Chuyện nữ doanh nhân Hải Dương cao 93 cm

Kinh tế - Ngày đăng : 18:06, 27/05/2018

Có thể bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn - câu quảng cáo quen thuộc đã được nhiều người mượn để ca ngợi cô gái cao 93 cm.


Lý bên cha mẹ

Ở tuổi 27, cô nàng khuyết tật 9x có thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng, sở hữu nhiều bất động sản có giá trị… nhờ sự tự tin và nhạy bén trong kinh doanh thời công nghệ số.

Bị thiếu hoocmôn phát triển chiều cao, không được can thiệp kịp thời nên Đinh Thị Lý đành mang vóc dáng trẻ con suốt đời, cao 93 cm, nặng chưa đầy 30 kg. Cô tự miêu tả đôi chân của mình: ngắn ngủn, tong teo, hơn 3 tuổi vẫn chưa thể bước đi. Còn bây giờ, di chuyển 400, 500 m là một thách thức với Lý.

Đinh Thị Lý là con út trong gia đình có 4 chị em gái, bố mẹ làm nghề nông ở thôn Nghĩa Khê, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Giữa muôn trùng khó khăn của đời sống mưu sinh nhưng bố mẹ và các chị Lý luôn cưng cô như trứng mỏng. Từ bé, Lý không phải làm lụng bất cứ công việc gì, chỉ tập trung vào học. Thấy con gái tuy thiệt thòi về sức khỏe nhưng trí tuệ thông minh nên cha mẹ không gửi cô vào những ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Lý học ở ngôi trường dành cho học sinh bình thường. Sự ngoan ngoãn và thông minh của cô tạo thiện cảm tốt đẹp với thầy cô và bạn bè. Sống trong tình yêu thương đủ đầy của gia đình và nhà trường nên Lý luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Chính ba mẹ và ông ngoại của Lý là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời, giúp cô vượt qua thử thách của số phận: “Từ nhỏ ba mẹ và ông ngoại luôn giáo dục tôi, không ai lựa chọn được xuất thân của bản thân, còn sống thế nào thì lại do chính mình quyết định, con có khó khăn gấp nghìn lần mọi người thì con hãy dùng trí tuệ và sự cố gắng của mình, phấn đấu gấp nghìn lần họ, kết quả sẽ đem lại điều không ngờ”.

Khởi nghiệp từ thời sinh viên

Kết thúc 12 năm học phổ thông, Lý chọn ngành công nghệ thông tin: “Tôi cảm thấy ngành này phù hợp với người khuyết tật và không phải đi lại nhiều”. Ở Sài Gòn có hai trường lớn đào tạo về công nghệ thông tin: Trường ĐH Bách Khoa (thiên về kỹ thuật), ĐH Khoa học Tự nhiên (thiên về nghiên cứu). Cô đã chọn trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Gia đình chính là những người định hướng tương lai cho Lý: “Khi đó internet bắt đầu phát triển hơn ở Việt Nam, nên báo đài, ti vi giới thiệu  nhiều ngành, nghề công nghệ thông tin. Cả nhà tôi cùng tìm hiểu và định hướng cho tôi nên học ngành này”, cô nhớ lại.

Khi Lý đỗ đại học, mẹ cô đã bỏ lại gia đình, gác lại công việc đồng áng để “khăn gói quả mướp” theo con Nam tiến lấy tấm bằng cử nhân. Cảm động trước hình ảnh người mẹ 50 tuổi ngày ngày đạp xe đưa con gái đi học, nhà trường đã giúp bà có việc làm ở căng-tin hoặc các trung tâm tiếng Anh của trường để có thêm thu nhập, bù đắp vào chi phí nuôi con ăn học giữa Sài thành đắt đỏ.

