc của bệnh viện cho bệnh nhân dưới 72 tháng chưa thể hiện thông tin về số CMND bố, mẹ của trẻ. Khi được hỏi, nhiều người đưa con em tới khám tại bệnh viện này đều nói chưa biết về quy định mới. Có người tỏ ra lo ngại, trong trường hợp khẩn cấp, nếu vì quên CMND ở nhà, hoặc bị mất, không xuất trình đủ giấy tờ sẽ không mua được thuốc thì sẽ ra sao?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Thái, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng việc ghi thêm số CMND của bố mẹ hoặc người giám hộ khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi đối với các bác sĩ là việc làm không khó, nhưng gây phiền hà cho cho bố mẹ của bệnh nhi. Thực tế trong đơn thuốc của bệnh viện từ trước đã thể hiện thông tin về họ tên người bệnh hoặc bố, mẹ, người giám hộ nếu người bệnh là trẻ em, số điện thoại của bác sĩ, lời dặn để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Đối với các nhà thuốc, việc bán thuốc theo đơn có ghi số CMND như quy định tại Thông tư 52 vẫn là điều “xa xỉ”. "Nếu việc ghi số CMND vào đơn thuốc là việc làm cần thiết mà cơ quan quản lý yêu cầu thì nhà thuốc sẽ tuân thủ. Nhưng thực hiện như thế nào, nhân viên nhà thuốc có phải ghi chép số CMND, lưu ảnh chụp hoặc bản sao giấy chứng minh… của người mua thuốc hay không thì cần có sự hướng dẫn cụ thể", chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên nhà thuốc trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cho biết.
Chị Đoàn Thị Dung ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cho rằng: "Để quản lý việc kê đơn thuốc thì những thông tin về tên tuổi, địa chỉ bệnh nhân, thông tin bác sĩ, địa chỉ quầy thuốc, tên nhân viên bán thuốc... sẽ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên hơn là số CMND của bố mẹ".
Đang góp ý sửa đổi
Theo ông Phạm Đức Luyện, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế), sở đã có văn bản chỉ đạo Phòng Y tế cấp huyện; các đơn vị y tế, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trong tỉnh triển khai thực hiện Luật Dược 2016, Nghị định 54/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược, trong đó có Thông tư 52. Sở đã và sẽ tổ chức tập huấn về các văn bản này cho cán bộ y tế trong tỉnh.
Ngày 6.4, Bộ Y tế đã gửi văn bản tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế... về việc đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư số 52 của Bộ Y tế. Văn bản nêu rõ các cơ sở khám, chữa bệnh linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có hoặc quên CMND, căn cước công dân, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh khi thực hiện quy định tại khoản 3, điều 6 của Thông tư 52. Đồng thời đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khi triển khai thực hiện tiếp tục phản ánh về nội dung còn vướng mắc.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã xây dựng dự thảo Thông tư bổ sung, sửa đổi một số điều của Thông tư 52. Trong đó sửa đổi khoản 3, điều 6 như sau: "Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên bố hoặc mẹ của trẻ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh". Như vậy, dự thảo này bỏ ghi số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Theo đó, mẫu đơn thuốc quy định tại phụ lục 1 của Thông tư 52 cũng thay đổi.
Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Đức Luyện cho rằng một quy định mới đi vào cuộc sống có khả thi hay không thì không thể đánh giá trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình. “Nếu quy định bất cập thì cần sửa chữa, bổ sung”, ông Luyện cho hay.
HÀ NGA