Sinh hoạt Đảng trong chiến trường

Tin tức - Ngày đăng : 08:00, 30/04/2018

Giữa cuộc chiến khốc liệt, có lúc cận kề cái chết nhưng những đảng viên ấy vẫn chưa bao giờ bỏ sinh hoạt Đảng.


Vợ chồng ông Nguyễn Văn Vận, bà Vương Thị Hơn (TP Hải Dương) đều được kết nạp Đảng trong chiến trường

Sinh hoạt đều đặn

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Hồng (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) được kết nạp Đảng từ tháng 9.1967, rồi làm Phó Bí thư Chi bộ C16, Tiểu đoàn 53, Bộ Tư lệnh 559 (sau này gọi là Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Trong trí nhớ của cựu binh 76 tuổi này vẫn vẹn nguyên hình ảnh những buổi sinh hoạt Đảng giữa những cánh rừng trên cung đường Binh trạm 33 - nơi đơn vị ông phục vụ chiến đấu, đi qua những vùng đất khốc liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ như đường 9, Khe Sanh...

"Sự sống, cái chết mong manh vô cùng. Giấc ngủ nào cũng chập chờn vì bom đạn và máy bay địch quần thảo", ông Hồng nhớ lại. Nhưng đáng khâm phục là nếp sinh hoạt Đảng hằng tháng vẫn được đồng đội và ông Hồng giữ vững. “Trong khoảng 10 ngày đầu tháng, dù vô cùng khó khăn, chi bộ vẫn sinh hoạt định kỳ. Khi thì tranh thủ trong hầm, khi cơ động bên mép suối, bìa rừng. Lúc họp sáng, có khi họp đêm, chi bộ hơn 20 người vẫn giữ nếp sinh hoạt đều đặn để triển khai các nhiệm vụ quan trọng”, ông Hồng kể. 

Là đơn vị vận tải nên mục tiêu hàng đầu là bảo đảm đầu xe, an toàn và sức khỏe cho chiến sĩ lái xe. Càng gần đến ngày thắng lợi, đơn vị càng phải đáp ứng yêu cầu khẩn trương vượt cung, tăng chuyến, đưa nhiều hàng đến đích. Quán triệt tinh thần này, mỗi đảng viên trong chi bộ luôn là hạt nhân ở các tổ, nắm sát các nguyện vọng, yêu cầu của chiến sĩ, kịp thời phản ánh, xin ý kiến cấp ủy. Ông Hồng nhớ gần đến ngày giải phóng, yêu cầu phục vụ chiến trường gấp gáp, nhưng các tổ đảng vẫn kịp thời họp, trao đổi thông tin 2 chiều đều đặn. Nhiều người đã được kết nạp vào Đảng bởi lập công trong chiến đấu.

Ông Nguyễn Văn Vận ở phố Chi Lăng (TP Hải Dương), cựu chiến sĩ đơn vị V22, Sư đoàn 571, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhớ nhất là những lần sinh hoạt chi bộ tranh thủ trước giờ làm nhiệm vụ. Ông Vận được kết nạp Đảng tháng 8.1973 tại Chi bộ Đại đội Tiểu tu, nơi đang có 9 đảng viên. Đơn vị của ông làm nhiệm vụ nuôi quân, tiếp phẩm cho các đơn vị chiến đấu từ khu vực ngã ba Khe Sanh (Quảng Trị) dọc theo quốc lộ 14 nên suốt ngày, suốt đêm đều bận rộn. Sinh hoạt chi bộ vì thế luôn được triển khai nhanh gọn nhất. Ông nhớ thường là ban chi ủy hội ý rồi triệu tập đảng viên sinh hoạt chi bộ vào ban đêm, hoặc tối tại khu hầm đơn sơ của đơn vị. Nội dung chủ yếu là quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chiến sĩ; bàn giải pháp để tăng cao hiệu suất phục vụ chiến đấu, nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn cho chiến sĩ... Thời gian sinh hoạt chi bộ có lúc khoảng 30 phút, có cuộc 1 giờ, linh hoạt theo nhiệm vụ chiến đấu. Không có đủ sổ sách, giấy bút để ghi chép, nhưng đảng viên nào cũng ghi nhớ rõ nhiệm vụ, tổ chức triển khai nhanh chóng.

 Ông Vận còn nhớ khoảng cuối năm 1973, đầu năm 1974, đơn vị ông làm nhiệm vụ vận tải nên chiến sĩ bị thương, hy sinh nhiều, một số người tư tưởng có lúc dao động. Nắm được tình hình này, đảng viên ở các tổ đảng kịp thời báo cáo chi ủy, chỉ huy đơn vị. Lập tức Đảng ủy ra nghị quyết. Chi bộ Đại đội khẩn trương quán triệt nghị quyết của cấp trên, bàn các giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, củng cố tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ. Chi bộ phân công mỗi đảng viên đồng thời là cán bộ cốt cán của từng đơn vị để kịp thời phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu gương cho chiến sĩ học tập.

Nêu cao trách nhiệm đảng viên

Giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhiều đảng viên trong chiến trường chưa bỏ sinh hoạt Đảng lần nào. Ý thức trách nhiệm đảng viên luôn được nêu cao. Ngay khi còn là đảng viên dự bị, ông Vận đã luôn nêu cao trách nhiệm thực hiện và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà tổ chức giao. Trước khi được chuyển Đảng chính thức, đơn vị cử ông đưa một thương binh bị hỏng cả hai mắt từ Khe Sanh ra địa điểm điều dưỡng thương binh ở Gia Viễn (Ninh Bình) chỉ trong 6 ngày. Ông vừa đi, vừa dìu thương binh, khi đi nhờ xe, khi đi bộ và đến địa điểm đúng thời gian yêu cầu. Lúc này, trong ông có sự đấu tranh tư tưởng, một là quay ngay vào đơn vị, hai là tranh thủ về nhà vì ông đã đi biền biệt mấy năm liền. Nhưng tự nhủ phải gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ, ông đã chiến thắng nỗi nhớ nhà, lập tức quay lại đơn vị. Cũng từ đó, như nhiều đảng viên trưởng thành trong môi trường quân đội khác, ông Vận luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách Phạm Đình Bẩy cũng là đảng viên được kết nạp ngay sau 24 ngày đêm ông cùng đồng đội bám trụ kiên cường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Mặc dù lúc đó vì lý do bảo mật ông không được biết tên chi bộ, không được chia sẻ niềm vui này với đồng đội, nhưng chàng trai chưa đầy 18 tuổi khi ấy luôn tự hào nêu cao ý thức người đảng viên. Ông Bẩy và nhiều đồng đội, đồng chí trực tiếp chiến đấu dù chưa được tham gia các buổi sinh hoạt Đảng có đầy đủ các thành phần trong chi bộ, nhưng ông nhớ mọi đảng viên đều nắm chắc, kịp thời các mệnh lệnh, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thông qua trao đổi trực tiếp trong những phút tranh thủ hiếm hoi giữa các trận đánh. Với tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, ông được biểu dương và được đơn vị cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngay sau khi được kết nạp Đảng. 

Nền nếp sinh hoạt Đảng trong chiến trường được nhiều chi bộ duy trì đều đặn tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, nhiều đảng viên 45 - 50 năm tuổi Đảng như các cựu chiến binh Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Văn Vận vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt Đảng.

LINH AN