Đề xuất mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch đặc khu kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 24/04/2018
Chiều 23.4, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).
Ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết tổ soạn thảo đề xuất hai phương án nhân sự lãnh đạo cho loại hình đơn vị này, gồm: Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND đặc khu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
"Nếu Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu thì bố trí một Phó Bí thư là Phó Chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị", ông Chính nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đồng tình với phương án trên. "Nếu Bí thư không đồng thời là Chủ tịch UBND thì vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả", ông Đọc nhấn mạnh và đề nghị trong hai Phó Bí thư đặc khu thì một người là Phó Chủ tịch tổ chức an sinh xã hội, một người là Chủ tịch HĐND kiêm phụ trách công tác tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Lê Thanh Quang cũng ủng hộ phương án Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND đặc khu. Theo ông Quang, khi lập đặc khu, cán bộ công chức tại ba đơn vị này chắc chắn phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn và dôi ra.
"Tỉnh tôi dôi ra gần 200 cán bộ cấp huyện, xã. Vì vậy, đề nghị Trung ương thống nhất chính sách chung cho cán bộ dôi dư ở 3 đặc khu, tránh tình trạng anh em tâm tư, chính quyền chỗ giàu, chỗ nghèo phiền phức", ông Quang nói.
Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: P.V |
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, tổ chức Đảng ở các đặc khu sẽ được thành lập tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền theo quy định của Luật đơn vi hành chính – kinh tế đặc biệt, khi đạo luật này được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, hướng đề xuất là thống nhất văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND đặc khu; kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và chính quyền đặc khu; thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, UBND đặc khu tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương...
"Mô hình nào tích cực hơn thì ta chọn, chọn cái tốt nhất trong những cái tốt", ông Chính nói.
"Không khép kín" trong chọn cán bộ
Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, dự thảo Luật đặc khu quy định chính quyền địa phương có HĐND và UBND. HĐND đặc khu có từ 9-15 đại biểu, đa số là chuyên trách, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND. UBND đặc khu bao gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch, trong đó, chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Nội vụ sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh và trình Thủ tướng phê chuẩn...
Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị xem xét lại quy định chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Nội vụ giới thiệu mà nên giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh.
"Chủ tịch tỉnh là những người nắm chắc cơ sở, hiểu rõ cán bộ tại chỗ để trình HĐND bầu chủ tịch đặc khu. Các cơ quan trung ương trên cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng phê chuẩn thì đúng hơn. Quy trình này tương đương với chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh", ông Đọc phân tích.
Bí thư Khánh Hòa Lê Thanh Quang cũng đề nghị Trưởng đặc khu phải do Thường vụ Tỉnh uỷ nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới trình Thủ tướng cho phép HĐND đặc khu bầu, sau đó Thủ tướng phê chuẩn.
Tuy nhiên, về vấn đề trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, "công tác cán bộ không khép kín, không nhất thiết là cán bộ trung ương về hay chỉ có cán bộ tại địa phương".
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào ngày 21.
Theo VnExpress