Tác nghiệp giữa khơi xa
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 19:09, 21/06/2018
Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông xem báo Hải Dương
Mỗi người làm báo đều có những kỷ niệm đẹp trong nghề. Với tôi và nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác, chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là quãng thời gian không thể nào quên.
Anh nuôi ngồi giữ nồi cho phóng viên ăn
Một ngày đầu năm 2018, tàu KN490 xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đưa đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và hơn 30 phóng viên các cơ quan báo chí chúng tôi ra đảo xa.
Nhiệm vụ trong hải trình lần này của đoàn công tác là thăm, tặng quà Tết, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và thay, thu quân tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo phía nam Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu rất đông nên không đủ phòng cho tất cả. Thủ trưởng đoàn công tác và chỉ huy tàu KN490 thống nhất bố trí các phòng dành riêng cho phóng viên, mỗi người ngủ một giường, còn bộ đội hầu hết phải ngủ chung giường hoặc nằm dưới sàn tàu. Chúng tôi có ý kiến: “Cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt thế nào thì phóng viên cũng vậy” nhưng đồng chí Đoàn Văn Duân, Chính trị viên tàu KN490 ân cần nói: “Hải trình còn dài, nhiều khó khăn, thử thách vẫn đang ở phía trước nên phóng viên cần được ưu tiên. Có như vậy mới có sức mà tác nghiệp và như thế thì chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ. Mong anh em hiểu cho và hãy coi tàu như là nhà, cán bộ, chiến sĩ như người thân của mình”.
Mùa biển động, tàu KN490 thuộc diện to và hiện đại bậc nhất Việt Nam vẫn liên tục chòng chành, lắc lư. Hôm di chuyển từ đảo Đá Đông sang đảo Đá Tây, vì có gió mùa đông bắc tăng cường, biển động dữ dội nên tàu không thể thả neo. 4 ngày liền, tàu KN490 chỉ chạy lòng vòng mà không thể cập đảo. Có tới gần một nửa nhóm phóng viên chúng tôi bị say sóng, yếu mệt, nhiều người không ngồi dậy được chứ đừng nói tới chuyện ăn. Bác sĩ của tàu chẳng được nghỉ ngơi, liên tục chạy từ phòng này qua phòng khác để tiêm, truyền nước cho những phóng viên bị say sóng. Các cán bộ, chiến sĩ tự tay nấu hoặc lấy cháo, sữa hộp, nhường từng viên thuốc cá nhân và mang lên tận phòng, chăm sóc cho phóng viên chẳng khác nào người thân... Tôi và những phóng viên không bị say sóng thì dùng bữa trên phòng ăn của tàu. Có hôm sóng biển vỗ mạnh vào mạn tàu làm bàn ghế nghiêng ngả, đĩa bát đổ vỡ, thức ăn rơi tung tóe ra sàn. Các anh nuôi và một số chiến sĩ phải ngồi giữ nồi, bát đĩa trên mặt bàn cho chúng tôi ăn. Tối đến, họ tới từng phòng phóng viên hỏi thăm về quê quán, sức khỏe, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện ngoài đảo xa… Tình cảm, trách nhiệm của các anh khiến chúng tôi rất xúc động.
Nghĩa tình tiền tuyến - hậu phương
Hải trình của chúng tôi qua 11 đảo, điểm đảo. Hôm chúng tôi ra thăm cũng vừa lúc cơn bão số 16 Tembin quét qua quần đảo này ít ngày. Trên các đảo nổi như Trường Sa, Trường Sa Đông, cây xanh, vườn rau… của bộ đội gần như bị phá hủy hết. Thấy có người từ trong đất liền ra, bộ đội trên đảo mừng lắm. Bão mới đi qua, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng các anh vẫn chuẩn bị cho đoàn phóng viên bữa cơm thịnh soạn mang hương vị của biển lẫn đất liền. Tình cảm giữa chúng tôi bỗng chốc gần gũi, thân quen. Hôm rời đảo Trường Sa Đông, trời mưa to, gió lớn nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ ở đây đều ra tận chân cầu cảng tiễn chúng tôi. Sóng to lùa xuồng CQ mắc vào gờ cát, bộ đội trên đảo nhảy xuống nước để đẩy thuyền ra, ai nấy đều ướt sũng, mặt mũi thâm tím vì gió rét. Chứng kiến tình cảm của lính đảo, trong đoàn ai cũng xúc động. Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận Nguyễn Bá Trí (54 tuổi) khóc như một đứa trẻ khi xuồng rời đảo. “Các anh không chỉ kiên cường mà còn rất nghĩa tình. Giây phút này sẽ mãi trong trái tim tôi”, anh Trí nói.
Trước khi lên đường, đa phần phóng viên đều chuẩn bị các phần quà để mang ra đảo tặng cán bộ, chiến sĩ. Ấn tượng nhất là nhà báo Nguyễn Xuân Nam (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương). Đồng nghiệp của tôi năm nay 60 tuổi, lần đầu ra Trường Sa. Tới các đảo, điểm đảo, ông Nam đều dành tặng cán bộ, chiến sĩ 3 triệu đồng tiết kiệm từ thu nhập hằng tháng. “Mình được sống trong đất liền, thích gì được nấy, còn các cán bộ, chiến sĩ ngoài này phải vất vả với sóng gió, hiểm nguy để bảo vệ Tổ quốc. Trước ngày lên đường ra đảo, tôi đã tự nhủ mình phải làm một điều gì đó có trách nhiệm với các anh”, ông Nam cho biết.
Bên cạnh các món quà quê, tôi và phóng viên khác không quên mang ấn phẩm báo Tết tặng bộ đội trên đảo. Cùng một số chiến sĩ đọc báo Hải Dương Tết dương lịch 2018, đại úy Nguyễn Việt Trung quê ở TP Hải Dương đang công tác tại đảo Trường Sa Đông chia sẻ: “Gần một năm rưỡi ra đảo công tác tôi không có nhiều điều kiện để tìm hiểu về tình hình quê nhà. Tờ báo đã cho tôi nhiều thông tin bổ ích, thích nhất là thấy tỉnh ta đang từng ngày phát triển. Đây là động lực để lính đảo tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, vì quê hương, vì đất nước”.
Ngày chia tay Trường Sa, phóng viên chúng tôi ai cũng được lính đảo tặng quà là cây bàng vuông và ốc biển. Cây bàng vuông do tôi trồng giờ đang lên xanh tốt. Mỗi lần chăm sóc cho cây, những cảm xúc ở Trường Sa lại ùa về trong tôi.
TIẾN MẠNH