Bảo đảm tính độc lập, khách quan, công bằng khi giải quyết vụ việc cạnh tranh
Chính trị - Ngày đăng : 19:07, 24/05/2018
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng)
Quan điểm khác nhau về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, một số đại biểu không đồng tình với quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, cho rằng cách xác định địa vị pháp lý của Ủy ban như vậy không phù hợp với tính chất quốc gia như tên gọi. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) phân tích: Đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý, quyết định các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế một cách khách quan, công bằng và chỉ tuân theo luật trong quá trình hoạt động. Cơ quan này phải đảm bảo được tính độc lập cần thiết để xem xét, giải quyết, ra quyết định về việc xác định hành vi của doanh nghiệp là vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, đi cùng với việc áp dụng biện pháp chế tài mà không chịu áp lực nào của bất kỳ doanh nghiệp có liên quan hoặc từ cơ quan bên ngoài Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Vì vậy, để đảm bảo tính độc lập của Ủy ban, bảo đảm các quyết định của Ủy ban khi xử lý các vụ việc cạnh tranh khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật thì không nên ghi Ủy ban này là cơ quan thuộc Bộ Công Thương.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), việc thành lập Ủy ban cạnh tranh Quốc gia với bộ máy đồ sộ, cồng kềnh như dự thảo Luật sẽ làm phình to bộ máy quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Ngoài ra, dự thảo Luật giao quá nhiều quyền cho Ủy ban này dễ tạo cơ chế xin-cho. Vì thế, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị giao chức năng điều tra vụ việc cạnh tranh cho lực lượng cảnh sát kinh tế thuộc ngành Công an, giao việc xét xử vụ việc cạnh tranh cho ngành Tòa án.
Đối với việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia áp dụng một số biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh như khám phương tiện, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm… (Điều 85 dự thảo Luật), một số ý kiến cho rằng, quy định này mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) chỉ rõ: Về nguyên tắc, chỉ có các chủ thể được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia không là 1 trong 13 nhóm chủ thể được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là vấn đề cần được cân nhắc, xem xét thận trọng để tìm giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Làm rõ hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Liên quan đến quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, nhiều ý kiến đề nghị tại Điều 13 và Điều 28 dự thảo Luật cần quy định rõ các tiêu chí để có cơ sở đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh “một cách đáng kể”, xác định sức mạnh thị trường “đáng kể”; có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường rất đa dạng, phức tạp, do vậy, để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh "một cách đáng kể" phải dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí có thể định lượng được, có những tiêu chí được đánh giá trên cơ sở phân tích kinh tế phụ thuộc vào tính chất của thị trường liên quan, loại hành vi cụ thể. Tương tự, để đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, phải xem xét các yếu tố đánh giá ở trạng thái động, trong mối tương quan so sánh với các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Việc đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh và xác định sức mạnh thị trường đáng kể tương đối phức tạp, nếu quy định cụ thể tiêu chí trong luật có thể dẫn tới bỏ sót khi xác định hành vi vi phạm, khó linh hoạt trong điều hành. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy luật chỉ quy định tiêu chí đánh giá mang tính nguyên tắc, việc đánh giá cụ thể được quy định tại các văn bản hướng dẫn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 13 và Điều 27 dự thảo Luật theo hướng quy định những tiêu chí chung để có cơ sở đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, xác định sức mạnh thị trường đáng kể đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, dự thảo Luật chưa làm rõ hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể xác lập bằng văn bản hay bằng các chứng cứ khác như email, tin nhắn, ghi âm? Thời điểm được xem xét là ngày hình thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các doanh nghiệp đã thống nhất về kế hoạch thực hiện hay khi bắt đầu thực hiện thỏa thuận? Doanh nghiệp cần hiểu chính xác vấn đề nhạy cảm này để có thể tự xác định cần làm gì nhằm tránh vi phạm luật.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Cạnh tranh chưa làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phân tích, thực tế cho thấy, không có nhiều doanh nghiệp vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh để bảo đảm quyền lợi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở dĩ có thực trạng này là vì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức theo đuổi các vụ kiện cạnh tranh. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, Khoản 1, Điều 116 của dự thảo Luật quy định trường hợp cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi bị cấm, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan Nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả là rất phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Sỹ đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ ai làm người có thẩm quyền xác định hành vi của cơ quan Nhà nước bị cấm. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ quy trình khắc phục hậu quả, trách nhiệm, hình thức và cách thức xử lý trách nhiệm trong trường hợp này nhằm tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Theo chương trình, ngày mai 25.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Phiên thảo luận sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Theo TTXVN