Nghèo nàn dịch vụ mùa lễ hội

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 06:29, 17/04/2018

Sản phẩm, dịch vụ du lịch đơn điệu, không có dấu ấn riêng đặc sắc là nguyên nhân chính khiến Hải Dương chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế từ các lễ hội rất đông du khách...

Các sản phẩm, dịch vụ du lịch còn nghèo nàn nên các khu du lịch, điểm đến chưa phát huy hết tiềm năng

Hải Dương có nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với những lễ hội đậm màu sắc dân gian ngày càng thu hút đông du khách. Nhưng việc khai thác tiềm năng kinh tế từ các lễ hội này chưa thực sự hiệu quả bởi sản phẩm du lịch còn quá đơn điệu, nghèo nàn.

Đơn điệu đáng báo động

Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương đạt gần 990.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này không đồng nghĩa với việc chúng ta đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế từ du khách. Bình quân mỗi du khách khi đến Hải Dương chỉ chi ra khoảng 300.000 đồng cho các hoạt động ăn, nghỉ, vui chơi, mua sắm. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng du lịch phong phú của xứ Đông.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tỉnh ta chưa khai thác hết tiềm năng của các khu du lịch phần nhiều do sản phẩm, dịch vụ quá đơn điệu, nghèo nàn. Điều này thấy rõ ngay tại các khu di tích lớn như Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Ngày bình thường cũng như những ngày diễn ra lễ hội, các dịch vụ không có gì đặc biệt so với những nơi khác. 

Mùa lễ hội du khách đông, là cơ hội để khai thác tiềm năng kinh tế nhưng nghịch lý ở chỗ khách đến với tỉnh không có nhiều chỗ để tiêu tiền. Đến các khu di tích, khách du lịch chủ yếu thắp hương xong rồi về, chưa có dịch vụ, sản phẩm nào đủ hấp dẫn để níu giữ họ ở lại khám phá, mua sắm. Tâm lý của đa phần người đi du lịch thích mua sắm quà lưu niệm, đặc sản vùng miền về cho người thân. Nhưng tại các khu di tích, điểm du lịch ở tỉnh ta chỉ bày bán những mặt hàng giống như ở nhiều nơi khác, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí cũng không có gì nổi bật. Trong khi đó, chúng ta có nhiều sản vật địa phương hoàn toàn có thể trở thành quà tặng đặc sắc như nếp cái hoa vàng, sắn dây Kinh Môn, hành tỏi... nhưng chưa được bán phổ biến ở các khu di tích.

Mộc Châu (Sơn La) hay thị xã Chí Linh đều có nhiều cảnh đẹp nhưng sản phẩm du lịch lại khác nhau. Đến Mộc Châu, du khách được thăm thú đồi chè, trang trại nuôi bò sữa, vườn hoa phong lan và mua sắm những đặc sản địa phương như bột trà xanh, sữa chua, sữa tươi, măng rừng. Còn đến Chí Linh, du khách chỉ thắp hương, chiêm bái tại các di tích rồi ra về hoặc di chuyển đến các tỉnh khác.

Thực tế cho thấy tỉnh ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc quảng bá, giới thiệu về giá trị quần thể di tích mà chưa thực sự chú trọng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền với các di tích này để cuốn hút du khách. 


Các sản phẩm du lịch mùa lễ hội tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn đơn điệu, không hấp dẫn du khách

Tỉnh Sơn La không chỉ quảng bá về toàn cảnh du lịch Mộc Châu mà còn đi vào từng địa điểm như rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, vườn hoa Happy Land… Các địa điểm này được tuyên truyền theo từng đợt, chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Giá vào các địa điểm tham quan ở Mộc Châu không hề rẻ, như vườn hoa Happy Land 60.000 đồng/người nhưng du khách vẫn vô tư móc hầu bao. Vậy mà khi đến di tích Côn Sơn chỉ phải bỏ ra 15.000 đồng tiền phí tham quan là họ đã than vãn.

Thay đổi tư duy

Trong khi nhiều địa phương khác đã tạo ra được sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng thì tỉnh ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm.

Hải Dương có thể tham khảo Hà Giang. Tỉnh này có cao nguyên đá đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu rất đẹp và giàu giá trị. Trước đây, Hà Giang liên tục quảng bá về cao nguyên đá nhưng khách du lịch thưa thớt. Trong khi đó, cánh đồng hoa tam giác mạch ngày trước được trồng với mục đích cứu đói, không nằm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh này lại hút du khách hơn là công viên địa chất toàn cầu. Giới trẻ đến đây chụp ảnh rồi đưa lên Facebook với khung cảnh đẹp ngỡ ngàng làm cho du khách khắp nơi háo hức tìm đến. Ngay lập tức, Hà Giang chuyển hướng sang đầu tư cho cánh đồng hoa tam giác mạch, phát triển các loại hình dịch vụ và đẩy lên thành lễ hội, thường xuyên quảng bá. Tam giác mạch dần trở thành biểu tượng của du lịch Hà Giang. Điều đó cho thấy việc xác định nhu cầu, sở thích, đối tượng khách du lịch để định hướng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch quan trọng như thế nào.

Những năm qua, Hải Dương đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch. Nhiều kế hoạch, giải pháp đã được đưa ra nhằm thu hút và khai thác tối đa tiềm năng từ khách du lịch song đa phần vẫn đang... nằm trên giấy. Nhiều ý kiến cho rằng cần đề nghị tỉnh kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Thực tế tại nhiều điểm du lịch hấp dẫn cho thấy không hẳn cứ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt là kéo được khách mà cần có chiến lược phát triển du lịch riêng, tạo ra sản phẩm đặc thù. Bà Nguyễn Thị Việt Nga nhận định: “Phải xác định, khoanh vùng được tiềm năng khách du lịch lớn nhất của mình là ai. Tương ứng với từng đối tượng khách du lịch sẽ phải có những giải pháp khác nhau, nếu chỉ có giải pháp chung chung thì khó phát huy hiệu quả”.

TIẾN MẠNH