Vết thương của ông
Các em viết - Ngày đăng : 09:03, 22/07/2018
Ông tôi từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam trong những năm ác liệt nhất. Trong khi không ít đồng đội của ông mãi mãi nằm lại chiến trường thì ông may mắn trở về với vết thương ở gót chân phải và trong người mang di chứng của chất độc da cam. Ông đi cà nhắc và hễ trái gió trở trời thì ông phải dùng đến cây nạng. Những lúc ấy, tôi thấy mặt ông nhăn nhó, khổ sở, vậy mà ông không hề kêu ca một tiếng. Ông còn nói đùa: “Vết thương của ông có chức năng dự báo thời tiết chẳng kém gì ti vi”. Tôi biết ý, đạp xe ra hiệu thuốc tây mua cho ông mấy viên giảm đau. Có lần ông không uống, ông bảo: “Ông chịu được. Đau thế đã ăn thua gì. Uống nhiều thuốc giảm đau thành quen, không tốt đâu”. Tôi thương ông mà chẳng biết làm thế nào, bèn năn nỉ: “Ông nằm nghỉ đi! Con bóp chân cho ông nhé!”. Tôi vừa bóp chân cho ông vừa véo von cất giọng hát: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây…”. Gương mặt ông dần giãn ra, một vài nếp nhăn biến mất. Ông khen: “Cháu gái ông hát hay nhỉ. Phải hát những bài như thế chứ. Mấy bài nhạc trẻ bây giờ ông nghe ù hết cả tai, chả hiểu gì cả”. Tôi cười thầm, nghĩ bụng: “Ông đúng là lạc hậu”.
Ông tôi còn lạc hậu đến nỗi không biết sử dụng điện thoại thông minh, chỉ thích dùng “cục gạch” để nghe và gọi. Từ hôm ông Ba hàng xóm mách nước cách lướt Facebook để liên lạc với đồng đội cũ, ông vui lắm, bèn dành hẳn tháng lương thương binh để mua ngay chiếc iPhone 5 cũ và bảo tôi “dạy ông cách sử dụng”. Tôi lập cho ông một tài khoản Facebook và mất mấy buổi tối để dò tìm, “kết bạn” hộ ông. Ông đeo kính lão, chăm chú học các thao tác sử dụng mạng xã hội. Tìm được đồng đội cũ trên “phây” mà ông mừng như vớ được của. Hễ thấy ông bạn nào đang online, đèn sáng là ông gọi điện qua messenger. Hai bên nhìn thấy nhau, ông mừng quá, reo toáng lên: “Hay! Hay quá! Tài nhỉ, thế này mà mình không biết sớm”. Ông tíu tít nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể với đồng đội cũ rồi quyết định thành lập một “nhóm kín” để trao đổi, bàn bạc, lên kế hoạch đi thăm từng nhà một.
Mấy đêm nay, tôi phát hiện ông cứ thao thức, trằn trọc và trở mình liên tục. Tôi nghĩ vết thương ở gót chân của ông lại tái phát. Đến bữa, ông cũng kém ăn hẳn so với bình thường. Bà tôi lo lắng: “Hay là ông đi viện khám xem vết thương ở chân có nghiêm trọng không chứ ông mất ăn mất ngủ thế này thì bà cháu tôi cũng bị ảnh hưởng lây”. Ông gạt đi: “Không! Tôi đang tính một việc”. Bà tôi sửng sốt, hỏi dồn: “Việc gì? Ông nói cho tôi xem nào. Việc gì mà ông mất ăn mất ngủ?”.
Hóa ra, cái việc ông đang nung nấu mấy ngày qua là việc tập hợp anh em đồng đội cũ tổ chức một chuyến đi thăm chiến trường xưa, thăm những người đồng đội yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn. Ngặt một nỗi, kinh phí tốn kém, ông nào cũng khó khăn. Ông muốn đứng ra tài trợ một phần nhưng lại sợ bà tôi không đồng ý. Quả nhiên, bà tôi phân trần: “Tôi chả tiếc nhưng có mấy chỉ vàng tiết kiệm để phòng thân, lỡ vết thương của ông tái phát phải nhập viện thì biết làm thế nào”. Ông quả quyết: “Vết thương của tôi thì ăn thua gì, chỉ thương đồng đội không trở về. Mấy chục năm rồi mà mình chưa thắp cho họ được một nén hương. Áy náy lắm”. Bà tôi im lặng. Như thế có nghĩa là bà đã đồng ý.
Lần đầu tiên, tôi hiểu vết thương lớn nhất, đau nhất đối với ông không phải là vết thương thể xác mà là vết thương tinh thần do chiến tranh đã gây ra. Trong tôi bỗng trào lên niềm tự hào về ông nội của mình.
VƯƠNG ĐOÀN PHƯƠNG DUNG (Lớp 11G, Trường THPT Nam Sách)