Thanh niên tự thân vận động để khởi nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 05/05/2018
Đa số thanh niên vẫn phải tự thân vận động trong quá trình khởi nghiệp. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) tự mình đảm nhiệm mọi việc ở trang trại
Lấy kiến thức làm đòn bẩy
Sinh năm 1988, có bằng tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) lại cất tấm bằng đại học vào tủ để theo đuổi ước mơ trở thành một nhà nông giỏi. Được học hành bài bản nên anh Thắng làm nông nghiệp theo cách riêng của một trí thức chứ không theo lối truyền thống. Anh học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà trên sách, báo và thông qua một số bạn bè từng thành công trong lĩnh vực này. Nắm bắt được tâm lý khách hàng hiện nay chuộng thực phẩm sạch nên anh Thắng đã chọn khu đất đồi xa khu dân cư, thoáng đãng làm địa điểm đặt trang trại. Ngay ở cổng vào trang trại, anh bố trí hệ thống sát trùng, tránh người lạ mang mầm bệnh cho vật nuôi. Anh cũng không cho gà, cá ăn thức ăn tăng trọng hay dùng thuốc kháng sinh. Các loại thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng, dụng cụ chăn nuôi được sắp đặt gọn gàng trong một kho. Trang trại chăn nuôi rộng nhưng chỉ có một mình anh Thắng đảm nhiệm. Ai cũng ngạc nhiên vì nhiều việc mà anh vẫn thu xếp đâu vào đấy. Anh Thắng cho biết: “Kiến thức ở trường kinh tế đã giúp tôi sắp xếp công việc khoa học”. Anh bố trí giờ ăn cho vật nuôi một cách khoa học, tạo thành thói quen nên dù có làm một mình anh Thắng vẫn thong thả. Đến nay, anh Thắng đã làm trang trại được khoảng 4năm nhưng chưa năm nào thất bại. Mỗi năm trang trại của anh xuất chuồng khoảng 2,5 vạn con gà thịt, hơn 60 tấn cá rô đầu vuông, ba ba. Trừ chi phí, anh Thắng thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ nhà hàng 789 ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) cũng đã từ bỏ cơ hội làm công chức ở xã để đi theo con đường kinh doanh. Do có kinh nghiệm 18 tháng theo học hệ trung cấp nấu ăn nên chị Hằng đã mở nhà hàng ăn uống phục vụ hành khách đi lại trên quốc lộ 5. Năm 2008, chị Hằng xây dựng nhà hàng đầu tiên. Đến năm 2017, chị tiếp tục đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để xây dựng nhà hàng thứ 2. Mặc dù vẫn phải vay mượn nhiều nhưng chị Hằng cho biết: “Tôi rất thích nghề này và mong muốn mở chuỗi nhà hàng ăn nên đành liều một phen”.
Chưa bền vững
Đa số thanh niên vẫn khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để khởi nghiệp. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Kỳ ở khu 6, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) phải vay vốn nhiều nơi để mở xưởng làm nhôm kính
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đại đa số thanh niên đều phải tự thân vận động để khởi nghiệp mà chưa tiếp cận được vốn vay cũng như những sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn. Họ chủ yếu vay mượn của người thân trong gia đình, của ngân hàng và dần tích lũy vốn để mở rộng mô hình kinh doanh của mình. Anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn Trại Mới, xã Hiệp An (Kinh Môn) là một trong nhiều thanh niên như vậy. Năm 2016, anh Đạt mở một trang trại rộng khoảng 3.500 m2. Đến nay anh Đạt đã thuê tiếp 2 mảnh đất rộng để lập thêm 2 trang trại chăn nuôi nữa. Để có được cơ ngơi như hôm nay anh Đạt đang phải vay rất nhiều vốn từ ngân hàng. Anh Đạt chia sẻ: “Lúc đầu tôi phải vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để làm trang trại. Khi có lãi lại muốn cơi nới thêm để mở rộng khu chăn nuôi nên vốn cứ thâm hụt. Không được hỗ trợ gì nên nhiều lúc cũng thấy bấp bênh”.
Tự mình bắt tay vào gây dựng sự nghiệp, họ phải đối mặt với nhiều rủi ro như loay hoay không tìm được đầu ra cho sản phẩm, gánh nặng nợ nần... Một số thanh niên có tâm lý bốc đồng, vung tay quá trán, đầu tư làm ăn theo trào lưu nên không ít mô hình chưa bền vững, thậm chí đã bị chết yểu.
Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động năm 2016 là động lực, môi trường lớn để hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên để đề án triển khai hiệu quả, các cấp bộ Đoàn không thể chỉ thụ động ngồi chờ xét duyệt những dự án đã "ngon lành" để cấp vốn và ung dung đợi ngày dự án đơm hoa kết trái mà phải tham gia tư vấn cho thanh niên. Đoàn phải làm trung gian giúp chủ dự án kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, để những thanh niên có chung ý tưởng có thể hợp tác với nhau cùng khởi nghiệp. Như thế thanh niên có thể bổ khuyết cho nhau về mặt ý tưởng, chung vốn để "Góp gió thành bão". Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi bắt tay khởi nghiệp, thanh niên nên bắt đầu từ quy mô nhỏ và phải gắn với đặc thù của địa phương để có thể khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, đồng thời phải định hướng được chiến lược phát triển trong tương lai. Đó mới là hướng đi bền vững.
MINH NGUYỆT