Tòa tuyên y án ông Đinh La Thăng 18 năm tù
Pháp luật - Ngày đăng : 17:24, 26/06/2018
Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: GIANG LONG
Sau 7 ngày xét xử và nghị án, chiều 26.6, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Dầu khí (PVN) và đồng phạm trong vụ án PVN mất 800 tỷ khi góp vốn vào OceanBank.
Không có tài liệu thể hiện Thủ tướng đồng ý cho PVN góp vốn vào OceanBank
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định bản án sơ thẩm phạt ông Thăng tội cố ý làm trái quy định về quản lý Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ và tuyên y án 18 năm tù với ông Đinh La Thăng.
Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo, tuyên y án với các bị cáo: Ninh Văn Quỳnh (23 năm tù), Nguyễn Xuân Sơn (30 tháng tù), Vũ Khánh Trường (5 năm tù), Nguyễn Xuân Thắng (22 tháng tù) và Nguyễn Thanh Liêm (22 tháng cải tạo không giam giữ)
Tòa phúc thẩm chỉ chấp nhận kháng cáo của duy nhất bị cáo Phan Đình Đức - thành viên HĐQT PVN, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, chuyển tội danh từ tội cố ý làm trái sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và thay đổi hình phạt từ 15 tháng cải tạo không giam giữ (cấp sơ thẩm) thành hình phạt cảnh cáo.
Theo tòa, mọi hoạt động đầu tư của PVN, HĐQT đều phải trình Thủ tướng phê duyệt. Sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương, PVN mới hoàn thiện hồ sơ góp vốn gửi các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, lúc đó PVN mới được đầu tư.
Do đó, việc cho rằng PVN không cần xin phép khi đầu tư góp vốn là không có cơ sở chấp nhận. Về thỏa thuận góp vốn giữa PVN và OceanBank, theo HĐXX, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng có ý kiến đồng ý về chủ trương cho PVN góp vốn vào OceanBank sau khi OceanBank tăng vốn điều lệ.
Ông Thăng ký thỏa thuận trái thẩm quyền
Theo HĐXX, việc ông Đinh La Thăng thay mặt PVN ký thỏa thuận 6934 về việc góp vốn vào OceanBank là trái với thẩm quyền. Việc ký thỏa thuận 6934 là không đúng chức năng, vượt quá thẩm quyền điều lệ PVN, quy chế làm việc HĐQT... Thỏa thuận này là tiền đề ban ra nghị quyết, góp vốn sau này. Do vậy, hậu quả PVN góp vốn vào OceanBank liên quan tới trách nhiệm pháp lý của bị cáo Đinh La Thăng.
Về quan điểm của bị cáo và người bào chữa cho rằng hoạt động của OceanBank có hiệu quả, PVN có lãi, việc PVN mất tiền là do thay đổi chính sách, Chính phủ không cho PVN thoái vốn, Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc 0 đồng... HĐXX cho rằng không thuộc sự điều chỉnh luật hành chính, không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.
Về hành vi khách quan ký, ban hành nghị quyết của bị cáo Thăng và các bị cáo khác, theo HĐXX là trái thẩm quyền, vi phạm trình tự thủ tục ban hành văn bản của Nhà nước. Khi được bổ nhiệm thành viên hội đồng thành viên của PVN, các bị cáo biết rõ quy định.
Do đó, các bị cáo buộc phải biết hành vi của mình là sai phạm. Hơn nữa, điều lệ quy chế làm việc do chính các bị cáo soạn thảo, ban hành, trình Thủ tướng, do đó các bị cáo buộc phải hiểu nhưng lại bàng quan về hậu quả.
Về dân sự, tòa tuyên buộc ông Thăng bồi thường 600 tỉ đồng, ông Quỳnh bồi thường 100 tỉ đồng, các bị cáo còn lại bồi thường từ 15-40 tỉ đồng.
Trước đó, trong suốt những ngày xét xử phúc thẩm, ông Đinh La Thăng khẳng định việc góp vốn của PVN vào OceanBank được thực hiện sau khi có đồng ý của Thủ tướng. Ông Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xem thực tế việc tăng vốn của OceanBank đồng thời không xem xét việc đến 2015 Ngân hàng Nhà nước mới có văn bản hướng dẫn cho phép thoái vốn.
"Bản án sơ thẩm phủ nhận thực tế hiệu quả góp vốn, PVN được chia cổ tức 244 tỉ đồng. Số tiền 100 tỉ góp vốn lần 3 được sử dụng từ chính nguồn cổ tức của OceanBank", ông Thăng nói đồng thời cho rằng tháng 8-2011 đã rời khỏi PVN, chấm dứt quyền và nghĩa vụ, trong khi việc đầu tư có hiệu quả, đúng chủ trương nên không phải chịu trách nhiệm.
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định không bao giờ cố ý làm trái, biết sai mà vẫn làm và nói mình "không có tội". Trong phần tranh luận, bị cáo đã đề nghị đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa giải thích thêm nội dung: số tiền 244 tỉ cổ tức PVN được OceanBank chia là tiền thật hay ảo; vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng là thật hay ảo sau khi Ngân hàng nhà nước mua OceanBank 0 đồng…
"VKS nêu tôi ký quyết định cử người đại diện góp vốn 20% là sai và là căn cứ ra nghị quyết góp vốn. Vậy nếu đại diện VKS là Chủ tịch PVN thì cho ký như nào? Nếu chỉ ký đại diện 15% theo luật, 5% còn lại thì ai là đại diện quản lý khi PVN chưa được phép thoái vốn?", ông Thăng nói. Tuy nhiên, hầu hết những câu hỏi này không được VKS đối đáp.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh được dẫn giải đến tòa - Ảnh: Nguyễn Khánh
Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN) cho rằng việc chưa làm tròn trách nhiệm là do năng lực chuyên môn, không phát hiện sai phạm nên không báo cáo được lên cấp trên. Điều này bị HĐXX phản bác bởi theo lời vị chủ tọa, bị cáo Quỳnh biết thừa là không có kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn đề xuất góp vốn.
Về số tiền nhận từ Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN), ông Quỳnh khẳng định chỉ nhận 20 tỉ. "Trong thời gian bị bắt, bị cáo rất ăn năn hối hận", ông Quỳnh nói đồng thời cho hay có một điều rất xấu hổ, đó là bản thân đã không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính của ông Nguyễn Xuân Sơn.
Các bị cáo khác thì nêu ra những lý do về nhân thân, gia đình có cha mẹ có công với cách mạng… để xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Theo Tuổi trẻ