Không phụ sự hi sinh vô bờ của cha mẹ, Đinh Thị Lý nỗ lực học hành và tìm kiếm những cơ hội lập nghiệp ngay từ khi còn đang là sinh viên năm thứ nhất. Cô gái Hải Dương mau chóng nhận ra tiềm năng màu mỡ từ lĩnh vực quảng cáo số (Digital Marketing). Cô tham gia một khóa học để có kiến thức căn bản về lĩnh vực này, tham gia làm cộng tác viên online để tích lũy kinh nghiệm. Chính từ đây cô nàng sinh năm 1991 tìm ra con đường khởi nghiệp: Ngành SEO online (Tối ưu hóa tìm kiếm của người dùng). Bây giờ, cô là chủ của thương hiệu “Nữ hoàng SEO”. Cái tên “Nữ hoàng SEO” do chính cô nghĩ ra. Cô nói vui về hai chữ “Nữ hoàng” tự nhận: “Cái gì thì thiếu, chứ tự tin thì thừa. Làm trong lĩnh vực quảng cáo, nếu rụt rè là thua”. Nhiều khách hàng của cô có khi quên cái tên chân chất “Đinh Thị Lý”, chỉ ghi nhớ thương hiệu cô tạo dựng. Hiện nay, “Nữ hoàng SEO” sở hữu khối tài sản đáng mơ ước ở tuổi 27: Nhà riêng và hai mảnh đất, trong đó có một mảnh đất có diện tích 1.000 m2 ở Sài Gòn. Ngay chuyện đầu tư vào bất động sản, Đinh Thị Lý cũng chứng tỏ sự tự tin, mạnh mẽ: Cô mua đất khi chỉ có trong tay một nửa số tiền. Vừa làm việc, vừa tích lũy, cuối cùng từ một người khuyết tật tay trắng, cô đã trở thành bà chủ một số bất động sản ở ngay mảnh đất cô lập nghiệp.

Lý và câu lạc bộ doanh nhân trẻ

Nhưng không có con đường nào trải hoa hồng. Dù sức khỏe không cho phép, cô vẫn làm việc liên tục 8-10 tiếng mỗi ngày. Công việc cũng không thuận buồm xuôi gió ngay, như chuyện xin tài trợ. Mặc dù cô không xin tiền, chỉ xin kinh nghiệm, xin hỗ trợ giảng dạy nhưng không phải lúc nào cánh cửa cũng mở với cô sinh viên khuyết tật giàu ước mơ: “Có người không xem dự án của tôi, có người xem rồi bỏ qua…”. Khách hàng cũng rất đắn đo khi đặt cược niềm tin vào “Nữ hoàng SEO”, vì họ băn khoăn không biết cô có đủ sức khỏe để thực hiện dự án không? Nhưng khi dự án kết thúc, ai cũng nhận ra, cô là người đề cao chữ “tín”. Vì thế, càng ngày cô càng “đắt khách”.  Một doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp nhờ chiến lược marketing hiệu quả của Lý đã đạt được mục tiêu suất ăn ngoài dự kiến, từ 500 suất ăn sau hơn 4 năm đã đạt hơn 5.000 suất mỗi ngày.

Nghỉ hưu “non” để… đi du lịch

Cô có ý định nghỉ hưu ở tuổi 30, tức là khoảng 3 năm nữa. Nhiều người nói: Cô nên cống hiến thêm rồi nghỉ hưu cũng chưa muộn. Đinh Thị Lý tâm sự: “Tôi nghỉ hưu không có nghĩa là cắt hẳn hoàn toàn với công việc”. Hiện tại, cô đang xây dựng đội ngũ nhân viên, cộng sự tốt để chuyển giao dần công việc. Sau này, cô chỉ đứng ở vị trí quản lí chung, thỉnh thoảng nếu dự án gặp khó khăn, cô mới góp mặt giải quyết. Bởi vì “đời người như gió qua”, ba mẹ Lý đã bước vào mùa thu cuộc đời. Cô muốn dành thời gian để cùng ba mẹ đi du lịch. Nhiều năm trước, cô gửi cha mẹ một bức thư nghẹn ngào: “Từ khi sinh ra, con đã được thượng đế sắp đặt là một đứa con tật nguyền của ba mẹ, là thiên thần của các chị yêu thương (…). Đôi chân con ngắn ngủn, tong teo, thân hình con bé tẹo lại thường xuyên đau ốm. Vậy mà từ những bước đi chập chững, miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học hành ba mẹ đều ở bên vỗ về, động viên con”. Dù công việc bộn bề nhưng không ngày nào Lý không ngắm nhìn gương mặt mẹ: “Con nhìn thấy những nếp nhăn hiện lên trên khuôn mặt phúc hậu của mẹ. Con nhìn thấy những giọt mồ hôi còn nóng trên gương mặt của mẹ… từng giọt, từng giọt lặng lẽ rơi. Con yêu lắm đôi bàn tay của mẹ nắm chặt tay con lúc qua đường, mặc dù con đã là một cô bé 21 tuổi”. Nghĩ đến cha Lý cũng rưng rưng: “Mười hai năm ba chở con đến trường đi học, con ngồi sau lưng ba, nép vào lưng ba, tấm lưng đã lao động cực nhọc cả cuộc đời để giữ mãi trên môi con nụ cười. Chưa bao giờ ba phải để con đợi chờ ba lúc tan trường (…). Khi con đỗ vào đại học, con biết ba đã thức suốt mấy đêm liền vì lo lắng cho con. Nhưng giờ đây, con nghĩ rằng con đang trưởng thành rồi. Vì vậy ba hãy sống cho mình một chút, ba nhé!”.

