Chạy nước rút cho kỳ thi THPT quốc gia. Bài cuối: Thầy cô sát cánh cùng học trò
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 12:31, 05/06/2018
Giáo viên Trường THPT Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) tập trung ôn tập cho học sinh
Ôn luyện kỹ càng
Trường THPT Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) hiện có 240 học sinh lớp 12 đang học tại 6 lớp. Năm nay, đề thi THPT quốc gia có lượng kiến thức rộng hơn, bao gồm cả kiến thức lớp 11 nên sẽ khó hơn năm trước. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, nhà trường đã triển khai dạy học kết hợp ôn tập lồng ghép kiến thức lớp 11 cho học sinh từ sớm. Nhà trường tổ chức cho học sinh kiểm tra khảo sát chất lượng, làm bài thi thử để các em làm quen với dạng đề thi và chủ động đánh giá chất lượng học sinh.
Theo cô giáo Tạ Thị Lợi, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Tuệ Tĩnh, năm nay, tỷ lệ học sinh của trường đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ngang nhau. Lượng kiến thức khá rộng nên ngay từ đầu năm 2018, nhà trường đã yêu cầu giáo viên các bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho từng lớp. "Các tổ chuyên môn đều họp để trao đổi, xây dựng kế hoạch ôn tập lại kiến thức lớp 11 cho học sinh. Trong chương trình giảng dạy lớp 12, chúng tôi cũng tích hợp, lồng ghép các kiến thức liên quan đến lớp 11 để học trò dễ dàng tiếp cận kiến thức theo kiểu ra đề thi năm nay", cô Lợi nói.
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, việc ôn tập diễn ra khẩn trương tại tất cả các trường. Sau khi đánh giá, phân tích cấu trúc, khối lượng kiến thức đề thi, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, giáo án phù hợp cho từng bộ môn. Tùy từng đối tượng học sinh khác nhau, mỗi nhà trường, giáo viên đều có cách tổ chức ôn luyện phù hợp.
Năm nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương có 105 học sinh lớp 12 sẽ thi THPT quốc gia. Sau kỳ nghỉ Tết, tất cả giáo viên liên quan đều được trung tâm giao nhiệm vụ xây dựng chương trình ôn tập cho học sinh. Ngoài giờ dạy trên lớp, các thầy, cô giáo còn tranh thủ thời gian ở nhà chuẩn bị tài liệu, xây dựng dạng bài kiểm tra, thi thử phù hợp với nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu để giúp các em ôn tập. Học sinh được ôn luyện theo hình thức cuốn chiếu, học theo chủ đề sau đó ra các câu hỏi trắc nghiệm để các em làm quen với dạng đề thi năm nay. Qua quá trình kiểm tra, những học sinh có học lực khác nhau sẽ được phân loại. Những em có học lực yếu sẽ được thầy cô quan tâm, dành nhiều thời gian để củng cố kiến thức cho từng môn học.
Cô giáo Phạm Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng để các em củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi lớn. Vì vậy, trung tâm đã bố trí những thầy cô giàu kinh nghiệm nhất ôn thi cho học sinh, đặc biệt là đối với những em còn hổng kiến thức”.
Tiếp thêm động lực
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh, thầy cô giáo còn tận tình hướng dẫn các em cách chọn và đăng ký tổ hợp đề thi phù hợp với năng lực của mình. Không chỉ truyền đạt kiến thức, nhiều thầy cô còn trở thành "chuyên gia tâm lý" để cùng lắng nghe, chia sẻ và tư vấn mỗi khi học trò có vướng mắc.
Cô Vũ Thị Hạnh, giáo viên dạy môn văn Trường THPT Trần Phú (Chí Linh) cho biết: “Lớp 12I do tôi chủ nhiệm có 39 học sinh. Để giúp các em có tâm lý thoải mái trước kỳ thi THPT quốc gia, trong năm nay, tôi và các giáo viên khác thường xuyên quan tâm, hỏi han để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em. Chúng tôi cũng chủ động tiếp xúc, trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em, có những lời khuyên để phụ huynh lắng nghe và tôn trọng quyết định lựa chọn của con”.
Nhờ sự quan tâm của thầy cô, nhiều học sinh đã không còn quá lo lắng trước kỳ thi này. Các em tự tin hơn với học lực và có lựa chọn phù hợp với khả năng của mình.
Là học sinh có học lực khá và có thiên hướng về các môn khoa học tự nhiên, em Nguyễn Mạnh Tưởng (lớp 12B Trường THPT Tuệ Tĩnh) từng đắn đo khi lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường đại học. Sau khi tâm sự cùng cô giáo chủ nhiệm, em đã đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em Tưởng cho biết: “Ngoài việc học, ôn tập tại trường, mỗi ngày chúng em thường dành khoảng 4 giờ để ôn luyện kiến thức cũ tại nhà. Thời gian không còn nhiều mà khối lượng kiến thức lớn làm chúng em cảm thấy áp lực. Mỗi lần như vậy, chúng em lại chia sẻ cùng thầy, cô giáo để nghe những lời khuyên. Nhờ vậy, em đã cảm thấy tự tin hơn”.
ĐỨC TÂM