Thủ tướng đối thoại công nhân: 'Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn'

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:59, 20/05/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với hơn 800 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam ngày 20.5.


Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân lao động. Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+

Chủ đề của buổi đối thoại nhân dịp Tháng Công nhân năm 2018 là "Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn".

Năng suất cao hơn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho người lao động Việt Nam những thách thức phải cải thiện và nâng cao năng suất lao động. Trong cuộc chạy đua 4.0, nếu năng suất lao động quá thấp Việt Nam sẽ bị tụt lại xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại buổi gặp gỡ công nhân lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta không có tay nghề tốt thì khó mà có năng suất tốt. Vì vậy, việc tổ chức học, nâng cao tay nghề cho công nhân hết sức cần thiết.”

“Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ trong việc đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động đến hết 2030. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ đào tạo tay nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, có mức hỗ trợ cho công nhân. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động cũng phải đóng góp hỗ trợ để nâng cao tay nghề cho công nhân. Công nhân Việt Nam trong thời đại mới phải vươn lên để có năng suất cao hơn, từ đó có phúc lợi tốt hơn,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trước yêu cầu của đổi mới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường kêu gọi anh chị em công nhân, lao động không ngừng vươn lên, tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thủ tướng trao đổi, giải đáp những ý kiến của công nhân lao động. Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+

“Chúng ta cần xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc với kỷ luật cao góp phần tăng năng suất lao động, gắn bó với doanh nghiệp và tự hào về sản phẩm trí tuệ do bàn tay, khối óc của mình tạo ra,” ông Bùi Văn Cường nói.

Phúc lợi tốt hơn

Cải thiện môi trường làm việc, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và giá trị sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng đi kèm với đó phải là chăm lo tốt hơn, nhiều hơn tới đời sống cho người lao động.

Tại cuộc gặp gỡ, công nhân lao động đã nêu lên những khó khăn đang gặp phải. Chị Phạm Thị Khuyên, công nhân Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ, để có năng suất lao động cao hơn thì người lao động phải yên tâm làm việc, thế nhưng hiện tại công nhân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhà ở, nhà trẻ cho con.

“Với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng chúng tôi phải thuê nhà dân ở, gửi trẻ ở các cơ sở tư thục... với chi phí cao, không được học trường công, chi phí điện nước rẻ như người dân địa phương, chúng tôi rất mong muốn địa phương xây dựng một số nhà trẻ tại khu vực khu công nghiệp để con em công nhân lao động có thể được đi học tại trường công,” chị Phạm Thị Khuyên kiến nghị.

Trước những băn khoăn, trăn trở của công nhân lao động về nhà ở, trường mầm non, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, những nỗ lực giải quyết vấn đề này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần dành quỹ đất và có lộ trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống nhà trẻ để con em công nhân đạt tiêu chuẩn, có sự quản lý của nhà nước không để xảy ra tình trạng con em công nhân bị bạo hành, đánh đập trong các cơ sở mần non tư thục. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm Tự hào trí tuệ lao động khu vực đồng bằng sông Hồng

Từ thực tế các thiết chế cho công nhân còn ít, Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân.

Trước những thắc mắc của công nhân lao động về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng quan hệ lao động... Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trực tiếp giải đáp thắc mắc cho công nhân tại buổi đối thoại.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, sau mỗi lần gặp gỡ đối thoại, nhiều chính sách đối với công nhân lao động được quan tâm, giải quyết ở các mức độ khác nhau, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo.

“Với những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân xung quanh các vấn đề về đời sống, việc làm, tiền lương, giá cả, sinh hoạt nhà ở, nhà trẻ, đời sống văn hóa, tình hình an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, điều kiện ăn, ở của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất… mong muốn được Chính phủ và lãnh đạo các địa phương chia sẻ và triển khai thực hiện,” ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại,Thủ tướng đã trao 65 xuất học bổng để động viên, khích lệ công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ; trao tặng 18 Mái ấm Công đoàn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng sẽ hỗ trợ 50 tỷ đồng từ ngân sách cho Quỹ “Học bổng Công đoàn Việt Nam”.

Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, đối thoại với anh chị em công nhân và cán bộ công đoàn. Sau mỗi lần gặp gỡ đối thoại, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân được Thủ tướng lắng nghe, chia sẻ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chính sách đảm bảo đời sống, việc làm cho công nhân lao động.

Trước đó, ngày 19.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, kiểm tra việc triển khai xây dựng dự án thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam và thăm hỏi một số gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn sống tại Khu công nghiệp.

Theo kết quả thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên năm 2017, Tổng Liên đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 18 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty, mang lại các dịch vụ và sản phẩm cho đoàn viên công đoàn với mức giảm giá từ 5-25% so với giá niêm yết.

Các cấp Công đoàn chủ động đàm phán, ký kết 1.139 thỏa thuận với các doanh nghiệp, các đối tác; tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tạo điều kiện trên 1,7 triệu lượt đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi với tổng giá trị ưu đãi đạt trên 526 tỷ đồng.

HỒNG KIỀU (Vietnam+)