Doanh nhân Đinh Thị Lý

Cho người khuyết tật “cần câu”

Tôi hỏi Đinh Thị Lý: “Cô có định viết tự truyện?”. Bằng giọng nói đậm chất quê hương, đó đây vẫn lẫn lộn “l,n”, Lý đáp: “Nếu sau này có điều kiện phù hợp, có thể tôi cũng nên viết tự truyện. Bởi vì người khuyết tật rất cần những định hướng, nếu tôi có thể kể chút ít về con đường của mình, không những có ích với các bạn khuyết tật mà cũng có ích với bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp, họ cũng cần kinh nghiệm của người đi trước”. Lý nói, bây giờ sở dĩ cô chịu lên báo, vì cô muốn lưu lại kỷ niệm đẹp ở một giai đoạn cuộc đời đã phấn đấu hết mình để đạt được những thành công nhất định. Trước đây, khi Lý vẫn là sinh viên, nhiều bạn trẻ đã đề nghị được viết bài song cô từ chối: “Nếu chỉ viết về cuộc sống khó khăn của mình thì cũng có nhiều trường hợp như mình trong cuộc sống. Mình với họ không có gì khác nhau cả”.

Sở hữu một khối tài sản và thu nhập đáng mơ ước, liệu “nữ hoàng SEO” có định dành một phần tài sản cho những người có hoàn cảnh như mình? Cô cười, thật thà đáp: Vì cô còn quá ít tuổi so với dự định lớn lao ấy. Cô cần thời gian, cần những kinh nghiệm sống để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng chưa bao giờ Đinh Thị Lý lãng quên người khuyết tật. Dự án đầu tiên của cô từ thời sinh viên là dự án dành cho người khuyết tật, cô mở lớp học online dạy miễn phí cho gần 100 bạn khuyết tật nhằm chuẩn hóa kiến thức thức SEO để thu hút nhân lực cho các công ty SEO của CLB SEO Việt Nam. Cô dự định, có thể trong 1-2 năm tới, sẽ trở lại dự án này để truyền lại kiến thức cho những người có hoàn cảnh như mình, để họ có thêm những lựa chọn công việc: “Tôi muốn đưa cho họ cái cần câu”, Lý nói. Hiện tại, cô đang dẫn dắt một “team”  hầu hết là người khuyết tật, cho phép họ sử dụng thương hiệu của cô, dưới sự quản lí của cô để khởi nghiệp.

Một cô gái giàu nghị lực, có sự nghiệp và cơ ngơi vững vàng như Lý lại lựa chọn đi một mình trong cuộc đời. Cô không mơ tình yêu đẹp: “Tôi đã có những rung động trong cuộc đời nhưng yêu nhau là một chuyện, lấy nhau lại không phải chuyện của hai người, mà là chuyện của hai gia đình”. Cô xác định: Sức khỏe yếu, không thể làm mẹ, không quản lí được gia đình. Nhưng Lý sẽ tìm những niềm vui khác trong cuộc sống. Một trong những ước mơ ấp ủ của cô là được du học về ngành nghề mà cô đang theo đuổi nhưng hiện tại ước mơ đành gác lại: “Mẹ tôi đã lớn tuổi rồi, bà không thể đi theo con gái trên mọi nẻo đường như khi tôi còn đang học đại học”.

ĐÀO NGUYÊN (Tiền phong)