Gần lắm Trường Sa: Sừng sững giữa Biển Đông
Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 25/05/2018
Cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao chào tạm biệt các thành viên đoàn công tác
Cụm đảo Sinh Tồn, gồm các đảo: Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Cô Lin, Huy Gơ và Gạc Ma. Trong đó, hai đảo Gạc Ma và Huy Gơ đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam. Len Đao vẫn sừng sững giữa Biển Đông như một biểu tượng cho sức mạnh bất tử.
Điểm nóng nhất trên quần đảo
7 giờ sáng, tàu kiểm ngư KN-491 đưa các đoàn rời đảo Sinh Tồn Đông đến đảo Len Đao. Quãng đường di chuyển chỉ khoảng 16 hải lý nhưng tàu phải chạy mất gần 2 giờ. Trên đường đi đến đảo Len Đao, tàu KN-491 đi ngang qua đảo Huy Gơ hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 4 hải lý. Thuyền trưởng tàu KN-491 Nguyễn Thanh Hải yêu cầu mọi thành viên trong đoàn xuống dưới boong tàu để bảo đảm an toàn vì đây là khu vực rất nhạy cảm. Các tàu lạ có thể lao ra tổ chức đâm va, gây hấn bất cứ lúc nào.
Gần 9 giờ sáng, tàu KN-491 thả neo cách đảo Len Đao khoảng 500 m. Dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - Trưởng đoàn công tác, Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải đưa ống nhòm lên quan sát mọi động thái của các tàu từ phía đảo Gạc Ma cách đảo Len Đao khoảng 5,6 hải lý.
"Phía trước là đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm trái phép rạng sáng 14.3.1988. Phía Trung Quốc đã bồi đắp trái phép đảo này rộng khoảng 13 ha, xây nhiều công trình lớn. Xung quanh đảo luôn có ít nhất 1 tàu hộ vệ tên lửa thường trực, 16-20 tàu quân sự hiện đại được ngụy trang là tàu cá sẵn sàng va đâm với tàu thực thi pháp luật trên biển và tàu cá của ta", thuyền trưởng Hải nói.
Sau khi đoàn công tác nghe Chỉ huy trưởng đảo Len Đao báo cáo hoạt động trên đảo, đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác bởi nơi đây là điểm nóng nhất trên quần đảo Trường Sa hiện nay. Cán bộ, chiến sĩ luôn phải có đối sách khôn khéo, không lùi bước trong mọi tình huống để bảo vệ đảo. Phải luôn khắc sâu câu nói của thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước khi anh dũng hy sinh rạng sáng 14.3.1988: “Không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Sẵn sàng chiến đấu hy sinh
Mặc dù gần đảo Gạc Ma nhưng tinh thần cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Len Đao không hề nao núng mà thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, xử lý khôn khéo, đúng đối sách, kiên quyết, kiên trì để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Khi chiếc xuồng chở chúng tôi vừa cập đảo, trung úy Trần Đức Khánh (sinh năm1983, quê Ninh Bình) dáng người dong dỏng, rắn chắc, nước da sạm nắng đặc trưng của nắng gió biển khơi nở nụ cười tươi chào đón đoàn lên thăm. "Em mới ra làm nhiệm vụ tại đây từ tháng1.2018. Những ngày đầu còn khá bỡ ngỡ nhưng sau đó được chỉ huy, chính trị viên phổ biến về trận chiến trên đảo Gạc Ma rạng sáng 14.3.1988, em đã hiểu hơn về lịch sử dân tộc, sự hy sinh của các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", trung úy Khánh xúc động nói.
Trung úy Khánh cho biết thêm khi ra đảo, những người lính hải quân đã xác định tư tưởng không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng vững tay súng, chiến đấu hy sinh khi đất nước đối diện với hiểm nguy.
Đại úy Phạm Văn Lưu, Chính trị viên đảo Len Đao cho biết vào ngày 14.3 hằng năm, trên đảo đều tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức yêu nước, tinh thần sẵn sàng chiến đấu khi đối diện với các thế lực có âm mưu, hành động gây hấn, xâm chiếm vùng đất, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo đại úy Lưu, ngoài việc tổ chức lễ tưởng niệm, ghi công các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa, mọi người cần phải tổ chức giáo dục, tuyên truyền để thanh niên, sinh viên, học sinh cả nước hiểu rõ hơn về trận chiến có ý nghĩa lịch sử này. Qua đó, giáo dục các bạn trẻ ý thức tự tôn dân tộc, sẵn sàng đối diện với khó khăn gian khổ, không được dao động trước kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
PHƯƠNG LINH
Rạng sáng 14.3.1988, Hải quân Trung Quốc sử dụng nhiều tàu chiến trang bị vũ khí hiện đại bao vây các tàu vận tải của Việt Nam đang tiếp tế lương thực, thực phẩm, quân tư trang cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo Gạc Ma, CôLin, Len Đao. Tàu HQ604 cùng các cán bộ, chiến sĩ đóng ở đảo Gạc Ma và tàu HQ605 đóng ở đảo Len Đao bị tàu Trung Quốc điên cuồng bắn cháy. Tàu HQ505 đang đóng ở đảo Sinh Tồn được lệnh đến ứng cứu cũng bị trúng đạn của kẻ thù. Với hành động mưu trí, dũng cảm, Thuyền trưởng tàu HQ505 đã cho tàu lao thẳng lên đảo Cô Lin giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở phía đảo Gạc Ma, các chiến sĩ công binh chiến đấu một mất một còn với quân xâm lược Trung Quốc. Mặc dù cuộc chiến không cân sức nhưng thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma ôm quốc kỳ cùng các chiến sĩ trên đảo kết thành vòng tròn quyết bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong sự kiện bi tráng này, 64 cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma và 3 tàu của Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. |