Khó xử lý nạn đổ trộm chất thải công nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 10:18, 14/04/2018
Rác công nghiệp đổ bừa bãi trên tỉnh lộ 395đoạn qua huyện Bình Giang
Nhiều nơi "dính"
Khoảng 20 giờ ngày 3.3.2018, Công an huyện Kinh Môn và Công an xã Lạc Long (Kinh Môn) bắt quả tang xe ô tô tải 34C - 150.63 do Phạm Văn Uy (sinh năm 1974, ở xã Kim Xuyên, Kim Thành) lái đang đổ trộm chất thải công nghiệp (CTCN) tại bãi ngoài đê thôn Phương Quất, xã Lạc Long. Lái xe khai chở thuê cho một người tên là Phạm Văn Bé ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) khoảng 20 tấn CTCN gồm bột giấy đã cháy, túi nilon từ một nhà máy ở huyện Kim Thành sang đổ trộm tại khu vực này.
Trước đó, ngày 11.3.2017, người dân phản ánh trên sông Thái Bình đoạn qua TP Hải Dương và huyện Tứ Kỳ xuất hiện một vệt nước màu đen. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) khảo sát thực tế và phát hiện cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Thanh Hùng ở thôn Ngọc Lạc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) gây ô nhiễm môi trường. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã xử phạt ông Hùng vì tiếp nhận, xử lý CTCN không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Gần đây, UBND thị xã Chí Linh đã phát hiện vụ chôn lấp 832,1 tấn CTCN trái quy định tại mương nước giáp ranh giữa hai phường Văn An và Phả Lại. Lượng CTCN này do ông Nguyễn Văn Xuân trú ở phường Phả Lại được thuê để chôn lấp. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt ông Xuân 250triệu đồng, bắt buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND huyện Gia Lộc đã phát hiện nhiều bao tải lớn chứa bột màu xám có mùi hắc khó chịu bị đổ trộm ven đường liên xã thuộc các xã Gia Khánh và Gia Xuyên. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu phân tích, xác định đây là CTCN thông thường. Hiện tại, lượng chất thải này đang được lưu giữ tại kho của Công ty CP Công nghệ và Môi trường An Sinh để điều tra làm rõ chủ nguồn thải. Cũng thời điểm này, Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Môi Trường Xanh đang lưu giữ nhiều bao bì, giẻ lau dính nhiễm thành phần nguy hại. Đây là lượng CTCN bị một số đối tượng đổ trộm ở xã Nam Đồng (TP Hải Dương).
Xử lý ít
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, tình trạng đổ trộm CTCN trong tỉnh diễn ra khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn giáp ranh, khu vực ngoài đê, bãi bồi ven sông. Thủ đoạn của các đối tượng đổ trộm CTCN ngày càng tinh vi, thường diễn ra vào ban đêm và rạng sáng tại những khu vực, tuyến đường vắng, ít người qua lại. Những địa phương phát hiện nhiều vụ đổ trộm CTCN là TPHải Dương, thị xã Chí Linh và các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Kim Thành. Mặc dù tình trạng đổ trộm CTCN diễn ra phổ biến nhưng việc phát hiện, xử lý còn gặp không ít khó khăn.
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết hiện vẫn chưa có văn bản quy định về cơ chế quản lý đối với các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý CTCN thông thường. Việc theo dõi, quản lý hoạt động này chưa được quy định chặt chẽ. Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTCN thông thường nhưng cơ quan quản lý không thể theo dõi, giám sát được đường đi, thời gian hoàn thành xử lý.
Thời gian qua, các vụ đổ trộm CTCN thông thường diễn ra nhiều nhưng số vụ bị phát hiện, xử lý lại rất ít. Đối với những vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng rất khó xử lý lượng chất thải đã đổ trộm do kinh phí xử lý khá lớn.
Để hạn chế, giảm thiểu phát sinh các vụ đổ trộm CTCN, chính quyền các địa phương cần bám sát địa bàn, khu vực dễ xảy ra tình trạng đổ trộm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc. Cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát đối với hoạt động giao nhận, vận chuyển, xử lý, hoàn thành xử lý CTCN thông thường của các chủ nguồn thải. Lực lượng công an tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đổ trộm CTCN theo quy định của pháp luật.
VỊ THỦY