Phạt thế nào?

Chính trị - Ngày đăng : 10:59, 01/05/2018

Mới đây, câu chuyện cô giáo ở Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận rất bức xúc.

Có người khi mới nghe chuyện đã phải thốt lên: "Cô ta bị điên rồi!". Vụ việc này còn chưa bớt nóng thì dư luận lại phải bận tâm vì vụ phạt 42 học sinh đứng hành lang hơn 2 giờ ở Trường THCS và THPT Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Các hình thức phạt trong môi trường học đường được coi như một cách để duy trì kỷ cương, kỷ luật trong nhà trường, giống như một xã hội thì phải được điều hành bằng pháp luật, quy định... Phổ biến nhất là hình thức đánh bằng roi hay bắt học sinh chép phạt, làm bản kiểm điểm có chữ ký của bố mẹ... Nhưng ngay cả hình thức có khuynh hướng bạo lực như đánh đòn thì thầy cô cũng chỉ đánh vào lòng bàn tay mang tính cảnh cáo, răn đe học trò chứ không ai đánh như đòn thù cả.

Khi nào phạt, phạt như thế nào, bằng cách nào là cả một nghệ thuật. Trước khi trách phạt, giáo viên cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân gây ra khuyết điểm của học trò. Phải tìm cách phân tích cho học trò thấy được cái sai của mình để rồi tâm phục, khẩu phục dù có bị phạt. Phạt đúng sẽ giúp học sinh tiến bộ, phạt không đúng người, đúng tội có thể khiến các em ấm ức, sinh ra thù ghét thầy cô, sợ hãi môn học có thầy cô đó giảng dạy...

Mỗi lần bị thầy cô phạt là một lần khiến học sinh nhớ đời, cảm giác ăn năn, hối hận vô cùng. Ấy là bởi đằng sau mỗi hình thức phạt đều ẩn chứa sự quan tâm, thương yêu học trò của người thầy. Mỗi học sinh khi nhận hình thức phạt đều hiểu rằng thầy cô có "yêu" mới "cho roi cho vọt". Hình thức giáo dục này sẽ giúp học sinh làm quen với kỷ luật, kỷ cương ngay từ khi còn nhỏ, để khi trưởng thành trở thành những công dân nghiêm túc chấp hành, tôn trọng pháp luật.

Đằng này những hình phạt mà các thầy cô giáo ở 2 trường trên áp dụng lại phản giáo dục. Đặc biệt là hình phạt mà cô giáo ở Trường Tiểu học An Đồng áp dụng chả khác gì một nhục hình thời trung cổ, ai cũng thấy xót xa, bất bình. Không một người có lý trí nào lại suy nghĩ và hành động như vậy. Hành vi này không chỉ "làm nhục" học trò mà còn làm tổn hại đến sức khỏe của cháu bé. Ngành giáo dục Hải Phòng đã có hình thức xử lý thích đáng đối với cô giáo này. Nhưng nhiều người cho rằng việc cô giáo bị đuổi khỏi ngành có khi cũng vẫn chưa đủ. Bởi đứa trẻ kia sẽ mang theo nỗi kinh sợ cả đời, khó lòng có thể quên. 

Gần đây, ngành giáo dục liên tục xảy ra những vụ việc đau lòng xuất phát từ cả hai phía: thầy cô có những hành vi ngược đãi học trò và ngược lại cũng có những học sinh gây án đối với những thầy cô đang dạy dỗ mình. Những câu chuyện trên cho thấy truyền thống "Tôn sư trọng đạo" đang có phần bị mai một, lung lay. Nó gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức nhà giáo, đạo đức học đường. Phải làm sao để khôi phục lại môi trường sư phạm chuẩn mực, nơi mà tình thầy trò được tôn vinh? Câu trả lời thuộc về các gia đình và trường học.

KIM THANH